31/07/2023 08:59 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp công nghệ 'sống khỏe'

Kinh tế 2023 nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt vẫn "sống khỏe", mở rộng thị trường nước ngoài thành công.

Không khí làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ Việt vừa có doanh thu và lợi nhuận tại thị trường nước ngoài tăng mạnh - Ảnh: CMC

Không khí làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ Việt vừa có doanh thu và lợi nhuận tại thị trường nước ngoài tăng mạnh - Ảnh: CMC

Công nghệ được coi là ngành triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022 ước đạt 148 tỉ USD, tăng 8,7%.

"Hốt tiền" từ thị trường nước ngoài

Bức tranh có sự phân hóa: trong khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành khó khăn thì không ít doanh nghiệp công nghệ vẫn "sống khỏe", đặc biệt là các đơn vị kiếm được nhiều tiền từ thị trường nước ngoài.

Như Tập đoàn FPT sáu tháng đầu năm 2023 ghi nhận doanh thu vượt tỉ USD - đạt 24.166 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỉ đồng, lần lượt tăng tới 21,9% và 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần đạt 2.732 đồng, tăng 19,8%.

Đáng lưu ý doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài chiếm tới 11.227 tỉ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.834 tỉ đồng, tăng 34,6%. Theo lãnh đạo FPT, tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu lớn cho CNTT, đặc biệt là chuyển đổi số ở thị trường Nhật - lĩnh vực mà nước này đang bị tụt lại sau Mỹ và các quốc gia phương Tây sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngược lại, dịch vụ CNTT ở thị trường trong nước lại nhiều thách thức do cầu sụt giảm từ khối doanh nghiệp. Dù doanh thu tăng 9%, đạt 2.975 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm hơn 24%, chỉ đạt 171 tỉ đồng.

Tập đoàn CMC - một doanh nghiệp công nghệ lớn khác - cũng khả quan ở thị trường nước ngoài. Tại báo cáo tài chính, kỳ kế toán 1-4 đến 30-6-2023, doanh thu thuần của CMC đạt 1.771 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 96,7 tỉ đồng, lần lượt tăng 4% và 5% so với cùng kỳ.

Trong năm tài chính 2022 (kỳ từ 1-4-2022 đến 31-3-2023), doanh thu hợp nhất CMC đạt 7.663 tỉ đồng, tăng 22%; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 12%. Trong đó, khối kinh doanh quốc tế có tăng trưởng vượt bậc khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 62% và 24%.

Tỉ suất lợi nhuận vọt lên, tăng tuyển người

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết tỉ suất lợi nhuận các ngành thay đổi từng thời điểm.

Ở thời điểm hiện nay, so với một số ngành như bất động sản, bán lẻ..., tỉ suất lợi nhuận của ngành CNTT được đánh giá khá hấp dẫn với mức trên 20%, tương đương ngành ngân hàng và chứng khoán.

"Lợi thế của các doanh nghiệp ngành này là tận dụng lợi thế công nghệ. Kỳ vọng sắp tới còn có thể được cải thiện nhờ đẩy mạnh mảng chuyển đổi số", ông Phương nói.

Nếu nhìn ROE (tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của một số doanh nghiệp đầu ngành trong thời điểm này có thể thấy sự chênh lệch. Như FPT ở mức gần 27%, trong khi Vietcombank cũng chỉ 23%...

Điểm tích cực khác là trong bối cảnh nhiều ngành cắt giảm lao động, các "ông lớn" công nghệ đua nhau tuyển nhân sự.

Tính đến hết tháng 6-2023, tổng nhân viên FPT 45.798 người, tăng tới 3.390 người so với đầu năm.

Còn CMC tính đến cuối tháng 3-2023 tăng thêm 726 người. Ở Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), cuối tháng 6-2023 có 471 người, tăng 229 nhân sự sau ba tháng. VNG cũng tăng từ 3.000 nhân sự năm 2019 lên 3.885 năm 2022...

Ông Đỗ Thanh Tùng - chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) - đánh giá chi tiêu cho CNTT thời kỳ hiện nay vẫn sẽ ổn định hơn so với thời kỳ suy thoái trước đây do tỉ trọng phần mềm, dịch vụ Cloud (điện toán đám mây) ngày càng tăng - kết quả của quá trình chuyển đổi số. Dự báo các dự án và dịch vụ quản lý liên quan đến Cloud tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số.

Cạnh tranh mạnh với Ấn Độ

Theo ông Đỗ Thanh Tùng, các công ty CNTT hàng đầu Việt Nam đang ngày càng tăng cường năng lực công nghệ để nắm nhu cầu bền vững này, thể hiện qua tăng trưởng doanh thu ký mới vẫn tương đối khả quan, nên triển vọng của các công ty này có thể sẽ tốt nhiều hơn so với lo ngại.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý các dịch vụ CNTT thường là chỉ báo trễ cho suy thoái kinh tế. Do vậy, các số liệu ký mới hợp đồng cần được theo dõi chặt chẽ trong khi các tín hiệu về kinh tế thay đổi.

Ngoài ra, sự thiếu hụt nhân sự, tăng chi phí nhân công hay cạnh tranh với thị trường Ấn Độ cũng là những rủi ro tiềm ẩn đối với nhiều doanh nghiệp ngành này.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ chỉ mang tính hô hào?Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ chỉ mang tính hô hào?

Đó là một trong nhiều rào cản cho phát triển khoa học công nghệ vừa được chuyên gia, doanh nhân nêu ra với lãnh đạo TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên