29/01/2024 08:53 GMT+7

Kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm'

Nền kinh tế Mỹ gây bất ngờ với mức tăng trưởng 3,3% trong quý cuối cùng của năm 2023.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Safeway ở thành phố Scottsdale, bang Arizona (Mỹ) vào ngày 3-1-2024 - Ảnh: BLOOMBERG

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Safeway ở thành phố Scottsdale, bang Arizona (Mỹ) vào ngày 3-1-2024 - Ảnh: BLOOMBERG

Ngày càng nhiều người lạc quan rằng Mỹ đang trên đà đạt được cú "hạ cánh mềm", tức tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng không rơi vào suy thoái. Dữ liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng nhanh hơn đáng kể vào cuối năm 2023 so với dự báo, khiến khả năng suy thoái kinh tế ngày càng khó xảy ra.

Nhiều điểm sáng

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ vào hôm 25-1 cho thấy GDP của Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm 3,3% trong quý cuối cùng của năm 2023, thấp so với con số 4,9% được ghi nhận vào quý trước đó (từ tháng 7 đến tháng 9) nhưng cao hơn đáng kể so với mức dự báo 2%. Trong khi đó GDP cả năm 2023 của nước này đạt 2,5%, tăng so với mức 1,9% vào năm 2022.

Người tiêu dùng được coi là động lực chính đằng sau sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Mức chi tiêu của họ tăng 2,8% hằng năm trong quý cuối cùng của năm 2023.

Sau thời gian u ám kéo dài, giờ đây người Mỹ bắt đầu cảm nhận tốt hơn phần nào về lạm phát và kinh tế - xu hướng có thể duy trì chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của cử tri vào cuộc bầu cử tổng thống mùa thu năm nay. Chẳng hạn chỉ số tâm lý người tiêu dùng mà Đại học Michigan công bố đã tăng vọt trong hai tháng qua lên mức cao nhất kể từ năm 1991.

Cách đây một năm, nhiều nhà phân tích lo ngại việc tăng lãi suất sẽ gây suy thoái kinh tế ở Mỹ do cản trở hoạt động vay mượn và chi tiêu. Tuy nhiên, dự đoán này giờ đây dường như ngày càng khó xảy ra.

Để đối phó với tình trạng lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3-2022. Kể từ đó, lãi suất đã được tăng 11 lần, lên tới mức cao nhất trong hơn 20 năm là 5,5%.

Tuy nhiên, thay vì làm tê liệt nền kinh tế, chi phí đi vay cao đã làm giảm lạm phát mà không tác động nghiêm trọng tới các số liệu việc làm và tăng trưởng. Điều này báo hiệu Fed chuẩn bị đạt được cú "hạ cánh mềm". Bà Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng tại U.S. Bank, bình luận: "Kỳ vọng của chúng tôi là sẽ có cú hạ cánh mềm và có vẻ như mọi thứ đang diễn ra theo hướng đó".

Hiện tại, tỉ lệ lạm phát của Mỹ vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, lạm phát hằng năm đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 9,1% (vào tháng 6-2022) xuống còn 3,4% vào tháng 12-2023. Điều này có nghĩa mặc dù giá cả vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm hơn.

Dữ liệu công bố hôm 25-1 cũng cho thấy chỉ số PCE - thước đo lạm phát xem xét chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình - đã tăng 1,7% trong quý cuối cùng của năm 2023, nhưng thấp so với mức tăng 2,6% trong quý 3 cùng năm.

Về thị trường lao động, tỉ lệ sa thải ít hơn dự báo và tiền lương đã được tăng trong năm qua, giúp củng cố hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong 23 tháng liên tiếp và đây là kết quả được duy trì lâu nhất kể từ thập niên 1960.

Cuộc đua kinh tế số 1 thế giới

Hãng tin Bloomberg bình luận dữ liệu mới về GDP cho thấy Mỹ đã nới rộng cách biệt với Trung Quốc trong cuộc đua cho vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới.

GDP danh nghĩa của Mỹ đã tăng 6,3% (chưa điều chỉnh theo lạm phát) trong năm 2023, vượt mức tăng 4,6% của Trung Quốc. Dù sự vượt trội này một phần phản ánh đà tăng giá tại Mỹ, nhưng cũng phản ánh một điều lớn hơn: Đó là nền kinh tế Mỹ đang phục hồi từ đại dịch COVID-19 tốt hơn Trung Quốc.

Vào đầu năm 2023, kinh tế Mỹ được cho là sẽ rơi vào suy thoái, khi Fed tăng lãi suất để kiềm chế mức lạm phát chưa từng thấy trong nhiều thập niên. Trái lại, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng khi mở cửa hoàn toàn nền kinh tế sau các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19. Nhưng thực tế lại đi ngược với những dự đoán này, theo Bloomberg.

Trong khi nỗi lo về suy thoái ở Mỹ đã giảm đi, thì nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm và chuỗi giảm phát tồi tệ nhất của nước này trong khoảng 25 năm qua. Xuất khẩu - đã từng là một trụ cột kinh tế của Trung Quốc - suy giảm trong năm 2023. Cùng với đó, tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng mạnh và các chính quyền địa phương đang vật lộn với khối nợ lớn.

Theo tạp chí Fortune, lạm phát gây đau đớn khi cướp đi sức chi tiêu của tất cả mọi người, từ người đưa thư cho đến những chủ ngân hàng đầu tư quyền lực nhất Phố Wall. Tuy nhiên giảm phát có thể còn tồi tệ hơn, bởi vì mặc dù giá cả giảm nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng môi trường giảm phát là điều tồi tệ đối với tăng trưởng.

Ông Josh Lipsky, cựu cố vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bình luận khả năng Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lùi xa. Ông nói: "Mọi cuộc thảo luận về chuyện Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP giờ đây đã bị gác sang một bên và trì hoãn, nếu không muốn nói là bị hoãn vô thời hạn".

Còn với Mỹ, đến nay cú dứt điểm trong chiến dịch Fed để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% vẫn chưa xuất hiện. Vì thế bất chấp các số liệu kinh tế tích cực, vẫn có nguy cơ Fed duy trì chính sách quá chặt và quá lâu, gây ra suy thoái.

Giá cả vẫn cao

Theo Đài BBC, trong những tháng gần đây, các cuộc khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng ở Mỹ đang cải thiện. Chứng khoán tăng, giá xăng giảm và tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Bà Ha Le (44 tuổi), cư dân ở bang California, cho biết giờ đây không còn phải thường xuyên tìm kiếm loại xăng có giá thấp nhất nữa.

Tuy nhiên, ngay cả khi lạm phát ở Mỹ đã chậm lại đáng kể, giá cả tổng thể vẫn cao hơn gần 17% so với mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ba năm trước.

Kinh tế Mỹ đang "xanh" trở lạiKinh tế Mỹ đang 'xanh' trở lại

Các chuyên gia kinh tế Mỹ tràn trề hy vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế sau khi chỉ số lạm phát nước này ở mức khả quan nhiều tháng liên tục.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên