15/04/2023 08:59 GMT+7

Lộ tài liệu mật làm hại Mỹ ra sao?

Vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc tạo ra "cơn ác mộng" trong cộng đồng tình báo quân sự của Mỹ, khi một lần nữa hệ thống bảo vệ thông tin mật của cường quốc này lại tỏ ra vô hiệu trước hành động của một cá nhân.

Lộ tài liệu mật làm hại Mỹ ra sao? - Ảnh 1.

FBI bắt giữ nghi phạm Jack Teixeira ở North Dighton, bang Massachusetts, vào ngày 13-4 - Ảnh: Reuters

Sự cố này đã dẫn đến việc bắt giữ Jack Teixeira - một thành viên Không lực Vệ binh quốc gia bang Massachusetts.

Người này được cho là đã thực hiện một "hành động phạm tội có chủ ý" khi cố tình vi phạm các nguyên tắc nghiêm ngặt được đặt ra nhằm bảo vệ thông tin tình báo và có khả năng bị buộc tội theo Đạo luật gián điệp (Espionage Act).

Những bức tranh tương phản

Chính phủ Mỹ đã nỗ lực giảm thiểu việc đề cập đến ảnh hưởng của sự cố rò rỉ hơn 100 tài liệu mật lần này trên các phương tiện truyền thông, đồng thời nhấn mạnh rằng sự kiện này sẽ "không có hậu quả lớn", thậm chí "không cần lo lắng", và tung ra vụ bắt giữ nhanh chóng để khép lại vấn đề.

Tuy nhiên, các động thái xử lý khủng hoảng nói trên chỉ phù hợp đối với giai đoạn 1 của vụ rò rỉ thông tin, khi nghi phạm Jack Teixeira vẫn đang giới hạn phạm vi đăng tải tài liệu mật trong nhóm trò chuyện kín thuộc nền tảng trực tuyến Discord với số tài liệu xuất hiện vào tháng 3 năm nay.

Giai đoạn 2 của vụ rò rỉ vào đầu tháng 4 mới chính là nguyên nhân khiến vấn đề bùng nổ thành "cơn ác mộng" khi một thành viên trong nhóm kín của Teixeira lại công bố hình ảnh các tài liệu mật này lên một số nền tảng mở như 4chan (cho phép đăng hình ảnh ẩn danh), dẫn đến sự lan tràn sang các nền tảng mạng xã hội phổ biến là Telegram - công cụ nhắn tin phổ biến nhất ở Nga, và cuối cùng là Twitter - mạng xã hội lớn nhất của Mỹ.

Các tài liệu mật rò rỉ cho thấy nhiều bức tranh tương phản. Đầu tiên là sự chênh lệch giữa thông tin tuyên truyền với thực tế tình báo về tình hình Ukraine.

Trong khi Chính phủ Ukraine và các nước châu Âu liên tục nhấn mạnh về một cuộc phản công ở khu vực Bakhmut với các đơn vị mới được huấn luyện bài bản và trang bị tối tân, thì tài liệu bị rò rỉ lại cho thấy một bức tranh khác biệt khi miêu tả chi tiết sự thiếu thốn nghiêm trọng, đạn dược cạn kiệt, tinh thần xuống thấp trong đại bộ phận quân đội Ukraine tại đây.

Một tài liệu khác cũng dự báo khả năng cạn kiệt nguồn đạn cho hệ thống phòng không S-300 của Ukraine với tốc độ sử dụng hiện tại cho đến ngày 2-5.

Thứ hai, sự chênh lệch trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh trong tương quan với thế trận các nước ủng hộ trục Nga - Trung.

Trong bối cảnh các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện những nỗ lực khó khăn nhằm duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, thì nhiều tài liệu rò rỉ cho thấy Chính phủ Mỹ đã không vận động hiệu quả sự trợ giúp quân sự từ các quốc gia đồng minh ngoài khối như Hàn Quốc và Israel.

Tuy nhiên, ở mặt trận đối diện, các tài liệu lại "vô tình" cho thấy sự vận động thành công của phía Nga trong thương vụ mua tên lửa Ai Cập, mua vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ cho Tập đoàn Wagner thông qua Chính phủ Mali và hợp tác tình báo với UAE.

Thứ ba, sự chênh lệch trong cách phát ngôn quyết đoán của khối NATO nhằm đối đầu với Nga với hành động dĩ hòa trên thực tế.

Cụ thể nhất chính là cuộc chạm trán ít được công khai trên Biển Đen vào tháng 9-2022 đã khiến một máy bay do thám có người lái của Anh "suýt bị bắn hạ" bởi phía Nga khi tiến hành do thám trên vùng trời gần bán đảo Crimea và về sau được diễn giải như một "sự cố kỹ thuật" để tránh kích hoạt điều 5 của Hiến chương NATO.

Thêm vào đó, tài liệu cũng cho thấy khối NATO có triển khai lực lượng chính quy tại Ukraine và ngay sau đó phía Mỹ đã phải thừa nhận việc đưa quân nhân đến để "hỗ trợ kỹ thuật" chứ "không chiến đấu trên chiến trường".

Lộ tài liệu mật làm hại Mỹ ra sao? - Ảnh 2.

Nguồn Washington Post - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Động thái có chủ ý?

Có thể thấy rằng sự xâu chuỗi thông tin từ sự cố tài liệu rò rỉ trong giai đoạn 2 khác biệt hoàn toàn về quy mô so với giai đoạn 1. Qua đó, phía Mỹ dường như đang vấp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn nhiệm vụ củng cố các nguyên tắc bảo mật thông tin tình báo.

Thứ nhất, đó là những cuộc khủng hoảng ngầm trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh có tên trong số tài liệu bị rò rỉ.

Mặc dù một loạt chính phủ các nước đồng minh của Mỹ đều tuyên bố sẽ xác thực lại thông tin mà phần lớn là "không chính xác", thậm chí có phần bịa đặt, nhưng cũng sẽ không có chính phủ nào lại chấp thuận xác nhận những thông tin nội bộ trên cho dù có chính xác hay không để cho thấy sự yếu kém trong bộ máy phản gián và bảo vệ thông tin mật của họ.

Nói cách khác, mọi việc sẽ được xử lý ngoại giao khéo léo trong một không gian quản lý khủng hoảng giới hạn với sự sứt mẻ niềm tin nghiêm trọng mà các đồng minh đã dành cho Mỹ.

Thứ hai, đó là sự suy sụp ý chí chiến đấu của quân đội Ukraine trên chiến trường Bakhmut. Nếu tài liệu này là thật, Ukraine sẽ nhận ra cảnh cạn kiệt nguồn lực viện trợ từ bên ngoài, qua đó khó có thể duy trì thế trận phản công như kỳ vọng ban đầu.

Nhìn chung, với việc tung ra lần hai gói tài liệu rò rỉ lên Twitter - nền tảng mạng xã hội lớn của Mỹ vào thời điểm tháng 4-2022, sự cố lần này dường như đã chuyển đổi hoàn toàn từ một hành động vô trách nhiệm của một cá nhân trong lực lượng Mỹ sang một động thái có chủ ý gây rối nội bộ quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh.

Vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ: Báo Washington Post tiết lộ người đứng sauVụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ: Báo Washington Post tiết lộ người đứng sau

Người rò rỉ các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc tại một căn cứ quân sự, khoảng 25 tuổi, bắt đầu gửi tài liệu từ cuối năm 2022 và không vì mục đích chính trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên