08/10/2023 14:48 GMT+7

Mỹ thúc đẩy quan hệ Saudi Arabia - Israel làm châm ngòi cuộc tấn công của Hamas?

Việc Saudi Arabia, quốc gia Ả Rập vốn không công nhận Israel, đang có quan hệ nồng ấm hơn với Tel Aviv qua sự trung gian của Mỹ khiến Hamas lo ngại "chủ quyền" của Palestine đang bị đe dọa.

Tên lửa của Israel đánh trúng một tòa nhà ở thành phố Gaza, nơi đóng quân của nhóm vũ trang Hamas, ngày 7-10 - Ảnh: AFP

Tên lửa của Israel đánh trúng một tòa nhà ở thành phố Gaza, nơi đóng quân của nhóm vũ trang Hamas, ngày 7-10 - Ảnh: AFP

Trung Đông sẽ không có an ninh nếu người Palestine bị phớt lờ

Hãng tin Reuters ngày 8-10 (giờ Việt Nam) khẳng định cuộc tấn công dữ dội của nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas vào Israel nhắm vào các nỗ lực được Mỹ hậu thuẫn nhằm xây dựng trật tự an ninh mới ở khu vực Trung Đông.

Trật tự này đe dọa sâu sắc mong ước về một nhà nước độc lập của người Palestine.

Việc quan hệ Israel - Saudi Arabia đang tiến ngày một gần đến việc bình thường hóa quan hệ nhờ sự trung gian của Mỹ là biểu hiện tiêu biểu của nỗ lực trên.

Điều này có thể được xem là cực kỳ tai hại với người Palestine, khi Israel đang tăng cường việc sáp nhập Bờ Tây và phong tỏa dải Gaza trong nhiều tháng qua.

Theo báo New York Times, từ khi trở lại nắm quyền ở Israel vào cuối tháng 12-2022, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và chính phủ của ông đã khuyến khích người dân Israel đến định cư tại Bờ Tây, hành động bị thế giới xem là bất hợp pháp vì vi phạm luật pháp quốc tế.

Để hỗ trợ nỗ lực này, quân đội Israel tại Bờ Tây đã tăng cường tấn công, đột kích vào các làng mạc, khu định cư người Palestine tại đây và ở dải Gaza.

Phía Palestine cũng cho rằng việc mở rộng trên của người Israel khiến người Palestine mất đất ở, đồng thời bị chặn đường tiếp cận các khu vực canh tác của mình.

Điều này khiến viễn cảnh về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine ngày càng khó xảy ra, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đời sống của người Palestine tại khu vực này.

Saudi Arabia, quốc gia Ả Rập có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, có thể được xem là đồng minh tự nhiên với người Palestine do cùng chung tôn giáo.

Việc Saudia Arabia xích gần hơn với Israel có thể khiến nước này chùn tay hơn trong việc đấu tranh cho quyền lợi người Palestine giữa bối cảnh phức tạp trên.

Một nguồn tin Trung Đông chia sẻ với Hãng tin Reuters: "Đây là thông điệp gửi đến nhà nước Saudi Arabia đang hướng lại gần Israel, và đến những người Mỹ đang hậu thuẫn việc bình thường hóa quan hệ và ủng hộ Israel. Sẽ không có an ninh trong toàn khu vực này chừng nào người Palestine còn bị phớt lờ khỏi những toan tính".

Bình luận trên được chính lãnh đạo nhóm Hamas, ông Ismail Haniyeh, ngầm xác nhận khi ông này tuyên bố trên sóng truyền hình Al Jazzera hôm 7-10: "Tất cả các thỏa thuận bình thường hóa mà các quốc gia Ả Rập ký với Israel đều sẽ không chấm dứt xung đột".

Hòa bình còn xa vời với người Palestine

Tên lửa của nhóm vũ trang Hamas bắn vào Israel ngày 7-10 - Ảnh: AFP

Tên lửa của nhóm vũ trang Hamas bắn vào Israel ngày 7-10 - Ảnh: AFP

Nhóm vũ trang Hamas tấn công ngày 7-10, ngay dịp Israel kỷ niệm 50 năm chiến tranh Yom Kippur (1973 - 2023) - cuộc chiến thứ tư giữa một liên minh Ả Rập, lần này do Ai Cập và Syria dẫn đầu, chống lại Israel, với chiến thắng cuối cùng về phía người Israel.

Ông Ali Baraka, một quan chức Hamas, cho biết: "Việc các lãnh đạo cuộc kháng chiến chọn thời điểm đúng đắn để quyết định tấn công, khi đối phương đang phân tâm với các buổi tiệc, là cần thiết".

Ông khẳng định cuộc tấn công bằng đường không, đường bộ và đường biển là "cú sốc với đối phương, đồng thời chứng minh tình báo Israel đã thất bại trong việc phát hiện chiến dịch này".

Sau cuộc chiến năm 1973, Ai Cập đã ký hiệp ước hòa bình với Israel. Nhiều nước Ả Rập cũng đã tiến hành bình thường hóa quan hệ với Israel, trong đó có nhiều nước vùng Vịnh gần Saudi Arabia.

Tuy nhiên, người dân Palestine vẫn chưa đến gần hơn với mơ ước về một nhà nước độc lập.

Người Hồi giáo tại thành phố Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ) biểu tình ủng hộ cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas nhắm vào Israel ngày 7-10 - Ảnh: AFP

Người Hồi giáo tại thành phố Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ) biểu tình ủng hộ cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas nhắm vào Israel ngày 7-10 - Ảnh: AFP

"Dù có thể không phải mục tiêu chính của cuộc tấn công, những hành động của nhóm vũ trang Hamas vẫn mang đến thông điệp rõ ràng đến Saudi Arabia rằng vấn đề Palestine không nên được xem là một chủ đề phụ trong các đàm phán bình thường hóa quan hệ", ông Richard LeBaron, người từng làm trong cơ quan ngoại giao Mỹ ở Trung Đông, chia sẻ.

Trong khi đó, ông Osama Hamdam, lãnh đạo nhóm Hamas ở Lebanon, khẳng định chiến dịch ngày 7-10 nhằm khiến các nước Ả Rập nhận ra việc chấp nhận các yêu cầu an ninh của Israel sẽ không mang đến hòa bình.

Ông khẳng định: "Gửi đến những người muốn hòa bình và ổn định trong khu vực, điểm bắt đầu chính là việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel. Không may, một số nước Ả Rập cho rằng Israel là bước đệm tiến tới việc Mỹ bảo vệ an ninh cho họ".

Xung đột Israel - Hamas: Số người chết lên đến gần 500, Hội đồng Bảo an họp khẩnXung đột Israel - Hamas: Số người chết lên đến gần 500, Hội đồng Bảo an họp khẩn

Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Ukraine, Ai Cập và nhiều quốc gia đã đồng loạt lên tiếng sau khi lực lượng phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas thực hiện cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào Israel hôm 7-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên