29/01/2024 08:11 GMT+7

Lịch sử đầy trục trặc giữa UNRWA và Israel

Cơ quan Liên Hiệp Quốc về hỗ trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên cơ quan này có liên quan đến vụ tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas.

UNRWA đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ nhân đạo người Palestine tại các khu vực xung đột - Ảnh: AFP

UNRWA đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ nhân đạo người Palestine tại các khu vực xung đột - Ảnh: AFP

UNRWA đã sa thải một số nhân viên, sau những cáo buộc được ví như "quả bom" ném xuống các nỗ lực nhân đạo và hình ảnh của Liên Hiệp Quốc trong cuộc xung đột.

Cái gai của Israel

Thông tin được Israel công bố tuần qua được xem là tình tiết mới nhất liên quan xung đột Israel - Hamas, vốn đã kéo dài sang tháng thứ tư. Một quan chức cấp cao của Israel nói với trang tin Axios rằng Shin Bet (cơ quan an ninh nội địa) và quân đội Israel có thông tin chỉ ra sự tham gia tích cực của các nhân viên UNRWA, cùng với việc để Hamas sử dụng các phương tiện và cơ sở vật chất của cơ quan trong vụ tấn công ngày 7-10.

"Đây là thông tin tình báo mạnh mẽ và được chứng thực", vị này nói thêm và cho biết "phần lớn thông tin tình báo là kết quả của việc thẩm vấn các tù binh bị bắt trong vụ tấn công ngày 7-10".

UNRWA được Liên Hiệp Quốc thành lập sau cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948 để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người Palestine phải tha hương. Cơ quan này mô tả người tị nạn Palestine là bất kỳ "người nào có nơi cư trú bình thường là Palestine trong khoảng thời gian từ ngày 1-6-1946 đến 15-5-1948 và là những người mất cả nhà cửa lẫn phương tiện sinh kế do Chiến tranh năm 1948".

Những người phù hợp với định nghĩa đó hiện nay lên tới 5,9 triệu.

UNRWA cũng là một trong những cơ quan sử dụng lao động lớn nhất ở Gaza, với 13.000 người, chủ yếu là người Palestine. Kể từ khi thành lập, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần đổi mới nhiệm vụ của UNRWA.

Theo trang web của mình, cơ quan này đã cung cấp viện trợ cho bốn thế hệ người tị nạn Palestine, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và hỗ trợ khẩn cấp, kể cả trong thời điểm xung đột. Đó cũng là khởi nguồn cho những tranh cãi, cáo buộc giữa Israel và UNRWA.

Israel cho biết chương trình giảng dạy ở trường của UNRWA đã thúc đẩy phản đối sự tồn tại của Israel và cáo buộc nhóm này nằm dưới sự ảnh hưởng của Hamas. Tel Aviv cũng xem việc đưa người tị nạn Palestine trở lại các vùng đất họ từng sinh sống là một điều bất khả thi, tin rằng điều này sẽ phá vỡ các giá trị văn hóa, xã hội hiện hữu ở những khu vực Israel đang kiểm soát.

Tại Mỹ, các nhóm cánh hữu ủng hộ Israel cũng như các đảng viên Đảng Cộng hòa từ lâu đã kêu gọi cắt tài trợ cho cơ quan này. Họ lập luận rằng cơ quan này gần như độc nhất trên thế giới, khi cấp quy chế tị nạn không chỉ cho thế hệ người tị nạn đầu tiên mà còn cho con cháu của họ và đó là điều khiến xung đột kéo dài.

Năm 2017, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tìm cách giải tán UNRWA, nói rằng cơ quan này nên được sáp nhập với cơ quan phụ trách người tị nạn trên toàn thế giới của Liên Hiệp Quốc.

Nỗ lực ngăn cháy lan

Sau những cáo buộc, cho đến nay, đã có chín quốc gia tuyên bố tạm dừng tài trợ cho UNRWA. Để ngăn chặn bê bối lan rộng và tách bạch sứ mệnh của UNRWA với hành động của các cá nhân, lãnh đạo UNRWA và Liên Hiệp Quốc đều lên tiếng nhanh chóng.

Người đứng đầu UNRWA xác nhận chính quyền Israel đã cung cấp cho UNRWA một số thông tin và "để bảo vệ khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo của cơ quan này", UNRWA đã chấm dứt ngay lập tức hợp đồng với những cá nhân bị cáo buộc.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28-1, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết 9 trong số 12 nhân viên UNRWA đối mặt cáo buộc đã bị sa thải. Một người khác đã chết và danh tính của hai người khác vẫn đang "được làm rõ".

"Bất kỳ nhân viên nào của Liên Hiệp Quốc liên quan đến các hành động khủng bố sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc bị truy tố hình sự", ông Guterres khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng một cuộc đánh giá độc lập sắp diễn ra.

Tuy nhiên, ông kêu gọi các nước tiếp tục hỗ trợ tài chính cho UNRWA, cơ quan đã và đang hỗ trợ 2 triệu người dân Gaza các "viện trợ quan trọng để sinh tồn hằng ngày". "Những hành động bị cáo buộc ghê tởm của những nhân viên này phải gánh chịu hậu quả - ông Guterres nói thêm - nhưng hàng chục ngàn đàn ông và phụ nữ làm việc cho UNRWA, nhiều người rơi vào những tình huống nguy hiểm nhất đối với nhân viên nhân đạo, không đáng bị trừng phạt".

Theo cơ quan này, ít nhất 152 nhân viên UNRWA đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu.

Các bên lên tiếng

UNRWA bác bỏ mọi cáo buộc, luôn nhấn mạnh tính trung lập của mình, đôi khi chỉ trích Hamas và nhấn mạnh các tay súng của lực lượng này không được phép sử dụng cơ sở của tổ chức này để cất giữ vũ khí. Theo trang web của cơ quan, từ nhiều năm qua, cơ quan này đã kỷ luật và thậm chí sa thải nhân viên vì tham gia các hoạt động chính trị không phù hợp. UNRWA cũng chia sẻ danh sách nhân viên của mình với chính quyền khu vực, bao gồm cả Israel.

Bộ Ngoại giao Palestine đã tố cáo cái mà họ gọi là "tiêu chuẩn kép" sau khi chín quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đình chỉ tài trợ cho UNRWA. Theo Liên Hiệp Quốc, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của cơ quan này vào năm 2022, đóng góp hơn 340 triệu USD.

Đáp lại các chỉ trích và quan ngại, Israel nêu rõ quan điểm UNRWA phải kết thúc sứ mệnh của họ tại Gaza sau khi các chiến dịch quân sự của Tel Aviv kết thúc ở Gaza.

Đang điều tra nhân viên Liên Hiệp Quốc liên quan gì trong vụ tấn công vào IsraelĐang điều tra nhân viên Liên Hiệp Quốc liên quan gì trong vụ tấn công vào Israel

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres rất choáng váng trước thông tin nhân viên Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công ngày 7-10-2023 vào Israel.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên