11/04/2024 14:00 GMT+7

Kore-eda: Đừng làm điện ảnh chỉ với mong muốn kinh tế

Quốc bảo điện ảnh Nhật Bản Hirokazu Kore-eda nhận lời đến Việt Nam vì lời mời của ân nhân Kim Dong Ho - 'cha đẻ' Liên hoan phim quốc tế Busan và cũng là chủ tịch danh dự của Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF 2024).

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda trò chuyện cùng truyền thông Việt Nam chiều 10-4 - Ảnh: T.T.D.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda trò chuyện cùng truyền thông Việt Nam chiều 10-4 - Ảnh: T.T.D.

Hirokazu Kore-eda gọi ông Kim Dong Ho là ân nhân, người đã giới thiệu cho ông nhiều cơ hội trong sự nghiệp.

Ông cũng thành thật chia sẻ đến Liên hoan phim quốc tế TP.HCM và Việt Nam vì được biết đây là một đất nước "có những bữa ăn ngon", và việc nhận lời tham dự liên hoan phim (LHP) ở đâu cũng là cơ hội thăm đất nước đó.

Quý mến Trần Anh Hùng

Về điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Kore-eda bảo ông chưa xem nhiều phim, cũng chưa tiếp xúc nhiều. 

Tuy nhiên, ông có sự trân trọng với nhà làm phim người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng vì họ cùng có trên 30 năm sự nghiệp. Với Trần Anh Hùng, Kore-eda có kỷ niệm từng dùng bữa ở London cùng nhau.

Kore-eda và Trần Anh Hùng đều từng đạt những vinh quang ở Liên hoan phim Cannes - Ảnh: Getty

Kore-eda và Trần Anh Hùng đều từng đạt những vinh quang ở Liên hoan phim Cannes - Ảnh: Getty

Ở LHP Cannes 2023, ông cho hay ông rất vui khi Trần Anh Hùng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc với phim The Taste of Things (Muôn vị nhân gian), còn phim của ông (Monster) đoạt giải Kịch bản cho biên kịch Ko-ji Yakusho. 

Kore-eda khiêm tốn giải thích ông thường viết kịch bản cho phim mình nhưng Monster có cấu trúc phức tạp mà ông không viết được, và may mắn được làm việc với một biên kịch tài năng.

Kore-eda chưa xem các phim Việt. Tuy nhiên theo ông, Việt Nam có những nét tương đồng với Hàn Quốc và Hàn Quốc cũng có nền điện ảnh rất phát triển. Bởi vậy nếu Việt Nam có những phim hay thì ông cũng rất mong muốn được xem.

Cần nuôi dưỡng các tài năng mới

Khi HIFF diễn ra, nhiều người mong đợi sự kiện sẽ tạo cú hích để phát triển nền công nghiệp điện ảnh địa phương, từ đó giúp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Từ góc nhìn của một nhà làm phim bậc thầy có kinh nghiệm 30 năm, đóng góp nhiều tác phẩm giá trị cho điện ảnh Nhật Bản và thế giới, đạo diễn Kore-eda chia sẻ:

"Nếu một nền điện ảnh được sản xuất tại địa phương nào thì địa phương đó có thể phát triển. 

Kore-eda đưa ra quan điểm thẳng thắn về việc tổ chức một liên hoan phim thành công: đừng quá chú trọng người nổi tiếng, cần nuôi dưỡng các tài năng trẻ - Ảnh: T.T.D

Kore-eda đưa ra quan điểm thẳng thắn về việc tổ chức một liên hoan phim thành công: đừng quá chú trọng người nổi tiếng, cần nuôi dưỡng các tài năng trẻ - Ảnh: T.T.D

Tuy nhiên, đó là kết quả phái sinh của việc làm phim, tuyệt nhiên không thể là mục đích của sáng tạo điện ảnh. Nếu lấy đó làm mục đích sáng tạo điện ảnh thì tôi không cho đó là một tư duy lành mạnh".

Để một LHP non trẻ như HIFF xây dựng được thương hiệu và gây ấn tượng trong khu vực, ông nói:

"Ngay cả ở Nhật Bản cũng không có nhiều LHP quốc tế có hiệu quả, lần này LHP đã mời ông Kim Dong Ho - người tham gia sáng lập LHP Busan - làm chủ tịch danh dự. Điều này rất có ý nghĩa. Nếu có thể thì hãy mời được nhiều nhân vật uy tín tham gia sẽ giúp nâng cao uy tín của LHP".

Toàn cảnh cuộc trò chuyện giữa đạo diễn Kore-eda và đại diện một số cơ quan báo chí ở TP.HCM chiều 10-4 - Ảnh: MI LY

Toàn cảnh cuộc trò chuyện giữa đạo diễn Kore-eda và đại diện một số cơ quan báo chí ở TP.HCM chiều 10-4 - Ảnh: MI LY

Nhưng ông cũng lưu ý một LHP không nên tập trung vào việc mời người nổi tiếng để tạo thương hiệu, mà cần nuôi dưỡng các tài năng mới. 

"LHP nên phát hiện, nuôi dưỡng những tài năng đạo diễn để giới thiệu và công nhận. Nếu phát hiện được một đạo diễn có tài thì năm sau tiếp tục động viên, vun đắp cho đạo diễn và khán giả cùng nhau đi lên, đồng hành cùng LHP thay vì chỉ cố gắng mời nhiều người nổi tiếng" - ông nói.

Để điện ảnh phát triển, đừng can thiệp vào sáng tạo

Dù là nhà làm phim tác giả, nổi danh khắp giới điện ảnh năm châu nhưng Kore-eda cho biết ông cũng gặp khó khăn khi quay phim ở thành phố Tokyo của Nhật Bản.

Cụ thể, khi nhà làm phim muốn quay cảnh ở sở cảnh sát, trường học, đường sá, địa điểm công cộng..., Tokyo đều không cho quay.

Đạo diễn Kore-eda trên trường quay một bộ phim - Ảnh: Japan Times

Đạo diễn Kore-eda trên trường quay một bộ phim - Ảnh: Japan Times

Bởi vậy, theo ông, nếu muốn phát triển thành "thành phố điện ảnh", thành phố đó phải làm ra sẵn "menu", muốn quay ở đâu thì nơi đó phải sẵn sàng cho quay.

Ông nói: "Để sáng tác phim phát triển thì thành phố chỉ hỗ trợ về mặt hậu cần thôi, chứ đừng điều chỉnh nội dung phim của nhà sáng tạo. 

Nếu động vào nội dung phim thì sẽ làm hỏng tác phẩm. Nội dung thì hãy để đạo diễn làm ra".

Tại Việt Nam có những khán giả trung thành yêu mến các bộ phim của Kore-eda như Nobody Knows, Still Walking, After the Storm, Like Father, Like Son, Shoplifters (Cành cọ vàng LHP Cannes 2018).

Khi nhận được sự đồng cảm từ khán giả Việt Nam, Kore-eda nói ông vui và biết ơn, ông cũng nhận ra Việt Nam quan tâm đặc biệt đến những phim có chủ đề gia đình. Ông muốn các bộ phim của mình được công chiếu nhiều hơn ở Việt Nam, bên cạnh BrokerMonster đã lần lượt ra rạp vào năm 2022 và năm nay.

Hirokazu Kore-eda: Bảo vật điện ảnh của Nhật BảnHirokazu Kore-eda: Bảo vật điện ảnh của Nhật Bản

Nổi tiếng với những câu chuyện về thân phận bị bỏ rơi, bên lề xã hội, Hirokazu Kore-eda luôn mang đến cái nhìn gai góc trong mỗi phim của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên