02/01/2024 13:50 GMT+7

Ngày mai, 2 cựu bộ trưởng ra tòa vụ Việt Á, những đại án nào sẽ xét xử trong năm 2024?

Những ngày đầu của năm 2024, hai cựu bộ trưởng cùng 36 người sẽ bị đưa ra xét xử trong vụ Việt Á. Một số đại án với những sai phạm gây chấn động dư luận cũng sẽ được tòa án dự kiến đưa ra xét xử trong năm nay.

Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bị đưa ra xét xử trong vụ Việt Á vào ngày 3-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bị đưa ra xét xử trong vụ Việt Á vào ngày 3-1 - Ảnh: NAM TRẦN

Theo Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính báo cáo trước Hội đồng nhân dân thành phố, trong năm 2023 cơ quan này đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh một số vụ án lớn do Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ông Chính cho biết thêm trong năm 2024 sẽ đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo.

Dự kiến những đại án sẽ được đưa ra xét xử trong năm nay là: vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (đến nay đã thụ lý với 38 bị cáo); vụ án liên quan đến Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (đã thụ lý với 15 bị cáo) và vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn FLC…

Ngoài ra, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát.

Hai cựu bộ trưởng hầu tòa trong vụ Việt Á

Vụ án đầu tiên được đưa ra xét xử trong chuỗi đại án được xử trong năm 2024 là vụ Việt Á với 38 bị cáo, trong đó có cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Ngày mai 3-1, xét xử hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh trong vụ Việt Á

Phiên tòa xét xử vụ Việt Á được mở vào ngày mai (3-1) và kéo dài trong 20 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.

Hơn 70 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của các bị cáo, trong đó cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có 4 luật sư bào chữa.

Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc chi 106 tỉ hối lộ quan chức - Ảnh: H.T.

Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc chi 106 tỉ hối lộ quan chức - Ảnh: H.T.

Theo cáo trạng, Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này.

Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. 

Ngay sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.

Để được tham gia nghiên cứu, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, tổng giám đốc Việt Á bị cáo buộc đưa hối lộ 106 tỉ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỉ đồng (tổng 82 tỉ đồng) chi cho 6 quan chức.

Cụ thể, cựu bộ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận 2,25 triệu USD (51 tỉ đồng), ông Hùng nhận 350.000 USD (8 tỉ đồng), ông Tuấn nhận 300.000 USD (6,9 tỉ đồng), ông Nguyễn Huỳnh nhận 54 tỉ đồng (trong đó đưa cho ông Long 50 tỉ, hưởng lợi 4 tỉ đồng), ông Nam Liên nhận 100.000 USD (khoảng 2,3 tỉ đồng).

Trong giai đoạn bán kit xét nghiệm, Việt đưa hối lộ cho giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỉ đồng.

Ngoài ra, tổng giám đốc Việt Á còn chi số tiền lớn "cảm ơn" nhiều quan chức khác gồm: ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng) nhận 200.000 USD; cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD; cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ của 6.600 nhà đầu tư

Cáo trạng và hồ sơ vụ án Tân Hoàng Minh đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển sang Tòa án nhân dân TP Hà Nội để đưa ra xét xử trong năm nay.

Ông Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng con trai là Đỗ Hoàng Việt (phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người khác sẽ bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (hàng trên, bên trái) cùng các bị can - Ảnh: Bộ CA

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (hàng trên, bên trái) cùng các bị can - Ảnh: Bộ CA

Cơ quan truy tố cáo buộc ông Dũng cùng các đồng phạm bàn bạc, lên kế hoạch, thực hiện các phương án gian dối trong phát hành trái phiếu và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn lên đến 8.600 tỉ của 6.600 nhà đầu tư.

Trong quá trình điều tra đến nay, ông Dũng đã nộp lại và Bộ Công an thu hồi tổng cộng hơn 8.600 tỉ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Chủ tịch Tân Hoàng Minh được cơ quan tố tụng đánh giá đã thành khẩn khai báo, khai nhận hành vi phạm tội, có đơn đề nghị và tích cực phối hợp khắc phục hậu quả trong vụ án…

Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo mở 500 tài khoản để thao túng chứng khoán

Vụ án chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng dự kiến được đưa ra xét xử trong năm 2024. Cuối tháng 10-2023, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận đề nghị truy tố ông Quyết và 20 người về tội thao túng thị trường chứng khoán và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên mới đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này.

Theo kết luận, trong hơn bốn năm (từ tháng 6-2017 đến tháng 1-2022) ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 người, thành lập và đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán nhằm thao túng, "thổi giá" cổ phiếu.

Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu.

Tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán "chui" cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.

Ngoài ra ông Quyết còn bị cáo buộc chỉ đạo một số người thân và thuộc cấp thực hiện việc góp vốn khống vào Công ty cổ phần xây dựng FCL Faros (mã cổ phiếu ROS) bằng cách ký khống các chứng từ.

Cơ quan điều tra cáo buộc khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán, chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng là tiền của các nhà đầu tư.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát tại Tòa án nhân dân TP.HCM

Vụ án Vạn Thịnh Phát được coi là đại án "vô tiền khoáng hậu" với những sai phạm số tiền tham ô lớn nhất từ trước đến nay (hơn 304.000 tỉ), số tiền hối lộ lớn nhất từ trước đến nay (5,2 triệu USD)…

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 người ra trước Tòa án nhân dân TP.HCM để xét xử sơ thẩm.

Viện kiểm sát cáo buộc từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và Ngân hàng SCB giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm Vạn Thịnh Phát với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỉ đồng.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng, phạm vào tội tham ô tài sản.

Bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo chi số tiền lớn 5,2 triệu USD để hối lộ và chi tiền "lót tay" mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ.

Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát của Ngân hàng Nhà nước, là bị can duy nhất bị truy tố tội nhận hối lộ trong vụ án Vạn Thịnh Phát, đã nhận 5,2 triệu USD để tiếp tay che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn bị điều tra trong một vụ án khác với hành vi lừa đảo chiếm đoạt 35.000 tỉ thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu. Cơ quan điều tra cũng đang làm rõ hành vi rửa tiền của bà Lan thông qua đầu tư bất động sản và chuyển tiền ra nước ngoài.

Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á lãnh 25 năm tùPhan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á lãnh 25 năm tù

Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị tòa tuyên phạt 25 năm tù với cáo buộc thông đồng, "lót tay" hàng tỉ đồng cho các bị cáo thuộc Học viện Quân y để được cấp phép, sản xuất kit xét nghiệm COVID-19.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên