15/12/2020 09:27 GMT+7

Netflix chiếu phim 'nhà nước': Cục trưởng khẳng định bản quyền thuộc Bộ Văn hóa

MI LY
MI LY

TTO - Ông Thành thừa nhận trước đây, lãnh đạo cục "mơ hồ về bản quyền, coi vấn đề bản quyền là đơn giản, không quan trọng vì cho rằng Hãng Phim truyện là đơn vị nhà nước". Do đó, trong giấy phép phổ biến phim, cục ghi là "bản quyền thuộc Hãng Phim."

Netflix chiếu phim nhà nước: Cục trưởng khẳng định bản quyền thuộc Bộ Văn hóa - Ảnh 1.

Phim Những người viết huyền thoại từng gặp nhiều gian truân khi ra rạp, nay được phát hành trên Netflix

Xung quanh vụ việc một số phim nhà nước được chiếu trên Netflix gần đây và chuyện Cục Điện ảnh kiến nghị Thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch kiểm tra nguồn cung cấp phim, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - khẳng định: "Bản quyền phim nhà nước thuộc về Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch".

Trước đó, kênh phim và chương trình truyền hình quốc tế Netflix cho biết họ mua bản quyền các phim Những người viết huyền thoại, Vũ điệu đam mê, Mùi cỏ cháy qua Tfilm Studio - nhà phân phối được ủy quyền phát hành

Còn Tfilm cho biết được cấp phép từ VFS - Công ty Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tiền thân là Hãng Phim truyện Việt Nam).

Hãng Phim truyện Việt Nam không có thẩm quyền bán phim cho Netflix

Hôm qua 14-12 đã diễn ra hội thảo "Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam" do Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng Cục Điện ảnh chủ trì.

Bên lề hội thảo, trao đổi với báo Tuổi Trẻ về bản quyền phim nhà nước khi chiếu mạng, ông Vi Kiến Thành nói:

"Trước đây, Hãng Phim truyện là đơn vị nhà nước, kinh phí làm phim do Nhà nước cấp. Bây giờ hãng đã được cổ phần, tư nhân hóa, thì quyền sở hữu bản quyền sẽ được phân định ra sao để bảo vệ toàn vẹn ý nghĩa, giá trị của bản quyền, rồi quyền tài sản, quyền cho phép, quyền khai thác như thế nào...

Thứ hai, nếu hãng bán (phim) thì phải có trách nhiệm nộp tiền về cho ngân sách nhà nước. Bây giờ phải để thanh tra bộ kiểm tra và kết luận. Cục Điện ảnh không có trách nhiệm kiểm tra mà chỉ có thể đề nghị thanh tra làm việc".

Ông Thành thừa nhận trước đây, lãnh đạo cục "mơ hồ về bản quyền, coi vấn đề bản quyền là đơn giản, không quan trọng vì cho rằng Hãng Phim truyện là đơn vị nhà nước". Do đó, trong giấy phép phổ biến phim, cục ghi là "bản quyền thuộc về Hãng Phim truyện Việt Nam".

Còn hiện tại, ông Thành khẳng định ghi như vậy không chuẩn xác. "Đúng ra phải ghi "bản quyền thuộc về Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, hoặc Cục Điện ảnh đại diện cho bộ", Hãng Phim truyện làm chưa đúng thẩm quyền. Quyền này thuộc về bộ. Tất nhiên nếu hãng xin phép bộ thì bộ cũng sẽ ủng hộ, vì đây là một hình thức tuyên truyền phổ biến điện ảnh Việt Nam" - ông Thành nói.

Ông Thành cho biết mới đây VFS đã gửi cho cục các giấy tờ liên quan đến vụ việc để phục vụ việc thanh tra.

"Tiền kiểm" hay "hậu kiểm" phim chiếu mạng?

Tại buổi đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) tại TP.HCM, vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng (điều 19 dự thảo) nói chung gây tranh luận về khâu cấp giấy phép. Về việc nên "tiền kiểm" hay "hậu kiểm", nhiều người cho rằng nên "hậu kiểm" để tránh tắc nghẽn quá trình thẩm định.

Bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - phân tích: "Nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ đưa vào kho nội dung của mình lượng phim nhiều gấp hàng nghìn lần so với phim chiếu rạp, khó có hội đồng nào duyệt xuể. Tuy nhiên, nếu không duyệt thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả và không công bằng với phim trong các môi trường khác".

Bản quyền phim trên không gian mạng cũng là vấn đề nhức nhối được nhiều đại biểu nêu ra. Đại diện Lotte Entertainment cho rằng cần xử lý triệt để hành vi vi phạm bản quyền gây thiệt hại cho nhà phát hành.

Trong năm 2020, trang web xem phim lậu Phimmoi.net bị các mạng chặn, nhưng lập tức xuất hiện các trang với tên miền phụ và tiếp tục hoạt động, khiến nhiều nhà phát hành bất bình.

Ông Lê Thanh Liêm - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - phản hồi: "Bộ rất quan tâm đến vấn đề bản quyền phim, đặc biệt là trên không gian mạng.

Vừa rồi bộ cùng Bộ Thông tin và truyền thông chuẩn bị quy chế phối hợp liên ngành để làm sao bảo vệ tốt bản quyền. Về mặt cơ sở pháp lý, chúng ta đã có quy định khá đầy đủ trong Luật sở hữu trí tuệ, nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý hình sự.

Nhưng việc phát hiện vi phạm là không đơn giản. Đây là điều chúng tôi sẽ tích cực quan tâm thời gian tới".

Thắc mắc về phim 21+

Tại buổi đóng góp ý kiến dự thảo, vấn đề phân loại độ tuổi C21 (dành cho khán giả trên 21 tuổi) cũng được thảo luận. Có người đồng tình vì "thoáng hơn cho nhà làm phim", có người ái ngại vì cho là tạo thêm rào cản cho nhà phát hành.

Cục Điện ảnh giải thích "phim C21 có nhiều cảnh bạo lực, hình ảnh nhạy cảm hơn so với C18". Nhưng giới làm phim vẫn nghĩ cần có diễn giải chi tiết hơn để họ quyết định đồng tình hay phản đối.

Netflix phản hồi về nguồn cung cấp bản quyền 2 phim Việt vừa phát sóng Netflix phản hồi về nguồn cung cấp bản quyền 2 phim Việt vừa phát sóng

TTO - Sau kiến nghị thanh tra của Cục Điện ảnh, ngày 10-12 Netflix và TFilm - đối tác phân phối phát hành 'Những người viết huyền thoại', 'Vũ điệu đam mê' trên Netflix - đã chính thức lên tiếng.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên