14/06/2023 10:29 GMT+7

Mặc áo hồng, tuyên chiến với bạo lực học đường

Những chiếc áo hồng trong trường học dần trở thành một hình ảnh tượng trưng cho nỗ lực của các học sinh "tuyên chiến" với bạo lực học đường.

Học sinh mặc áo hồng vào thứ sáu cuối tháng tại trường - Ảnh: S.C.

Học sinh mặc áo hồng vào thứ sáu cuối tháng tại trường - Ảnh: S.C.

Suốt năm học 2022-2023, cứ mỗi ngày thứ sáu cuối tháng, Trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS) lại ngập trong sắc hồng từ sân trường đến phòng học.

Học sinh sẽ khoác lên mình những chiếc áo thun hồng vào lớp, thay cho bộ đồng phục thường ngày. Kiểu dáng áo không bắt buộc đồng nhất, miễn là cùng một màu hồng.

Học sinh tổ chức cho học sinh

Bạn Gia Huy - chủ tịch hội đồng học sinh của trường - cho biết đây là hoạt động truyền thống nhằm nâng cao ý thức về bạo lực học đường. Năm nay, ngày mặc áo hồng không chỉ gói gọn trong tháng hành động, mà còn mở rộng ra quanh năm.

"Việc mặc áo hồng là tự nguyện, không bắt buộc mà chỉ kêu gọi. Dù vậy, các bạn đều rất thích và hưởng ứng. Có bạn còn chờ đến cuối tháng để được mặc áo hồng" - Gia Huy nói.

Nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, hội đồng học sinh - tập hợp hơn 10 học sinh đại diện cho tiếng nói của các bạn trong trường - rủ nhau thiết kế các mẫu áo hồng bắt mắt, đúng "trend" tuổi teen.

Ai có nhu cầu sẽ liên hệ đặt mua. Số tiền thu được hội đồng học sinh dùng tổ chức những hoạt động thiện nguyện cho các bạn tham gia.

Bạn Trúc Chi chia sẻ trong những ngày mặc áo hồng, học sinh thường đến chăm chút cho "cây quan tâm" - một hình cây được dựng ở khuôn viên trường. Trên cây, học sinh dán những mẩu chia sẻ lời hay ý đẹp.

Có bạn ghi những lời chúc, tâm sự dễ thương, có cả những lời xin lỗi để gửi đến các bạn của mình. "Nhân lên những lời tốt đẹp, nuôi dưỡng những tình cảm như thế là cách để tụi mình nói không với bắt nạt học đường" - Trúc Chi nói.

Đa kênh bày tỏ cảm xúc

Không chỉ dừng lại ở hành động mặc áo hồng hay cây quan tâm, các học sinh còn sáng tạo thêm nhiều kênh tiếp cận để lan tỏa thông điệp chống bắt nạt học đường.

Bạn Mỹ Ngọc cho biết nhóm các bạn tạo một mẫu (form) trên mạng để học sinh trong trường hễ có tâm sự có thể bày tỏ. Những thông tin của người gửi sẽ được ẩn danh, còn câu chuyện sẽ được nhóm chia sẻ hộ như một cách giúp bạn mình "thay lời muốn nói".

Mỹ Ngọc nói thời gian đầu các bạn còn ngại ngùng. Nhưng càng về sau, số lượt chia sẻ nhóm nhận được ngày một tăng. Nội dung của những lời nhắn gửi cũng thoải mái hơn. Có bạn kể về kỷ niệm trước đây từng bị bắt nạt và đã vượt qua thế nào.

Có bạn lại kể cảm xúc khi bị bạn thân của mình tiết lộ chuyện bí mật của hai đứa cho người thứ ba. Có bạn kể từng nhận được những bình luận cợt nhã trên mạng xã hội ra sao.

"Tụi mình như đang học hỏi lẫn nhau. Mỗi câu chuyện là một bài học cho tụi mình về cách ứng xử. Ngược lại, các bạn khi đã chia sẻ nỗi niềm giấu trong lòng thường cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Các bạn cũng nhận được những góc nhìn mới về câu chuyện của chính mình" - Ngọc nói.

Trong những ngày mặc áo hồng đặc biệt, hội đồng học sinh tổ chức những buổi nói chuyện, mời thầy cô tâm huyết đến để chia sẻ về những cách ứng xử với bắt nạt học đường.

Nội dung từng buổi sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với mỗi cấp lớp, từ lớp 1 - 5, từ lớp 6 - 8 và từ lớp 9 - 12.

"Cuối chương trình là một phút để các bạn nhìn lại xem lại bản thân. Các bạn sẽ nghiệm xem mình đã làm lỗi với ai trong quá khứ, mình có cần phải thay đổi gì không?

Nếu có sẽ hạ quyết tâm thay đổi ngay. Mình cảm nhận qua rất nhiều hoạt động, học sinh trong trường cư xử với nhau rất tốt, xem nhau như người nhà vậy" - Mẫn Nghi, một học sinh của trường, chia sẻ.

Vì sao là áo hồng?

Ngày mặc áo hồng (Pink Shirt Day) xuất phát từ Trường trung học Central Kings Rural ở bang Nova Scotia, Canada. Một ngày thứ sáu năm 2007, hôm đầu tiên đi học lại sau kỳ nghỉ dài, nam sinh lớp 9 tên Charles McNeill chọn mặc áo hồng.

Thấy thế, một số bạn học chọc ghẹo Charles là "đồ bê đê", rồi dọa sẽ đánh luôn cho bõ ghét. Khi nghe tin này, hai học sinh lớp 12 của trường, David Shepherd và Travis Price, rất bức xúc và quyết định mua 50 áo hồng, vận động các bạn mặc để bảo vệ Charles.

Họ cũng gửi email cho tất cả học sinh trong trường để khuyến khích tham gia phong trào "chống lại bạo lực học đường".

Hành động của hai bạn được hưởng ứng nồng nhiệt. Ngày hôm sau, rất nhiều học sinh đã đến trường mặc áo hồng, có cả những người diện đồ hồng từ đầu đến chân.

Từ đó, phong trào áo hồng chống lại bắt nạt học đường ngày càng lan rộng. Cùng năm, thủ hiến tỉnh bang Nova Scotia dành một ngày trong năm làm ngày chống bạo lực học đường.

Đến nay, ngày mặc áo hồng đã lan rộng ra trường học ở nhiều quốc gia. Nhiều chương trình được các trường triển khai nhằm lan tỏa phong trào này. Áo hồng trong trường học cũng từ đó trở thành biểu tượng cho việc chống lại bạo lực học đường trong các trường học.

Thoải mái khi đến phòng tham vấn

Cùng với hoạt động ngày mặc áo hồng, phòng tham vấn học đường của BCIS cũng là nơi học sinh có thể đến để được giãi bày.

Cô Xuân Anh - chuyên viên tham vấn học đường của BCIS - cho rằng để phòng tham vấn thành công và giúp được học sinh thì trước hết phòng phải là nơi học sinh thoải mái đến. Phòng luôn rộng mở đón tiếp các em.

Các em thường rủ nhau đến vào giờ ra chơi, kể cho cô nghe một vài câu chuyện vui, thú vị trong lớp, ở nhà.

Phong trào Hakpok #MeToo chống bạo lực học đường bùng nổPhong trào Hakpok #MeToo chống bạo lực học đường bùng nổ

Nhờ có phong trào Hakpok #MeToo, các nạn nhân bạo lực học đường ở Hàn Quốc đã dũng cảm lên tiếng tố cáo những kẻ đã bắt nạt mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên