02/07/2023 08:08 GMT+7

Liều thuốc thử cho xã hội Pháp

Nước Pháp đang rung chuyển vì các cuộc biểu tình, bạo loạn và cướp bóc trong những ngày qua, bất chấp sự hiện diện của xe bọc thép cùng khoảng 45.000 cảnh sát và hiến binh.

Xe cộ bị đốt phá trong vụ bạo loạn ở Nanterre, ngoại ô Paris (Pháp) ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS

Xe cộ bị đốt phá trong vụ bạo loạn ở Nanterre, ngoại ô Paris (Pháp) ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS

Bộ Nội vụ Pháp cho biết đã bắt 994 người chỉ trong đêm 30-6. Con số này cao hơn so với 875 người bị bắt đêm trước đó.

An ninh tại khắp các thành phố của Pháp căng thẳng sang ngày thứ năm liên tiếp sau "mồi lửa" là vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi tên Nahel M. vì vi phạm luật giao thông ở ngoại ô Paris.

Không phải phân biệt chủng tộc?

Cái chết của Nahel, một người gốc Algeria và Morocco, tiếp tục đặt dấu hỏi về cáo buộc nạn phân biệt chủng tộc trong các cơ quan thực thi pháp luật của Pháp.

Bộ Ngoại giao Pháp đã lập tức bác bỏ lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc về tình hình phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, khẳng định không có gì phải nghi ngờ về cam kết của cảnh sát Pháp về điều này.

Nhưng không giống như nơi khác, ví dụ vụ cảnh sát bắn chết người đàn ông da màu George Floyd, câu chuyện của Nahel tại Pháp còn phản ánh sự phẫn nộ và bế tắc lan rộng trong xã hội, đặc biệt những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư có thu nhập thấp ở "banlieue" - từ dùng để chỉ vùng ngoại ô của các thành phố lớn ở Pháp, như nơi Nahel bị bắn là vùng Nanterre nằm ngoài rìa Paris.

Từ sau Thế chiến II, hàng ngàn khu nhà ở xã hội được xây ở các banlieue. Khu vực này trở thành nơi cư ngụ của các cộng đồng nhập cư, thu nhập thấp từ những năm 1970.

Việc thiếu cơ hội phát triển đã khiến những nơi đó biến thành nơi an ninh phức tạp, tỉ lệ tội phạm cao. Sai phạm của người trẻ và thái độ không khoan dung của cảnh sát khiến các xung đột thường xuyên xảy ra.

Nói cách khác, như nhận xét của TS Itay Lotem, nhà nghiên cứu về Pháp ở ĐH Westminster (Mỹ), vụ bạo loạn tuần qua là sự kiện "được chuẩn bị trước" sau hàng chục năm bất ổn.

Mọi thứ càng tệ hơn khi biểu tình đã ăn sâu vào văn hóa Pháp. Nhiều người cho rằng các chính trị gia Pháp đều hiểu rõ nếu chống lại người dân, họ phải cân nhắc kết cục như vụ xử tử Vua Louis XVI hơn 200 năm trước. Dĩ nhiên sẽ khó có người bị chặt đầu, nhưng số phận chính trị của họ luôn gắn liền với các cuộc biểu tình.

Điểm đáng lo là người Pháp có thể biểu tình về mọi thứ, và chuyện này không xa lạ dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, người đã bị gọi là "vị tổng thống của người giàu" không lâu sau khi nhậm chức năm 2017.

Trách nhiệm của ai?

Ông Macron đã đặt thời hạn 100 ngày để đưa nước Pháp khỏi cảnh biểu tình bằng các biện pháp giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, cũng như đầu tư vào các trường dạy nghề. Cột mốc ấy được đặt ra cũng sau vụ biểu tình khắp cả nước mới vài tháng trước, nhằm phản đối việc ông Macron tăng tuổi nghỉ hưu.

Hạnh phúc là tấm chăn hẹp, và chính sách cũng vậy. Mọi chính sách đều chỉ có thể thỏa mãn số đông người dân chứ không thể khiến mọi người đều "ấm".

Không ngạc nhiên khi ông Macron chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn trong mấy năm cầm quyền, điển hình là vụ bạo loạn, cướp bóc trong làn sóng "áo gilet vàng" năm 2018.

Trong một xã hội có thể biểu tình vì mọi thứ, người Pháp suốt hàng trăm năm qua đã xem đây là cách duy nhất để tiếng nói của họ được lắng nghe.

Vì vậy, các chính sách tham vọng của ông Macron về môi trường, đi kèm với đánh thuế carbon, dễ dàng gặp phản ứng khi tầng lớp thu nhập thấp cho rằng hóa ra chỉ có họ chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Một luồng ý kiến vì vậy cũng cho rằng vấn đề của ông Macron không chỉ ở chính sách, mà còn nằm ở việc ông không phải một chính trị gia chuyên nghiệp. Nhà lãnh đạo kỹ trị của Pháp rất dễ bị đối thủ khai thác lỗ hổng, và báo chí dòng chính tại nước này cũng như châu Âu đang lo ngại phe cực hữu sẽ lại thắng thế.

Đây chính là bài toán hóc búa nhất của Tổng thống Macron. Hiện nay, ông đã phải tìm sự cân bằng giữa việc phải thể hiện thái độ cứng rắn với cảnh sát, và việc phải đảm bảo không triệt tiêu khả năng giữ an ninh của lực lượng này hoặc khiến cử tri lo lắng về an ninh.

Vừa qua, chính quyền ông Macron cho rằng mạng xã hội đóng vai trò tiêu cực trong việc lan truyền bạo lực. Bản thân tổng thống Pháp cũng kêu gọi các bậc phụ huynh thể hiện trách nhiệm với các thanh thiếu niên tham gia bạo loạn mà ông mô tả là "những người trẻ hoặc rất trẻ".

Sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội

Tờ New York Times cho rằng vụ bạo loạn vừa qua lột tả sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp, và ví đây như một "bài trắc nghiệm Rorschach" của nó: "Bất cứ điều gì người Pháp nhìn vào vết mực đều có vẻ ngày càng xấu xí và không thể dung hòa".

"Bài trắc nghiệm Rorschach" là trắc nghiệm tâm lý do bác sĩ người Thụy Sĩ Hermann Rorschach nghiên cứu ra, còn gọi là trắc nghiệm dấu mực Rorschach.

Nói cách khác, trong xã hội chia rẽ ấy, rất khó để ông Macron tìm thấy sự hợp tác từ những người biểu tình, vốn đang thể hiện tiêu cực khi nhìn vào bức vẽ Rorschach.

"Tôi có sốc nhưng tóm lại thì không quá nhiều. Tôi vốn không mang nhiều hy vọng", sinh viên ngành y Ilham Ksiyer nói khi đang đợi xe buýt tại Nanterre.

Biểu tình ở Pháp: 1.300 người bị bắt, ông Macron hoãn đi ĐứcBiểu tình ở Pháp: 1.300 người bị bắt, ông Macron hoãn đi Đức

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức do tình trạng bất ổn tại nước này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên