Người vắng mặt ở COP28

TỊNH ANH 12/12/2023 09:51 GMT+7

TTCT - Tham dự không sót kỳ COP (hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc) nào, nhưng đến đúng lúc mọi thứ có vẻ dần thành hình thì lại vắng mặt, vì đã từ giã cõi đời đúng một tháng trước. Đó là chuyện của nhà khoa học người Bangladesh Saleemul Huq.

Saleemul Huq phát biểu tại một sự kiện ở Bangladesh năm 2022. Ảnh: IIED

Saleemul Huq phát biểu tại một sự kiện ở Bangladesh năm 2022. Ảnh: IIED

Dành 3 thập kỷ đấu tranh để các quốc gia giàu có phải bồi thường cho nước nghèo hơn về tác hại của biến đổi khí hậu. Tham dự không sót kỳ COP (hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc) nào, nhưng đến đúng lúc mọi thứ có vẻ dần thành hình thì lại vắng mặt, vì đã từ giã cõi đời đúng một tháng trước.

Đó là chuyện của nhà khoa học người Bangladesh Saleemul Huq, một "người khổng lồ" của phong trào khí hậu.

Tiến sĩ Huq, xuất thân là một nhà sinh học, là một trong số rất ít những người đã dự mọi kỳ COP kể từ lần đầu năm 1995. Ông qua đời vì bệnh tim tại nhà riêng ở thủ đô Dhaka hôm 28-10, thọ 71 tuổi.

Huq - nhà sáng lập và giám đốc Trung tâm quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển (ICCC) - là một trong những tác giả chính cho các đánh giá về khí hậu toàn cầu thứ ba, thứ tư và thứ năm của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Năm 2022, tạp chí Nature vinh danh ông là một trong 10 nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Nhìn lại sự nghiệp của Huq ở COP cũng là điểm lại các cột mốc của hội nghị thượng đỉnh này xoay quanh vấn đề cốt lõi mà ông đã miệt mài tranh đấu: có một quỹ về tổn thất và thiệt hại để các quốc gia giàu chi tiền cho các nước đang phát triển đối phó với hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Di sản của Huq

Theo The New York Times, Huq có lẽ là người đề xuất chính cho ý tưởng lượng phát thải khí nhà kính của các nước phát triển đang có tác động không cân xứng đến khí hậu ở các nước nghèo hơn, và các nước giàu phải trả tiền để giúp bù đắp hậu quả.

Tại hội nghị Paris năm 2015, các nước giàu hơn đã tái khẳng định cam kết được đưa ra tại Copenhagen 2009 - cấp 100 tỉ USD mỗi năm cho một quỹ nhằm giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng các nước không có vẻ gì là vội vàng chi tiền.

Đến tận COP26 ở Glasgow năm 2021, chỉ có chủ nhà Scotland cam kết chi 1 triệu bảng. Năm tiếp theo, tại COP27 ở Sharm El-Sheikh (Ai Cập), các quốc gia bàn việc lập quỹ "tổn thất và thiệt hại", nhưng chưa thể nhất trí về cấu trúc, cách quản trị và vận hành của nó. Tất cả "nhường cho nhiệm kỳ sau trả lời" - tức là ở COP28, đang diễn ra từ 30-11 đến 12-12 ở Dubai (UAE).

Cho đến cuối đời, bất chấp một quỹ như ông tranh đấu đã dần hình thành, Huq vẫn chưa hài lòng, tờ The Economist thuật lại trong bài tưởng nhớ ông hôm 29-11. Ông cho rằng cụm từ "tổn thất và thiệt hại" (loss and damage) chỉ là uyển ngữ, trong khi từ đúng phải là "trách nhiệm và bồi thường", và việc các nước giàu nói họ đã cấp viện trợ (aid) cho nước nghèo rồi cũng là không hợp lẽ.

Viện trợ là tự nguyện - muốn hay không tùy, trong khi theo tinh thần của cam kết Copenhagen 2009, đó phải là nghĩa vụ.

Saleemul Huq tại COP26 ở Glasgow, Scotland năm 2021. Ảnh cá nhân của nhân vật

Saleemul Huq tại COP26 ở Glasgow, Scotland năm 2021. Ảnh cá nhân của nhân vật

Huq có niềm tin mạnh mẽ rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng cần phải ở vị trí trung tâm, chứ không phải bên lề các cuộc đàm phán khí hậu. Cả người trẻ cũng cần được lên tiếng và được lắng nghe. Ngay từ thập niên 1990, Huq đã tích cực đấu tranh để các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đưa trường hợp cụ thể của họ vào chương trình nghị sự tại các kỳ COP.

Ông cũng muốn các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo thế giới phải lắng nghe những con người đang anh dũng chiến đấu nơi tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ở COP26, ông mời một nữ nông dân Bangladesh - người nghèo nhất trong số những người nghèo - đến nói chuyện với các đại biểu; cô đã được lắng nghe một cách tôn trọng.

"Giá như hàng triệu nạn nhân khác của nước biển dâng, nhiệt độ tăng và bão dữ cũng có thể lên tiếng thì các nước giàu hơn có thể nhận ra mức độ thực sự của "thiệt hại" và sức nặng thực sự của "mất mát"" - The Economist viết.

Ngay trước khi qua đời, Huq vẫn hướng về COP28. Hồi tháng 6, ông viết một bức thư ngỏ gửi chủ tịch hội nghị ở Dubai, kể rằng mỗi ngày ở Bangladesh, hơn 2.000 người phải di tản vì khí hậu đã đến Dhaka, rồi trở nên vô hình trong khu ổ chuột của thành phố.

"Không ai chăm sóc họ, nhưng họ là những người bị buộc phải dời nơi ở do biến đổi khí hậu do con người gây ra và do đó là trách nhiệm của UNFCCC" - ông viết, ý chỉ Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu.

Mohamed Adow, giám đốc Tổ chức tư vấn năng lượng và khí hậu Power Shift Africa, nói về Huq
"(Saleemul Huq) là người khổng lồ của phong trào khí hậu, người nổi bật trong lĩnh vực do các nhà khoa học đến từ châu Âu và Bắc Mỹ thống trị. Thật tốt khi thấy một người Bangladesh phát biểu với uy quyền và sự hiểu biết sâu sắc như vậy trên trường quốc tế"

Chuyện ở COP28

Giờ thì bạn bè và đồng nghiệp của Huq đang thay ông đấu tranh ở Dubai. "Tôi rất vui vì ông ấy cuối cùng đã sống đến ngày chứng kiến việc hình thành quỹ tổn thất và thiệt hại được nhất trí tại COP27 ở Ai Cập. Tôi hy vọng bây giờ chúng ta có thể đấu tranh vì di sản của ông ấy và đảm bảo rằng (quỹ đó) thực sự có tiền" - Vanessa Nakate, nhà vận động môi trường người Uganda, từng tiếp xúc và ấn tượng với Huq, nói với The Guardian.

Huq có thể mỉm cười nơi cõi khác, hay bạn bè đồng nghiệp của ông đã có thể yên lòng chăng, khi thượng đỉnh năm nay có vẻ mở màn bằng một chiến thắng: ngay ngày đầu tiên, các nước đã đồng thuận việc lập quỹ tổn thất và thiệt hại.

Những hình dung và khuyến nghị đặt ra ở COP27 về việc quỹ này sẽ như thế nào và vận hành ra sao, giờ đã cụ thể hơn một chút - chẳng hạn Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ giám sát quỹ trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi tiết quan trọng - như quy mô và chu kỳ bổ sung cho quỹ - chưa được thống nhất.

Theo Reuters, quỹ này đã nhận được các cam kết hỗ trợ đầu tiên: 100 triệu USD từ chủ nhà UAE, ít nhất 51 triệu USD từ Anh, 17,5 triệu USD từ Hoa Kỳ, và 10 triệu USD từ Nhật Bản. Liên minh châu Âu sau đó cam kết 245,39 triệu USD, trong đó có 100 triệu USD của Đức.

Theo Indian Express, trước đây các quốc gia đang phát triển không muốn WB quản lý quỹ vì như vậy các nước giàu có hơn có thể kiểm soát nhiều hơn về tài chính. Tại Dubai, họ đã chấp nhận điều khoản này. Vì thế, phe lạc quan kỳ vọng từ bước "đột phá" đầu tiên và rất sớm này, sẽ có thêm nhiều nhượng bộ khác về đàm phán trong 11 ngày làm việc còn lại của hội nghị.

Tuy vậy, một số cho rằng chưa phải lúc ăn mừng. "Việc không xác định chu kỳ đóng góp bổ sung đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững lâu dài của quỹ" - Harjeet Singh, đại diện Climate Action Network International, mạng lưới gồm hơn 1.300 tổ chức phi chính phủ về môi trường tại hơn 130 quốc gia, cho biết.

Nếu các cam kết nói trên được thực hiện, quỹ ban đầu sẽ có trên 400 triệu USD, trong khi con số cần có lên đến vài ngàn tỉ đô la.

Không thể không nhắc lại báo cáo Tổ chức chống nghèo đói và bất công Oxfam công bố hồi tháng trước, rằng 1% những người giàu nhất thế giới thải ra lượng carbon bằng 2/3 tất cả những người còn lại, tương đương 5 tỉ người.

Chưa hết, nhiều người siêu giàu, các "tinh hoa ô nhiễm", cũng tích cực chặn các phong trào hành động vì khí hậu. "Vì sao các tỉ phú lại muốn chặn hành động cứu lấy hành tinh là câu hỏi sẽ không được COP28 ngó ngàng" - nhà hoạt động môi trường George Monbiot viết trên The Guardian.

Người vắng mặt ở COP28- Ảnh 3.

Trong hai tuần COP28, các nhà đàm phán từ hơn 170 quốc gia sẽ bàn thảo một vấn đề quan trọng khác - tương lai của nhiên liệu hóa thạch.

COP26 đạt được đồng thuận về việc giảm dần tiêu thụ than, nhưng các nước chưa bao giờ đồng ý từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch - nguồn phát thải chính khiến hành tinh nóng lên.

Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đang kiên quyết đạt được thỏa thuận COP28 cuối cùng, với các nước cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nhóm G20 đã không thống nhất được điểm này tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7.

Và kết quả cuối cùng, phán quyết kết thúc hội nghị ngày 12-12, chỉ dùng từ "giảm bớt" (reduce) chứ không "xóa bỏ" (phase out) nhiên liệu hóa thạch.

Điển hình Bangladesh

Huq cũng dành công sức để đưa "thích ứng" vào các hiệp ước biến đổi khí hậu. Với ông, biến đổi khí hậu đã đến mức không thể giảm thiểu chứ đừng nói là ngăn chặn. Tất cả những gì mỗi quốc gia và từng cá nhân có thể làm là tìm cách thích nghi và chuẩn bị tốt nhất có thể.

Huq đã biến chính quê hương ông - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu nhất trên thế giới với bão từ vịnh Bengal và lũ từ sông Hằng - thành điển hình trong cách tiếp cận này.

Năm 2021, khi lũ lụt nhấn chìm 170 người ở nước Đức giàu có, chỉ có 30 người chết trong đợt bão "thường niên", từng khiến đến 100.000 người thiệt mạng ở Bangladesh. Công đầu thuộc về Huq - nhà tiên phong trong lĩnh vực thích ứng dựa vào cộng đồng, một khái niệm đã có từ lâu ở vùng nông thôn Bangladesh.

Cách làm này tập trung vào việc giúp cộng đồng tìm ra giải pháp của riêng họ cho cuộc khủng hoảng khí hậu, chẳng hạn như cải thiện khả năng phòng chống lũ lụt và điều chỉnh mô hình trồng trọt theo biến đổi thời tiết.

Khoảng 8% ngân sách của Bangladesh hiện được dành để giúp người dân phục hồi và thích ứng với thiên tai.

"(Huq) muốn chúng ta nhìn người dân Bangladesh như những người có kiến thức. Ông ấy nói về Bangladesh như một phòng thí nghiệm. Ông muốn các học giả và nhà hoạch định chính sách đến Bangladesh" - tiến sĩ Lisa Schipper, chuyên gia về biến đổi khí hậu ở các nước Global South, nói với New York Times.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận