Mạn đàm về sách giáo khoa điện tử

TRẦN PHƯƠNG NAM 01/08/2013 00:07 GMT+7

TTCT - Nhà xuất bản Giáo Dục VN đang được độc quyền xuất bản sách giáo khoa giấy và sự độc quyền này tiếp tục với sách giáo khoa điện tử. Tôi không bàn về sự độc quyền này và tạm thời giả định “sự độc quyền này là đang có lý”.

Phóng to
Cho trẻ dùng sách giáo khoa điện tử sớm là vấn đề còn nhiều điều phải suy nghĩ - Ảnh: Hồng Vân

Nhà xuất bản Giáo Dục VN có thể đưa các cuốn sách giáo khoa điện tử này lên các kho sách số khổng lồ hoặc tạo riêng kho sách số của mình để những ai cần có thể mua bất cứ cuốn nào. Đây mới là sự chuẩn xác của việc xuất bản và bán sách điện tử. Nhưng Nhà xuất bản Giáo Dục VN đã chưa làm như vậy (tôi nói “chưa” vì hi vọng… sẽ làm).

Bán bia kèm mồi

Khi đưa ra sản phẩm sách giáo khoa điện tử, Nhà xuất bản Giáo Dục VN đã “khóa” chặt trong một thiết bị phần cứng và vô hình trung tạo ra một cách bán hàng “bia kèm lạc (đậu phộng)” mà “bia” là sách giáo khoa điện tử và “lạc” là thiết bị phần cứng.

Cách bán “bia” cũng rất lạ. Không bán theo nhu cầu người “uống” mà bán trọn “thùng”, dù anh chỉ có khả năng uống 1 “cốc” (!). Như vậy học sinh THPT đã phải “uống thêm” tất cả các bộ sách của hai cấp học đã qua, giáo viên dạy toán phải “uống thêm” tất cả các môn khác... Nếu không “uống thêm” thì số “bia thừa” sẽ chỉ đổ đi!

Điều đặc biệt hơn là vì “bia” (kể cả “bia thừa”) mà người tiêu dùng đã phải mua “lạc” với giá cao (vì không có sự cạnh tranh nào về thiết bị độc quyền chứa “bia” này!). Vô hình trung sự độc quyền đã bước sang một lĩnh vực mới là thiết bị đọc sách điện tử.

Nghĩ gì khi đọc ý kiến của đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục, ông Phạm Thúc Trương Lương: “Bất cứ doanh nghiệp nào có khả năng số hóa sách giáo khoa và đưa ra những sản phẩm khác đều có thể hợp tác với Nhà xuất bản Giáo Dục để làm, nhưng phải đáp ứng những tiêu chí như chứng minh được công nghệ áp dụng an toàn, bảo mật cao, sách giáo khoa sẽ không bị thay đổi, sửa chữa nội dung, bảo đảm sách sẽ không bị sao chép cho người khác?”.

Nếu ai am hiểu công nghệ thông tin và các thiết bị có thể đọc được sách điện tử thì có thể thấy rằng rất nhiều doanh nghiệp có khả năng này, không chỉ là Nhà xuất bản Giáo Dục VN hay Công ty CP Tinh Vân.

Việc bảo mật của sách điện tử trước hết là ở ngay việc bảo mật khi thiết kế phần mềm. Nếu Nhà xuất bản Giáo Dục VN là đơn vị phát hành sách điện tử thì việc này đầu tiên là của Nhà xuất bản Giáo Dục VN. Tất cả các nhà xuất bản trên thế giới khi xuất bản sách điện tử đều phải làm việc bảo mật.

Còn thiết bị nào bảo mật được sách điện tử là điều mà cả thế giới đã biết, tất cả đang có trong rất nhiều gia đình chứ không phải chỉ thiết bị Classbook mới bảo mật được nội dung!

Giải pháp nào?

Rất đơn giản, Nhà xuất bản Giáo Dục VN hãy là đơn vị xuất bản sách giáo khoa điện tử theo đúng nghĩa, nói ví von là cứ sản xuất và bán “bia”!

Sản xuất sách điện tử có mất công thêm về số hóa, tích hợp các media, bảo mật nhưng so với xuất bản sách in vẫn rẻ hơn nhiều khi không mất công in, không phải mua giấy in, không phải vận chuyển vất vả và đặc biệt là không bị tồn kho.

Cứ tính đại khái thì sách điện tử chắc rẻ hơn sách in. Nếu như vậy, các thiết bị đọc sách điện tử sẽ do người tiêu dùng quyết định, cũng như người uống “bia” không nhất thiết phải chọn “lạc Classbook” mà có thể chọn “mồi X”, “mồi Y”..., thậm chí chọn “mực khô”, “cá kèo”... miễn là “bia” được bảo mật là “bia”.

Nói thêm về “3 không” của thiết bị Classbook, cứ cho là “3 không” này là ưu việt (chưa chắc đã đúng, xin không bàn ở bài này!) thì lập tức trên thị trường sẽ có ngay các thiết bị có đủ “3 không” này! Khi đó Nhà xuất bản Giáo Dục VN cùng lắm là mang tiếng độc quyền sách chứ không mang tiếng thêm về độc quyền thiết bị bán kèm sách!

Nhu cầu uống “bia” đâu chỉ dừng lại ở một loại “bia sách giáo khoa” mà còn nhiều loại “bia” khác. Nhưng chuyện “bia” xin được bàn ở những dịp sau.

Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Sách điện tử (electronic book - eBook) là một phương tiện số tương ứng của các loại sách in thông thường. Loại sách này ngày càng phổ biến do việc dễ dàng phân phát, chia sẻ trên Internet. Với dung lượng nhỏ gọn nhưng chứa đựng một lượng tri thức lớn, sách điện tử là một lựa chọn tuyệt vời cho nhu cầu lưu trữ và đọc sách mọi lúc, mọi nơi trên những thiết bị điện toán cá nhân…

Như vậy khái niệm sách điện tử là “phương tiện số” không bao hàm các khái niệm về thiết bị để có thể đọc sách điện tử, mà các thiết bị này lại rất phong phú. Vậy sản phẩm Classbook của Nhà xuất bản Giáo Dục VN đưa ra thị trường không nên gọi là “sách giáo khoa điện tử” mà nên hiểu chính xác hơn là thiết bị có chứa sách giáo khoa điện tử!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận