"Lạm phát teo nhỏ" trong từng tô bún bò

HẠ LAM 28/10/2023 07:48 GMT+7

TTCT - Khi bỏ bớt đi một chút huyết, xắt thịt mỏng hơn và vo viên chả cua bé hơn ngày thường, người bán bún bò thực ra đang thực hành một phương pháp được giới kinh tế gọi tên - shrinkflation, ghép giữa shrink (teo tóp) và inflation (lạm phát).

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Nói đơn giản, shrinkflation là một mánh để bên cung cấp tăng giá dù người mua vẫn trả giá như cũ. Thay vì nâng giá để bù đắp chi phí đầu vào tăng do lạm phát, các nhà sản xuất giải quyết bằng cách đóng gói mỗi đơn vị sản phẩm ít đi chút đỉnh; mấu chốt là việc này phải được thực hiện tinh vi, nếu không nói là lén lút. Theo Bloomberg, đây không phải là hiện tượng gì xa lạ, nó đã bắt đầu phổ biến vào những năm 1960-1970.

Trước kia người ta dè bỉu những ai đi "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành", nhưng giờ đây ta rất nên làm thế, vì ta có thể đang bị trả giá cao hơn mà không biết. Nếu chai nước 750ml thông thường giá 3 USD, nay chỉ còn 675ml mà giá không đổi, thì thực chất nhà sản xuất đã tăng giá ngầm được 10%.

Cuối tháng 9, The Guardian đưa tin người mê sô cô la hiệu Galaxy đã trở thành nạn nhân mới nhất của "lạm phát teo nhỏ" khi mỗi thanh kẹo chỉ còn 100g thay vì 110g, dù giá như cũ. Hãng Mars thừa nhận đã phải giảm kích cỡ vì chi phí đầu vào tăng.

Theo khảo sát người tiêu dùng Anh của Barclays hồi tháng 6, 2/3 người được hỏi có để ý thấy hàng hóa teo tóp lại dù giá không đổi. Tuy nhiên, theo Mark Stiving của tổ chức đào tạo định giá Impact Price, với đa số hàng tiêu dùng, chiêu trò này có thể diễn ra mà không bị phát hiện, vì người tiêu dùng thường nhạy cảm với giá hơn là kích cỡ sản phẩm. "Họ nhìn vào giá, yên lòng khi thấy con số không có gì thay đổi và thuận tay móc bóp mà không hay biết mình nhận về lượng hàng hóa ít hơn" - Stiving nói với BBC.

Các công ty thường đưa ra ba lý do khiến họ phải áp dụng chiêu trò: giá nguyên vật liệu tăng; chi phí vận chuyển tăng; hoặc phải cạnh tranh với một đối thủ đã tăng giá. Nhưng theo Edgar Dworsky, cựu luật sư người Mỹ đấu tranh vì quyền lợi người tiêu dùng, kiêm nhà sáng lập chuyên trang tiêu dùng Consumer World, nhà sản xuất cần hiểu rõ rằng thủ thuật này đi đôi với nguy cơ khiến họ mất cả chì lẫn chài. Một báo cáo năm 2022 của Morning Consult cho thấy 48% người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng thương hiệu khác nếu phát hiện ra sản phẩm "lượng teo tóp nhưng giá không đổi".

Sô cô la Toblerone trước và sau "lạm phát teo tóp". Ảnh: Alastair Grant/AP

Sô cô la Toblerone trước và sau "lạm phát teo tóp". Ảnh: Alastair Grant/AP

Giữa thời lạm phát khắp nơi, tình trạng các nhà sản xuất áp dụng shrinkflation nhiều đến mức cơ quan chức năng một số nước buộc phải hành động. Đầu tháng này, Canada cho biết đang cân nhắc thành lập tổ công tác chuyên trách để phát hiện, giải quyết những trường hợp tăng giá ngầm. Thăm dò tháng 4 của Ipsos cho thấy 84% người Canada lo lắng về "lạm phát teo nhỏ".

Tại Đức, Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke đã chỉ trích lạm phát thu nhỏ không chỉ lừa dối người tiêu dùng, mà còn đi ngược tiêu chí tránh lãng phí, theo tường thuật của tờ Spiegel. Theo Euronews, Đức đang soạn luật để bắt buộc dán nhãn thông báo với các sản phẩm giữ nguyên giá dù lượng giảm. 

Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire gọi chiêu trò này là "hành động cực kỳ phản cảm", tuyên bố sẽ cố gắng đưa ra một luật yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ thông tin mỗi khi họ thu nhỏ sản phẩm mà không hạ giá.

Chưa cần luật này ra đời, chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp đã tự hành động bằng cách dán nhãn cảnh báo lên các sản phẩm "ăn gian" từ giữa tháng 9. Theo The Guardian, 26 sản phẩm trên các kệ hàng thuộc Carrefour giờ có thêm thông tin công khai: "Sản phẩm này đã bị giảm kích thước hoặc trọng lượng, khiến giá thực tế tăng lên". 

Chẳng hạn một chai nước vị đào thương hiệu Lipton (PepsiCo) giảm từ 1,5 lít xuống còn 1,25 lít, dù giá niêm yết không đổi nhưng giá sản phẩm thực tế đã tăng hơn 40% mỗi lít. Đại diện truyền thông của Carrefour khẳng định rằng mục đích của họ là nhắc nhở các nhà sản xuất phải cân nhắc lại chiến lược định giá. Chừng nào các công ty còn chưa giảm giá thì sẽ còn bị "điểm mặt, gọi tên" tại tất cả siêu thị Carrefour trên lãnh thổ Pháp.

Mùa Valentine 2023, không ít người tiêu dùng Mỹ được một phen ngỡ ngàng, ngơ ngác khi mở nắp chiếc hộp sô cô la Whitman's Sampler rõ to (23x25cm), nhưng bên trong chỉ có 11 viên kẹo, xếp vào phần khay nhựa vô cùng rộng rãi. Nếu không dùng khay, chỗ kẹo chỉ đủ lấp đầy 1/3 chiếc hộp hình trái tim.

Dworsky cho biết đây là một thủ thuật khác của giới sản xuất: hộp to quá cỡ sẽ khiến người tiêu dùng lầm tưởng sẽ có nhiều sản phẩm bên trong hơn. Theo luật liên bang, đây là hành vi slack-fill, hiểu nôm na là đóng gói ăn gian, và bị cấm. Cơ quan chức năng sẽ so sánh số lượng sản phẩm bên trong bao bì với dung tích của bao bì.

Nếu phần không gian dư thừa không có vai trò hay mục đích gì chính đáng với sản phẩm (chẳng hạn giúp chống hư hỏng), thì xem là vi phạm. Theo CNN, chiêu này khác với shrinkflation, khi nhà sản xuất phải dùng bao bì nhỏ hơn, nhẹ hơn và trang trí ít màu mè hơn để bù đắp chi phí. Luật ở Đức dự kiến cũng buộc nhà sản xuất dán nhãn với sản phẩm "lấy đầy bằng khoảng trống".

Hộp sô cô la Whitman's Sampler sau khi đã gỡ phần khay nhựa. Ảnh: Consumer World

Hộp sô cô la Whitman's Sampler sau khi đã gỡ phần khay nhựa. Ảnh: Consumer World

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận