22/12/2023 16:15 GMT+7

Ngành y tế ‘đóng góp’ 4,6% lượng phát thải khí nhà kính gây hại

Trên toàn cầu, ngành y tế đóng góp 4,6% lượng phát thải khí nhà kính gây hại. Nếu coi ngành y tế là một quốc gia thì đó sẽ là quốc gia phát thải lớn thứ 5 trên trái đất này.

Toàn cảnh hội nghị về môi trường y tế của Tổ chức Y tế thế giới ở Lào Cai - Ảnh: BTC

Toàn cảnh hội nghị về môi trường y tế của Tổ chức Y tế thế giới ở Lào Cai - Ảnh: BTC

Đây là chia sẻ của ông Tôn Tuấn Nghĩa, cán bộ kỹ thuật sức khỏe môi trường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tại hội thảo sơ kết về dự án mô hình thí điểm nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường của các cơ sở y tế tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai ngày 22-12.

Chương trình do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường quốc gia, phối hợp với WHO và Cục Quản lý môi trường y tế Việt Nam tổ chức.

TS Lỗ Văn Tùng, trưởng khoa sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường quốc gia, cho biết biến đổi khí hậu đang diễn ra toàn cầu và ngày càng thể hiện các ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, đã hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa bão, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Ông Tôn Tuấn Nghĩa cho hay 4,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là từ ngành y tế. Nếu coi ngành y tế là một quốc gia thì đó sẽ là quốc gia phát thải lớn thứ 5 trên trái đất này.

Vì vậy, các cơ sở y tế sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 từ ngành y tế.

"Chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là một trong các can thiệp lớn nhất mà chúng ta có thể làm, không chỉ để giảm phát thải mà còn cải thiện kết quả dịch vụ y tế. Tuy nhiên, cơ sở y tế còn phát thải khí nhà kính từ các nguồn khác nữa, như phát thải khí từ thiết bị làm lạnh, khí gây mê, chất thải và thiết bị cung ứng y tế", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc tái sử dụng thiết bị y tế và đồ bảo hộ lao động theo quy định có thể vừa an toàn vừa hiệu quả kinh tế.

Bằng cách tái sử dụng, tái chế, các cơ sở y tế có thể giảm chất thải và giảm phát thải carbon mà không gây mất an toàn cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Angela Pratt (đại diện WHO tại Việt Nam) cũng cho rằng nguồn cung nước sạch an toàn là một điều kiện tiên quyết để mang đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại nơi mình đang sống.

"Đầu tư vào thích ứng biến đổi khí hậu cũng giúp giảm chi phí và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống y tế hiệu quả và công bằng hơn", bà Angela Pratt nhấn mạnh.

Nhiều 'ông lớn' ngành thực phẩm chật vật chống phát thảiNhiều "ông lớn" ngành thực phẩm chật vật chống phát thải

TTCT - Các ông lớn ngành thực phẩm trên thế giới từng mạnh miệng cam kết chống phát thải nhưng đánh giá gần đây cho thấy lượng phát thải của họ tăng hoặc không giảm đi chút nào so với thời điểm cam kết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên