24/11/2023 12:01 GMT+7

Lập dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận

Ban quản lý dự án 7 được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có quy mô 4 làn xe đầy đủ nhưng đã trở nên chật chội sau 13 năm khai thác - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có quy mô 4 làn xe đầy đủ nhưng đã trở nên chật chội sau 13 năm khai thác - Ảnh: CHÍ QUỐC

Quyết định của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án 7 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo dõi, quản lý hợp đồng đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) phối hợp Ban quản lý dự án 7 trong quá trình thực hiện.

Ban quản lý dự án 7 làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, các đơn vị liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, các kết quả nghiên cứu trước đây liên quan đến các dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận; tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình thực hiện; rà soát hồ sơ, tài liệu các dự án đầu tư giai đoạn 1 để đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, vướng mắc (nếu có).

Đồng thời Ban quản lý dự án 7 có nhiệm vụ thông báo, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất dự án (lưu ý nội dung liên quan chi phí, rủi ro khi đề xuất dự án không được lựa chọn); xây dựng phương pháp đánh giá, tổ chức đánh giá để lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các quy định liên quan.

Tháng 8-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 6 làn xe theo phương thức đầu tư PPP toàn tuyến.

Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất loại hợp đồng phù hợp, trường hợp cần thiết báo cáo Quốc hội về việc áp dụng loại hợp đồng PPP và việc giao cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc đầu tư mở rộng đường được triển khai thuận lợi nhất.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, được đưa vào khai thác từ năm 2010 và tổ chức thu phí từ năm 2011. Sau đó được bán quyền thu phí trong giai đoạn 2014-2018. Từ đầu năm 2019 tới nay, tuyến cao tốc này không thu phí.

Theo thiết kế, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có quy mô 4 làn xe đầy đủ gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa của là 120km/h. Vận tốc trung bình trên đường khi thu phí là 100km/h. Nhưng từ khi không thu phí, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng lên nên vận tốc trung bình giảm chỉ còn 60 - 70km/h.

Còn đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) với tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỉ đồng, đưa vào khai thác từ tháng 4-2022. Đường có quy mô dài 51,5km, bốn làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m, không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m).

Do lưu lượng xe trên tuyến cao tốc từ TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận tăng, thường xảy ra quá tải nên thời gian qua các địa phương, nhà đầu tư đã đề xuất mở rộng cao tốc từ TP.HCM - đến Mỹ Thuận theo quy mô đầy đủ như quy hoạch.

Kiến nghị sớm làm giai đoạn 2 cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ ThuậnKiến nghị sớm làm giai đoạn 2 cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận

Lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng kiến nghị Chính phủ sớm triển khai giai đoạn 2 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận bởi những tuyến này đang quá tải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên