M&A: nụ cười và nước mắt

NHƯ BÌNH 21/04/2018 21:04 GMT+7

TTCT - Sau các công bố mua bán sáp nhập (M&A) là những cuộc chuyển giao gắn với sự thay đổi thương hiệu, để lại không ít tiếc nuối cho cả chủ doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng...

Ngữ Á Châu đã được chuyển nhượng 97% cho nhà đầu tư Nhật. Trong  ảnh: trình diễn sản phẩm và thời trang tóc Việt - Nhật. Ảnh: TTD
Ngữ Á Châu đã được chuyển nhượng 97% cho nhà đầu tư Nhật. Trong ảnh: trình diễn sản phẩm và thời trang tóc Việt - Nhật. Ảnh: TTD

 

Trước sự thay đổi chóng mặt của thị trường, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bắt buộc phải có tiềm lực để phát triển nếu không muốn bị đè bẹp, không ít DN chọn M&A như một lối ra.

Bán công ty, giữ lại cái tên

Sau nhiều năm tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường Việt Nam, Tập đoàn Takara Belmont (Nhật Bản) vừa công bố sáp nhập với Công ty cổ phần thương mại sản xuất dịch vụ Ngữ Á Châu. Với người tiêu dùng, Ngữ Á Châu là một cái tên tương đối xa lạ nhưng đây lại là thương hiệu quen thuộc của các salon tóc, chuyên sản xuất hóa chất cho ngành tóc với thương hiệu KANAC, có mặt trên thị trường Việt Nam đã hơn 10 năm.

Trong lễ công bố diễn ra hồi giữa tháng 3, ông Nguyễn Văn Ngữ, nhà sáng lập Ngữ Á Châu, cho biết đây là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP về sản xuất hóa mỹ phẩm làm tóc từ năm 2011, chiếm 10% thị phần tại Việt Nam với hơn 200 tổng đại lý...

Nhưng chủ DN này nói đành phải bán đứt “đứa con” vì áp lực cạnh tranh. “Con đường kinh doanh tốt nhưng nguồn lực chúng tôi không đủ. Các nguồn vốn ưu đãi chúng tôi không tiếp cận được. Nếu cố giữ lại, một ngày nào đó chúng tôi sẽ mất trắng” - ông Ngữ nói.

Ngữ Á Châu chấp nhận để Takara Belmont mua lại 97% cổ phần. Theo ông Ngữ, một trong những lý do để ông đồng ý bán cho đối tác Nhật là họ cam kết giữ tên công ty và thương hiệu sản phẩm. Takara Belmont là một tập đoàn chuyên về hóa mỹ phẩm tóc chuyên dụng có tuổi đời gần 100 năm của Nhật Bản.

Ông Hidetaka Yoshikawa, chủ tịch Tập đoàn Takara Belmont, nói việc mua lại một DN chuyên nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp đang chiếm 10% thị phần sẽ giúp tập đoàn tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh chóng.

Thực tế, không chỉ các DN nhà nước mà khối tư nhân Việt Nam hiện nay cũng đang trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực đòi hỏi mạng lưới phân phối rộng khắp. Trong lĩnh vực thực phẩm, CJ - tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc - cũng đã mua tỉ lệ chi phối tại Công ty TNHH thực phẩm Minh Đạt, một DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm của Việt Nam với tổng giá trị 13,4 triệu USD.

Minh Đạt là công ty tư nhân có thị phần lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh dạng viên với doanh thu năm 2016 hơn 260 tỉ đồng. Đại diện Minh Đạt cho rằng lựa chọn hợp tác với một đối tác ngoại để tăng sức mạnh, giúp giải quyết bài toán thị trường.

Ông Nguyễn Văn Ngữ: “Nguồn lực tài chính là điểm yếu nhất của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam”.

Sôi động và còn sôi động hơn...

Sau khi vượt qua mốc 6 tỉ USD trong năm 2017, nhiều dự báo cho rằng các thương vụ M&A trên thị trường tài chính Việt Nam năm nay sẽ có thể đạt đến 10 tỉ USD, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy có thể tăng gấp đôi so với năm trước vì chỉ mới mấy tháng đầu năm các giao dịch trên thị trường này đã sôi sùng sục.

Gần đây, Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi 47 triệu USD để mua thêm gần 10% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nâng tỉ lệ sở hữu lên gần 15%. Trước đó, Itochu đã sở hữu gần 5% cổ phần Vinatex, sau khi doanh nghiệp được IPO năm 2014.

Nhà đầu tư Thái đang trở thành “tay chơi kiệt xuất” trong thị trường M&A Việt Nam thời gian qua. Từ thương vụ SCG, thông qua công ty con là The Nawaplastic Industries (Saraburi) mua thêm cổ phần của Nhựa Bình Minh, đến Metro Pacific Investments Corporation (MPIC), thông qua công ty con MetroPac Water Investments Corporation (MPW) ký thỏa thuận mua 49% cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc.

Chỉ tính riêng thương vụ Sabeco, Việt Nam đã thu được khoảng 110.000 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD - số tiền kỷ lục cho một phiên thoái vốn từ công ty bia của Thái Lan (Thai Beverage - Thai Bev).

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết dù chưa thống kê trong hiệp hội có bao nhiêu thương vụ M&A với đối tác nước ngoài được thực hiện đến nay nhưng tần suất các thương vụ chuyển giao thời gian gần đây đúng là lớn hơn nhiều, khiến những người trong nghề lâu năm như bà cũng thấy chạnh lòng.

Thực tế các DN Việt Nam chọn M&A không hẳn do ngại cạnh tranh. “Họ vẫn có sản phẩm riêng, vẫn có thị trường ngách nhưng M&A đang là xu hướng của hội nhập, các DN phải chấp nhận cuộc chơi và xem như là một phần của những toan tính, của những cơ hội nhằm đầu tư mới cho công nghệ, năng lực quản lý và vốn” - bà Chi lý giải.

Theo thống kê, chỉ có 15-20% trong tổng số 50 thương vụ M&A lớn nhất năm 2016 là bán 100% công ty. Không ít DN bán xong mà lòng nặng trĩu, bởi với môi trường kinh doanh hiện nay, sự bất ổn định của chính sách, DN không thể tập trung sức cho cuộc cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra toàn diện và tốc độ nhanh đến khốc liệt. Nhiều người sau khi bán mới tiếc nuối: “Chúng tôi vẫn ngồi lại nói với nhau giá như DN mình làm tốt hơn”.

Ông Masataka Sam Yoshida - giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản - nói nhà đầu tư nước ngoài tìm đến DN Việt Nam trước hết vì sức hấp dẫn từ quy mô thị trường tiêu dùng trẻ trên 90 triệu dân, kinh tế tăng trưởng ổn định.

Ngoài mục đích tận dụng sẵn thị phần, mạng lưới phân phối, rất nhiều thương vụ M&A được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện để kiểm soát, tránh rủi ro về lâu dài.

Với các trường hợp này, nhà đầu tư ngoại khi vào Việt Nam sẽ đi tìm những DN tiềm năng mà họ xác định có thể cạnh tranh với mình trong tương lai để tham gia góp vốn đầu tư. Tuy vậy, số DN mục tiêu này không nhiều do phần lớn các DN Việt Nam còn non trẻ, chất lượng quản trị chưa cao, ít DN quy mô lớn.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng các thương vụ mua bán DN Việt Nam tăng nhanh phần nào cho thấy DN Việt Nam đang hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Theo dự báo về hoạt động M&A trên toàn cầu của Baker McKenzie, trong 2 năm 2018 và 2019 sẽ có khoảng 331 giao dịch M&A trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam. Thị trường M&A tiếp tục là cuộc săn đuổi của các nhà đầu tư nước ngoài. ■

Bà Lý Kim Chi: "Để bảo vệ các thương hiệu VN phát triển và cạnh tranh được với những cuộc đổ của doanh nghiệp nước ngoài, tập trung vào giải pháp vốn thôi là chưa đủ, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn lâu dài, phát triển bền vững."

Hoạt động M&A của các nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam từ 2011 đến 2017

-Năm 2011: 5,5 triệu USD (1 thương vụ)

-Năm 2012: 273,2 triệu USD (4 thương vụ)

-Năm 2013: 20,7 triệu USD (4 thương vụ)

-Năm 2014: 879.0 triệu USD (1 thương vụ)

-Năm 2015: 258,6 triệu USD (7 thương vụ)

-Năm 2016: 2.289 triệu USD (6 thương vụ)

-Năm 2017: 5.200 triệu USD (3 thương vụ)

(Nguồn: Stoxplus)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận