05/11/2018 09:26 GMT+7

Một ngày của học trò Việt ở Google châu Á - Thái Bình Dương

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 14 học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 ở TP.HCM, Vĩnh Long, Tiền Giang đã có một ngày khó quên khi được thăm nơi làm việc và giao lưu với các kỹ sư lập trình của Google tại Singapore.

"Ôi, vũ trụ kìa! Con làm phi hành gia thiệt hả?", Tăng Minh Hoàng, học sinh lớp 2/4 Trường tiểu học Nguyễn Văn Quỳ, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long đã hét lên khi trải nghiệm với ứng dụng thực tế ảo tại trụ sở Google châu Á - Thái Bình Dương ngày 2-11.

Cẩn thận trên mạng

Mở đầu buổi giao lưu, ông Nitin Gajria - giám đốc quốc gia phụ trách Google Việt Nam, khuấy động không khí bằng những câu hỏi liên quan đến những ứng dụng thường thức của Google. 

Nhiều học sinh đã tròn xoe mắt ngạc nhiên khi nghe giới thiệu người sáng lập Google là 2 nghiên cứu sinh Trường ĐH Stanford (Hoa Kỳ), và họ đã cùng nhau mướn một cái ga ra để làm việc, nghiên cứu và Google đã ra đời từ đó - cách đây 20 năm.

Một ngày của học trò Việt ở Google châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Học sinh trải nghiệm với ứng dụng thực tế ảo tại trụ sở Google - Ảnh: H.HG.

Các học sinh càng ngạc nhiên khi bà Phạm Hải - chuyên gia về an ninh, an toàn của Google đặt câu hỏi: "Chim cánh cụt có biết bay không?". 

Khi đa số học sinh đều khẳng định: chim cánh cụt không biết bay, trên màn hình chiếu ngay một đoạn clip về những con chim cánh cụt thi nhau sải cánh trên bầu trời. Lúc này, nhiều học sinh vẫn bán tín bán nghi: "Cái này không có thật ngoài đời, chỉ là kỹ xảo thôi", "Đúng rồi, đây chỉ là phim thôi mà, chim cánh cụt làm sao bay được"…

Bà Phạm Hải cười: "Đây là clip được tung ra nhân ngày cá tháng tư. Nhưng mục đích của người làm clip là gì?". Một học sinh trả lời ngay: "Để câu like". "Đúng như vậy. Hôm nay cô và các con sẽ cùng tìm hiểu xem chúng ta cần những kỹ năng gì để được an toàn khi sử dụng Internet".

Và hội trường lại càng sôi động hơn khi các học sinh liên tục hiến kế về những cách tránh bị lừa đảo trên mạng, cài mật khẩu khi sử dụng email, mạng xã hội… Một học sinh còn cho biết mình đã dùng Facebook và có nickname riêng. 

Một ngày của học trò Việt ở Google châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Học sinh Việt Nam trải nghiệm tại khu giải trí của nhân viên Google - Ảnh: H.HG.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh - giám đốc truyền thông và quan hệ công chúng phụ trách Việt Nam - Google châu Á - Thái Bình Dương, dặn dò: "Các con đều dưới 13 tuổi, không nên dùng Facebook với tài khoản riêng mà nên dùng chung với ba mẹ. Không gian mạng có rất nhiều rủi ro, nó như một xa lộ rộng lớn và có nhiều xe cộ, nếu các con không có sự hướng dẫn của người lớn thì biết qua đường như thế nào cho an toàn".

Bà Phạm Hải cũng đưa ra lời khuyên: "Các con không nên tự ý chia sẻ về những thông tin của bản thân, gia đình trên mạng. Hoặc nếu có chia sẻ thì chỉ nên chia sẻ ở chế độ hạn chế: chỉ cho thầy cô, bạn bè xem được mà thôi".

"Trong Google, ở đâu cũng thấy đồ ăn"

Một ngày của học trò Việt ở Google châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 4.

Ông Nitin Gajria - giám đốc quốc gia phụ trách Google Việt Nam, giao lưu với học sinh Việt Nam - Ảnh: H.HG.

Sau phần tìm hiểu chung, các học sinh Việt Nam cùng thầy cô được đi thăm nơi làm việc của kỹ sư Google. Đoàn khách nhí từ Việt Nam đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được biết kỹ sư Google không nhất thiết phải làm việc trong văn phòng máy lạnh mà có thể ngồi bất cứ chỗ nào trong khuôn viên công ty miễn họ cảm thấy thoải mái và dễ chịu. 

Các bạn lại càng ngạc nhiên hơn khi vào thăm và trải nghiệm khu giải trí của nhân viên công ty: không chỉ là bàn bida, máy chơi game, bóng bàn, khu chơi lego… mà còn là phòng thu âm với đầy đủ các loại nhạc cụ như: đàn ghi ta, đàn piano, trống…; phòng tự tạo ra những vật dụng hoặc con vật yêu thích với đầy đủ vật dụng để có thể tạo lắp ráp, in 3 D ra nhựa, gỗ...

"Trong Google, ở đâu cũng thấy có đồ ăn", một học sinh đã thốt lên như thế khi liên tiếp gặp những nhà hàng miễn phí trong khuôn viên công ty. Có nhà hàng lớn rộng khoảng hơn 500 m2, bao gồm nhiều tầng, với đầy đủ các món Á - Âu, thức ăn chay - mặn khác nhau phục vụ bữa sáng và bữa trưa theo dạng buffet.

Có nhà hàng chuyên phục vụ bữa tối; có nhà hàng phục vụ 24/24 với đầy đủ các loại nước uống và thức ăn nhanh như: cà phê, trà, nước trái cây, trái cây tươi, sữa, các loại bánh ngọt…để dành cho những người đói bụng giữa giờ. 

Một kỹ sư ở đây cho biết: "Quan điểm của Google là tạo điều kiện cho nhân viên dành chất xám để giải quyết những vấn đề mang tính thử thách chứ không phải băn khoăn hàng ngày rằng 'bữa nay ăn món gì?'. Thế nên thực đơn ở các nhà hàng miễn phí rất phong phú, đa dạng và được thay đổi mỗi ngày. 

Một ngày của học trò Việt ở Google châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 5.

Học sinh Việt Nam ăn trưa cùng với nhân viên Google tại trụ sở công ty tại Singapore. Ảnh: H.HG

Google cũng không quản lý nhân viên về thời gian mà chỉ quản lý về hiệu quả công việc. Công ty cũng không quy định giờ đóng và mở cửa mà sẵn sàng 24/24 chào đón nhân viên đến bất cứ lúc nào.

Trang phục cũng vậy, không có quy định, bạn có thể mặc quần short, đi dép xỏ ngón vào công ty, miễn là thoải mái…Trong khuôn viên công ty còn có khu tập gym, khu tắm và xông hơi dành cho những nhân viên cảm thấy mỏi mệt và muốn thư giãn".

Khi đã mỏi chân và bắt đầu thấm mệt, đoàn khách nhí lại quay về hội trường để tiếp tục buổi giao lưu. Và sự mệt mỏi đã nhanh chóng tan biến khi ông Joe McGinn - phụ trách lĩnh vực phát triển các loại games của Google hướng dẫn các học sinh trải nghiệm với những ứng dụng thực tế ảo. 

Những tiếng cười đầy hào hứng và phấn khích, cả những tiếng hét vì bất ngờ…cứ  liên tục vang lên cùng với những khám phá của đoàn khách nhí.

Rồi tiết mục giao lưu với các kỹ sư lập trình của Google cũng đến. Các chú kỹ sư đặt câu hỏi: Tại sao tàu điện ngầm ở Singapore không có người lái nhưng vẫn chạy được, và khi đến trạm lại tự động dừng và tự động mở cửa cho hành khách lên - xuống? 

Tại sao trong hội trường mà chúng ta đang ngồi có người vào phòng là điện tự bật sáng, còn không có người thì đèn điện tự động tắt đi?…Rất nhanh, các học sinh Việt Nam đã trả lời rằng: nhờ con người lập trình sẵn nên mới như vậy.

Và các kỹ sư Google cũng đã lần lượt trả lời những thắc mắc của học sinh về lý do học lập trình, về sản phẩm đầu tiên, về lý do làm việc ở Google…

Kỹ sư Ken Ly đưa ra lời khuyên cho các bạn nhỏ: "Nếu thực sự đam mê lập trình, các em nên học thêm toán và tin học để tạo ra sản phẩm hiệu quả hơn và tạo ra sự tương tác tốt hơn giữa sản phẩm của mình với người dùng" .

Dự án giáo dục "Lập trình Tương lai cùng Google" là dự án giáo dục hoàn toàn miễn phí, được tài trợ bởi Google, triển khai bởi Trung tâm Phát triển Cộng đồng Mê Kông và hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) nhằm trang bị kiến thức cơ bản về lập trình và phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em.

Dự án đã triển khai từ tháng 5 đến tháng 8-2018, đem đến hơn 10.000 giờ học lập trình cho gần 1.300 học sinh cấp tiểu học tại TP.HCM, Vĩnh Long và Tiền Giang. Đã có 800 sản phẩm đăng ký Sân chơi lập trình cuối khóa từ các cá nhân hoặc nhóm học sinh.

14 em học sinh với 10 sản phẩm xuất sắc nhất đã nhận được giải thưởng đặc biệt: một chuyến tham quan trụ sở Google châu Á Thái Bình Dương tại Singapore.

8X dám 8X dám 'thay đổi' Google vì người Việt

TTO - “Một lần tôi thấy cha mẹ mình không thể gõ tiếng Việt trên smartphone, do lúc đó hệ điều hành Android không có bàn phím tiếng Việt, ai muốn dùng phải tải phần mềm về smartphone rồi tự cài đặt, khá rắc rối”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên