20/07/2013 04:51 GMT+7

Làn sóng "khóc lóc than nghèo"

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Gần đây, Bộ Tài chính Trung Quốc đang đối mặt với một làn sóng “khóc lóc than nghèo” của nhiều chính quyền địa phương. Các tỉnh Quảng Đông, Hà Nam, Hà Bắc lần lượt kéo nhau về trung ương than vãn chuyện thiếu tiền và mong được rót vốn.

x9g7yYgk.jpgPhóng to
Lễ khánh thành cầu vượt sông Gia Thiệu dài 10.137m vào hôm qua. Cầu Gia Thiệu băng qua sông Tiền Đường được xem là cầu dây văng dài và rộng nhất thế giới hiện nay. Cầu nối liền hai thành phố Gia Hưng và Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, do ngân sách hai thành phố đầu tư - Ảnh: Reuters

Để đáp ứng nhu cầu chi xài và thúc đẩy tăng trưởng, nhiều chính quyền địa phương ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã ra sức vay nợ. Để trả nợ, các lãnh đạo chủ yếu dựa vào tiền thu được từ chuyển nhượng đất đai, mà báo chí chính thống ở Trung Quốc gọi thẳng là “bán đất”. Khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các chính quyền này bắt đầu bấu víu trung ương xin chính phủ rót vốn.

Tỉnh giàu cũng “khóc”

Theo ông Hứa Nhất Lực - bình luận viên kinh tế của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, điệp khúc “than nghèo” của các chính quyền địa phương chẳng phải là điều gì mới. “Mấy mươi năm gần đây, chẳng năm nào mà chính quyền địa phương lại không “khóc” với trung ương. Nhưng lần này tình hình đã có nhiều chuyển biến” - ông Hứa nhìn nhận và cho biết chính quyền trung ương cũng đang xính vính với chuyện thu nhập, nên sẽ khó có nhiều tiền hỗ trợ chính quyền địa phương.

Báo mạng Kinh Tế Trung Quốc cho biết nửa đầu năm 2013, thu nhập tài chính toàn Trung Quốc vào khoảng 6.860 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.117 tỉ USD), chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, thu nhập tài chính của trung ương chỉ tăng 1,5% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% đã đề ra.

Trước kia, chính quyền địa phương ở Trung Quốc không ngừng vay nợ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Khi trung ương không rót tiền xuống, các chính quyền này thường dựa vào đó để vung tay bán đất trả nợ và bù đắp các khoản chi.

Tình hình này vẫn kéo dài đến nay. Trong nửa đầu năm 2013, thống kê cho biết 306 thành phố trên toàn Trung Quốc thu được 1.130 tỉ nhân dân tệ (khoảng 184 tỉ USD) từ tiền bán đất, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2012. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, số tiền bán đất trong nửa đầu năm 2013 gần bằng với số tiền bán đất của cả năm 2012. Các con số ấn tượng này tuy vậy không tạo an tâm vì 2012 là năm đất đai bị ế ẩm.

Tăng trưởng kinh tế giảm sút, chính phủ trung ương cân nhắc kỹ chính sách kích thích kinh tế, điều này khiến nhiều địa phương đứng ngồi không yên. Dù hiện chưa đến nỗi thiếu tiền, nhưng các chính quyền địa phương cứ ùn ùn “than nghèo”. Bởi họ hiểu rằng sớm muộn cũng sẽ cần đến số tiền trung ương rót xuống. Thế là “điệp khúc nghèo” tiếp tục được các địa phương sử dụng như giải pháp giành được ngân sách trung ương. “Đến những tỉnh giàu như Quảng Đông mà còn tham gia đội ngũ này. Thật khó tưởng tượng được!” - ông Hứa bình luận.

Uống nước độc giải khát

Văn phòng Kiểm toán nhà nước Trung Quốc hôm 9-6-2013 đã công bố tình trạng nợ nần đáng báo động của 36 chính quyền địa phương năm 2012. Theo đó, 36 tỉnh thành của Trung Quốc nợ lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 651 tỉ USD), tăng 12,94% so với cùng kỳ của năm 2010.

Theo Tân Hoa xã, trong năm 2012 có bốn tỉnh và 17 thành phố cấp tỉnh cam kết sẽ bán đất để trả hơn một nửa tổng số nợ. Tuy nhiên, trong năm 2012 tình hình bán đất trong các địa phương này chẳng mấy khấm khá, điều này khiến các địa phương gặp không ít khó khăn.

Thực tế cho thấy tại một số địa phương phát triển nhanh hệ thống đường sá, áp lực này càng lớn. Báo mạng Bất Động Sản Trung Quốc dẫn lời ông Từ Hồng Tài - trưởng phòng thông tin thuộc Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc - cho biết khi các thu nhập từ bán đất giảm hoặc quỹ đất không còn nhiều, áp lực mất khả năng trả nợ của các chính quyền càng tăng. Dù hiện nay các chính quyền địa phương có thể khống chế được tình trạng nợ của mình, nhưng nguy cơ vỡ nợ ngày càng lớn.

Hiện tại đa số chính quyền địa phương chỉ có cách duy nhất ổn định tình hình là tiếp tục giữ vững tăng trưởng để có thể tiếp tục vay nợ, duy trì vận hành của bộ máy chính quyền cũng như chuỗi nợ. Nhưng theo ông Từ, hậu quả của việc vay nợ mới, trả nợ cũ này khiến nợ nần càng chồng chất, chẳng khác nào “uống nước độc để giải khát”.

Vấn đề đã được nhìn rõ tại Trung Quốc là việc những năm gần đây, các chính quyền địa phương thường đổ tiền vay hoặc tiền của trung ương vào các công trình hình thức nhằm nâng cao vị thế của địa phương. Trong khi đó, số tiền đầu tư vào các dự án y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, nhà đất cho người dân lại nhỏ giọt, gây nhiều mâu thuẫn và căng thẳng trong xã hội.

Mặc dù các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã giảm yêu cầu đối với tăng trưởng GDP của chính quyền địa phương, đồng thời tuyên bố sẽ không dùng GDP để đánh giá và cất nhắc cán bộ, nhưng thói quen xem GDP là tiêu chuẩn vàng để chứng minh sự phát triển của địa phương không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên