09/09/2023 09:10 GMT+7

Mối duyên của hai nhà lãnh đạo Việt - Mỹ

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Năm 2015, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ. Ngày 10-9 tới đây, tám năm sau chuyến thăm lịch sử đến Mỹ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tái ngộ ông Joe Biden tại Việt Nam cũng trong một chuyến thăm lịch sử.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly trong tiệc chiêu đãi năm 2015 khi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ  - Ảnh: AFP

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly trong tiệc chiêu đãi năm 2015 khi người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ - Ảnh: AFP

Lần gặp này đánh dấu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị tổng thống Mỹ.

"Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một biểu hiện rất tốt trong quan hệ hai nước, là biểu tượng thể hiện sự tôn trọng hệ thống chính trị hai nước", ông Phạm Quang Vinh - nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ 2014-2018 - nhận định với Tuổi Trẻ.

Cả hai nước chúng ta đều may mắn được hưởng lợi từ mối quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo, và nhiều năm sau cuộc gặp đó, họ vẫn trao đổi thư từ với nhau.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ với báo chí hôm 6-9 về cuộc gặp gỡ năm 2015 tại Mỹ giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Joe Biden khi ấy.

Mạch quan hệ song phương

Ông Phạm Quang Vinh - Ảnh: Thanh Phạm

Ông Phạm Quang Vinh - Ảnh: Thanh Phạm

Trong chuyến thăm tháng 7-2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau đó dự tiệc chiêu đãi dưới sự chủ trì của Phó tổng thống Joe Biden.

Đó là khởi đầu cho mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ.

"Tổng bí thư và ông Joe Biden có duyên với nhau" - đại sứ Phạm Quang Vinh, người chứng kiến chuyến đi lịch sử năm xưa, chia sẻ.

Theo ông Vinh, chuyến thăm tháng 7-2015 có ý nghĩa lịch sử không chỉ vì đó là lần đầu tiên một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Nhà Trắng mà còn trong chuyến đi hai bên đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Mỹ. Trong đó, điểm quan trọng nhất là hai bên nhấn mạnh tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

"Chuyến thăm đã vượt trên kỳ vọng. Một là Tổng thống Mỹ tiếp Tổng bí thư trong phòng bầu dục, hai là thời gian vượt hơn dự kiến ban đầu. Dự kiến hai bên sẽ hội đàm chính thức trong 60 phút, nhưng trên thực tế hai nhà lãnh đạo đã trao đổi với những nội hàm quan hệ và định hướng tầm nhìn tới tương lai để được tuyên bố chung và kéo dài tới 90 phút", ông Vinh kể.

Cuộc gặp đó đã thiết lập được mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo. Tháng 11-2020, lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã gửi điện mừng tổng thống đắc cử.

Đến tháng 1-2021, khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục gửi điện mừng đến nhà lãnh đạo Mỹ. Cả hai bức điện đều bày tỏ niềm tin rằng với nền tảng đã xây dựng ba thập niên qua, quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển.

Chỉ một tháng sau đó, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm tổng bí thư khóa XIII, Tổng thống Joe Biden đã gửi thư chúc mừng.

"Tôi luôn tự hào ủng hộ mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ khi là thượng nghị sĩ và cũng như trong tám năm là phó tổng thống", ông Joe Biden bày tỏ. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nhấn mạnh quan hệ hai bên được xây dựng "dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

"Chuyến thăm của Tổng bí thư năm 2015, các bức điện hay thư chúc mừng và gần đây là cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng bí thư với Tổng thống Joe Biden dẫn tới lời mời thăm lẫn nhau... Những thứ ấy đã tạo thành một mạch trong quan hệ song phương", ông Vinh nhận xét.

Điểm sáng thương mại

Sau chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam tháng 5-2016, Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam tháng 11-2017...

"Mỗi lần có chuyến thăm cấp cao các lĩnh vực hợp tác đều được nhân lên cả về song phương và cả về đa phương" - ông Vinh cho biết.

Mối quan hệ song phương đã chứng kiến nhiều bước tiến bộ kể từ năm 2015, trong đó có việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam năm 2016 - một tàn dư của thời cấm vận và thù địch giữa hai nước.

Theo ông Vinh, thương mại Việt - Mỹ liên tục tăng qua các năm. Có thể thấy dù có sự thay đổi chính quyền giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, Mỹ vẫn xem trọng mối quan hệ với Việt Nam và có sự tiếp nối chính sách.

Ngoài ra, việc giá trị thương mại tăng liên tục cho thấy tính tương hỗ giữa hai nền kinh tế và năng lực sản xuất của Việt Nam đã ngày một tốt hơn trước.

"Tôi còn nhớ lần đầu tôi đi làm nhiệm vụ trên đất Mỹ là năm 1987-1990, khi đó Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam, đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc chỉ được đi trong vòng 25 dặm quanh trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Muốn đi ra khỏi đó phải xin phép phía Mỹ", ông Vinh nhớ lại.

Mỹ lúc đó vẫn còn áp đặt tu chính án Jackson-Vanik với Việt Nam khiến nhiều hàng hóa bị hạn chế vào thị trường nước này. Mãi đến năm 2006, 5 năm sau khi Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực, Mỹ mới bãi bỏ việc áp dụng tu chính án đó.

Nhắc lại những điều này, ông Vinh cho biết đến nay gần như không còn rào cản thương mại nào. Từ mức chỉ khoảng nửa tỉ USD năm 1995, đến năm 2022 Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trong buổi chia sẻ với báo chí vào chiều 8-9  - Ảnh: DANH KHANG

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trong buổi chia sẻ với báo chí vào chiều 8-9 - Ảnh: DANH KHANG

Mỹ coi trọng vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chia sẻ với báo chí chiều 8-9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong hai ngày 10 và 11-9 cho thấy "Mỹ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Việt Nam".

Theo ông Ngọc, đây là sự tiếp nối truyền thống các đời tổng thống Mỹ đều thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đánh dấu lần đầu tiên cả tổng thống và phó tổng thống Mỹ thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.

"Điều này cho thấy hai bên coi trọng lẫn nhau trong chính sách đối ngoại và trong chính sách với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là cột mốc quan trọng trên hành trình chung để hiện thực hóa mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu trong bức thư vào tháng 2-1946 gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman: "Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ" - ông Ngọc nhận định.

Nhìn về tương lai, nhà ngoại giao từng làm đại sứ tại Mỹ nhiệm kỳ 2018-2022 cho biết kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục là trọng tâm và động lực của mối quan hệ. Việt - Mỹ sẽ tập trung hợp tác về chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh, công nghiệp chế tạo.

Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá, tập trung vào nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các công nghệ phục vụ chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học hay nâng cao y tế, dược phẩm.

Việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được duy trì. Hai nước sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, Liên Hiệp Quốc và chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu.

Phó tổng thống Mỹ tin chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden sẽ "đánh dấu bước phát triển mới"Phó tổng thống Mỹ tin chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden sẽ 'đánh dấu bước phát triển mới'

Ngày 6-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị cấp cao liên quan ở Jakarta, Indonesia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên