08/05/2024 13:00 GMT+7

Người miền Tây ồ ạt đi Bình Dương: Làm sao để không còn ngậm ngùi ly hương?

Câu chuyện vì sao người miền Tây ồ ạt "đi Bình Dương" để lại nhiều trăn trở với bạn đọc. Nhiều mong mỏi và giải pháp đặt ra, để người miền Tây không còn ngậm ngùi ly hương.

Nông dân miền Tây thu hoạch lúa - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nông dân miền Tây thu hoạch lúa - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc rưng rưng kể lại những nỗi niềm và kỳ vọng vào những giải pháp để người miền Tây không ồ ạt "đi Bình Dương" nữa.

Thương lắm đồng hương miền Tây

- Gia đình sống tiết kiệm nhưng có vài công đất ruộng, nhà 7 người, trồng lúa mấy chục năm không xây nổi căn nhà. Đôi khi không đủ chi đám tiệc, ăn uống, nên mấy anh em phải bỏ quê lên Sài Gòn làm công ty, làm hồ. 

Dưới quê khu công nghiệp rất ít, chỉ có vài công ty chế biến thủy hải sản, may mặc, lương 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Đường sá giao thông có đỡ hơn, những gia đình ở ngoài quốc lộ còn buôn bán, chứ người dân ở trong ruộng chỉ trông chờ vào con gà, con heo, luống rau... 

Việc làm không có thì hỏi sao người dân không ồ ạt lên Bình Dương, Sài Gòn, Đồng Nai... lập nghiệp chứ.

Bạn đọc Kiên Giang quê tôi

-  Người nông dân thu nhập thấp, chịu cảnh được mùa mất giá, trong khi kinh doanh thì không biết kinh doanh gì, nên họ bỏ quê đến nơi có thu nhập tốt hơn cũng là nhu cầu chính đáng. 

Muốn người dân trở về quê thì còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là những vấn đề căn cơ liên quan đến an sinh.

Bạn đọc Thanh Nhàn

- Mình quê Tiền Giang, lên Sài Gòn học đại học sau đó ra trường đi Bình Dương làm. 

Miền Đông Nam Bộ với một tân kỹ sư như mình lúc đó chẳng khác nào một vùng đất hứa: những khu công nghiệp rộng bao la đầy ắp các công ty nước ngoài đủ mọi thương hiệu lớn nhỏ với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn, những con đường rộng thênh thang trải nhựa láng o, các khu vực dân cư sầm uất sôi động ngày đêm... 

Bây giờ mọi người kéo nhau đi miền Đông Nam Bộ là vì sinh kế. Những khu trọ công nhân của đồng hương miền Tây có nhiều gia đình dắt díu cả gia đình già trẻ lớn bé. 

Những em nhỏ sớm xa rời ruộng vườn sông nước, rồi đây mối liên kết của các em với văn hóa miền Tây của ông bà cha mẹ sẽ như thế nào? Thật sự thấy thương các em, thương những người đồng hương quê mình.

Bạn đọc Lâm Phước Huê

Làm thêm đường sá, khu công nghiệp... để  phát triển miền Tây 

- Tui bỏ quê ra đi mấy mươi năm nay cũng vì tình trạng y như bài báo mô tả. Thỉnh thoảng trở về thấy nhà cửa khang trang hơn, nhưng xóm làng vắng hoe từ đầu lộ ra tới mé sông. Anh em, bạn bè cùng trang lứa bỏ quê đi nơi khác lập nghiệp. 

Lớp con cháu lớn lên thì đi lao động ở nước ngoài, số còn lại mỗi ngày phải thức sớm lúc 4 giờ sáng để qua sông, đón xe chở lên Khu công nghiệp ở Mỹ Tho cách nhà gần 30km. 

Sau Tết về thăm quê, làng xóm vắng tanh, gợi một nỗi buồn vô hạn. Nếu công nghiệp ở đây phát triển thì hay biết mấy.

Bạn đọc H.Thảo

- Miền Tây là nơi có tính đồng nhất về văn hóa rất cao từ giọng nói, phong tục tập quán và đều yêu quê hương miền Tây tha thiết. Sự ly hương này chắc chắn là bất đắc dĩ. 

Miền Tây mặc dù là vùng đất mới nhưng đã trải qua nhiều bể dâu thăng trầm cùng dân tộc, cũng một thời đấu tranh với thiên nhiên nên sự can trường, cần cù, chăm chỉ của người dân ở đây không thua bất cứ đâu. 

Tôi tin rằng nếu nhận được sự đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm tại địa phương thì đất chín rồng sẽ thật sự hóa rồng!

Bạn đọc Vinh

- Ở miền Tây có Đại học Cần Thơ là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao nổi tiếng cho vùng. Tuy nhiên học xong các tân kỹ sư, cử nhân cũng đi miền Đông Nam Bộ làm việc, vì mức lương ở miền Tây quá thấp. Phải cho người trẻ nhìn thấy tương lai để họ ở lại.

Bạn đọc Cát Dương 

 - Chính quyền địa phương cần nắm bắt được những cái miền Tây có sẵn để kêu gọi đầu tư, tổ chức đào tạo, mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương, cơ cấu các ngành nghề dịch vụ truyền thống, mở rộng du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch biển… 

Bạn đọc Nguyễn Phước Thiện

- Cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào cơ sở hạ tầng miền Tây. Ngoài cao tốc mới đầu tư gần đây, các quốc lộ như 50, 51 qua các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh... cần được mở rộng gấp đôi. Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi tối đa về thuế; chính sách miễn phí giáo dục...

Bạn đọc Hieu

Làm gì để miền Tây thu hút đầu tư?

Làm gì có chuyện xây nhiều khu công nghiệp rồi mặc định rằng sẽ có nhiều công ty vô đầu tư, thu hút lao động địa phương. Để thu hút đầu tư, cần phải thực hiện 5 giải pháp sau:

Một là, ưu đãi các loại thuế (thuế đất, thuế môi trường...) cho các doanh nghiệp, ưu đãi năm đầu hoặc ưu đãi công ty mới thành lập. Ưu đãi thuế cho các công ty chuyên về công nghệ cao, với cam kết công ty tuyển dụng 70% lao động địa phương và đảm bảo mức lương đủ sống.

Hai là, ưu đãi cho các doanh nghiệp tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, như cho vay vốn lãi suất thấp.

Ba là, đơn giản hóa các thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Bốn là, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo phát triển các khu công nghiệp đầy đủ tiện ích.

Năm là, có những chính sách đào tạo nghề nghiệp cho con em địa phương làm việc tại quê nhà...

Bạn đọc Nam38

Vì sao người miền Tây ồ ạt "đi Bình Dương"?Vì sao người miền Tây ồ ạt 'đi Bình Dương'?

Gần 1,1 triệu người di dân khỏi đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn từ năm 2009 - 2019, tương đương dân số của một tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên