25/09/2023 13:26 GMT+7

Những người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 3: Những người trẻ thích làm cú đêm

Không phải lúc nào cũng bị áp lực công việc bắt chạy deadline, cũng không hay tụ tập bạn bè la cà quán xá hay bia bọt...

Ngoài lý do học hành, công việc, nhiều bạn trẻ đang cậy khỏe, lấy đêm làm ngày chỉ vì “thích vậy” - Ảnh: MẠNH DŨNG

Ngoài lý do học hành, công việc, nhiều bạn trẻ đang cậy khỏe, lấy đêm làm ngày chỉ vì “thích vậy” - Ảnh: MẠNH DŨNG

... Nhưng những người trẻ này cứ lọ mọ sống về đêm riết rồi thành như lối sống yêu thích để giấc ngủ bình thường cứ dần rời xa mình.

Hai con tôi cứ lọ mọ thức tới 2-3h sáng là vì tụi nó thích như vậy, chọn sống về đêm, chứ rõ ràng chẳng phải vì áp lực học hành, hoàn cảnh công việc bắt buộc gì cả.

Bà N.P.

Lọ mọ như cú đêm

"Nhà tôi lạ lắm, có hai kiểu sinh hoạt, hai lối sống khác biệt. Vợ chồng tôi thì đi ngủ lúc 22h30, trễ lắm cũng chỉ 23h.

Còn hai đứa con tôi thì đó lại là lúc chúng tỉnh như sáo, lọ mọ như con cú đêm, chẳng việc gì ra việc gì nhưng cứ phải thức đến 2-3 giờ sáng mới chịu ngủ.

Vậy mà đó là nhịp sinh hoạt bình thường của chúng, còn hôm nào "ngủ sớm" trước 1h lại là bất thường" - bà N.P., ở chung cư Fullhouse, quận Bình Tân, TP.HCM, kể.

Bà cũng không nhớ chính xác kiểu sống lấy đêm làm ngày của hai con mình bắt đầu từ khi nào, nhưng ít nhất là đã diễn ra 5 năm nay khi gia đình bà chuyển từ ngôi nhà mặt đất lên chung cư ở.

Căn hộ nhỏ 70m2, chỉ có hai phòng liền nhau, nên vợ chồng bà mới phát hiện ra nhịp sống kỳ lạ của hai đứa con chưa lập gia đình.

"Mà chúng cũng đâu phải được thảnh thơi gì. Thằng anh làm việc công ty nước ngoài, 8h sáng là rời nhà đi làm. Còn đứa em gái buôn bán tự do với nhóm bạn, 8h30 cũng đeo ba lô, máy tính đi làm rồi", bà P. kể...

Lo hai đứa con ở tuổi 28 - 30 chưa lập gia đình, không chịu giữ gìn sức khỏe, cứ thức khuya, vợ chồng bà cũng đã khuyên can, la mắng nhiều cách nhưng không thành công. Các con bà chỉ cười cười, lơ lơ đi rồi mọi chuyện vẫn u như kỹ (y như cũ).

Vài lần, vợ chồng bà gặng hỏi lắm thì hai đứa con nói: "Tụi con quen rồi, ngủ sớm không được, nhưng thức khuya cũng hay mà. Khi người ta đi ngủ thì mình thức, không gian yên tĩnh thoải mái".

"Nhưng chợp mắt được có mấy tiếng đầu sáng rồi đi làm vậy. Sao tụi bay đảm bảo sức khỏe?". "Thì mẹ nhìn thấy tụi con vẫn khỏe như trâu mà, lo gì", họ trả lời.

Mà cũng lạ, hai con bà đều không phải thức khuya để cùng bạn bè "ngồi đồng" quán xá cà phê, nhậu nhẹt mở xuyên đêm. Đứa con gái thì âm thầm trong phòng nhỏ chục mét vuông, con trai thì ở phòng khách chung cư.

Sau khi đi làm về tối, thường người ta sẽ tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí một chút rồi đi ngủ. Nhưng hai cô cậu này thì buổi tối cứ như... bình minh ngày mới, và ngược lại bình minh của ngày mới thì như đêm xuống để họ đến giờ đi ngủ.

Lọ mọ hết mở máy tính, họ lại cầm điện thoại lướt mạng, chán điện thoại thì lại ra xem phim và thêm bữa ăn thứ tư lúc nửa đêm là chuyện bình thường.

"Hai đứa thường ăn thêm cơm nguội nếu còn đồ ăn hợp miệng, nhưng đa số là tô mì gói. Thậm chí còn ship được trà sữa, bánh mì, cơm tấm lúc 0h", bà kể vợ chồng bà rất nhiều lần hết khuyên rồi lại la con đừng thức khuya và ăn cữ giữa đêm không tốt cho sức khỏe nhưng lời nói gió bay.

Bà lo tuổi 28, 30 của con bà chưa bị béo phì nhưng chắc cũng không lâu nữa với kiểu sinh hoạt thiếu lành mạnh này. Chúng tôi đã thử vài lần tiếp cận để nghe tâm sự của hai anh chị "cú đêm" nhưng chỉ nhận được

trả lời ngắn gọn: "Thức đêm cũng hay mà, kéo dài thêm đời người, ai mê ngủ nhiều là đời ngắn đi. Chuyện có gì đâu mà kể".

Các bác sĩ cho biết số người điều trị chứng khó ngủ đang ngày càng tăng -  Ảnh: MẠNH DŨNG

Các bác sĩ cho biết số người điều trị chứng khó ngủ đang ngày càng tăng - Ảnh: MẠNH DŨNG

Tập thể dục lúc 0h

Nếu như hai con bà N.P. thích sống về đêm nhưng khép kín trong căn hộ chung cư thì Nguyễn Thanh Hải (26 tuổi, ngụ ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP.HCM) và nhóm bạn hơn chục người của mình lại thích ra đường.

Hoạt động nhiều nhất sau 22h của nhóm Hải là... chơi đá banh. Có thời gian nhóm này đá ngay trong các đường ít xe đi lại ở quận Tân Bình, nhưng bị người dân phản ứng vì gây ồn ào khó ngủ. Về sau, họ bỏ tiền đi thuê sân cỏ mini để được tiếp tục chơi thể thao khi mọi người đi ngủ.

"Sao các bạn lại chơi đá banh lúc nửa đêm như vậy? Vì sao không đá ban ngày?". Nghe chúng tôi hỏi, Hải cười trả lời: "Ban ngày thì không thể tụ tập đủ mặt bạn bè thân được vì người bận đi làm, người phải đi học. Với lại tụi em đá ban đêm mát mẻ, vắng vẻ, thoải mái hơn".

Thường thì nhóm bạn này sau khi quần nhau tơi tả để tranh trái bóng lại đến màn đi ăn, cà phê, trà sữa.

Thi thoảng họ cũng uống bia nhưng không thành cữ quen. Chi phí thì cả hội chia nhau đều, từ thuê sân cỏ đến ăn uống.

"Cũng không nhiều lắm đâu, thường thì tụi em cá độ nhau một chút cho vui và có khí thế đá, đội nào thua thì trả tiền ăn uống sau đó", Hải nói.

"Thế ba mẹ không ý kiến gì khi các bạn đi chơi khuya như vậy?". Nghe chúng tôi hỏi, Hải lại cười trả lời tiếp: "Đâu phải đi chơi bời gì đâu, tụi em đi tập luyện thể thao mà. Cũng quần đùi, áo thun, giày đá banh hẳn hoi".

Tuy nhiên, Hải cũng thừa nhận có một số bạn đã tự "rơi rụng" sau khi vài lần về nhà lúc 1-2h sáng mà có lẽ là do ba mẹ họ quản lý chặt. Anh thanh niên 26 tuổi chưa lập gia đình này tâm sự thêm nếp sống về đêm của nhóm mình đã duy trì gần hai năm, kể từ sau đợt dịch Covid-19 hồi năm 2021. Dịch tạm lắng xuống, thành phố dỡ phong tỏa, đội bạn trẻ như ngựa sổng chuồng sau một thời gian dài cuồng chân vì ở trong nhà, rồi cứ thức khuya riết thành quen lúc nào không hay.

Hải kể: "Ban đầu tụi em cũng chỉ chơi tới nửa đêm thôi, riết rồi lấn qua 1-2h sáng. Sau đó, hơn một nửa số người tiếp tục tham gia, gần một nửa nghỉ vì cha mẹ không đồng ý hoặc phải bận bịu đi làm, đi học sớm".

Đặc biệt có một điều mà nhóm bạn trẻ thích lấy đêm làm ngày thừa nhận là level cú đêm của họ hình như càng ngày càng tăng. Trước đây đa số thức đến 0h là đã ngáp ngắn ngáp dài, nay chong chong mắt đến 2-3h sáng vẫn tỉnh rụi.

Ấy vậy mà nhiều bạn về nhà vẫn chưa chịu ngủ ngay, lên giường rồi vẫn "đi du lịch bốn phương" với TikTok, Facebook, phim ảnh này nọ...

Trái với những người buộc phải thức đêm vì học hành hay mưu sinh, những bạn trẻ này chủ động chọn và thích lối sống lấy đêm làm ngày.

Các triệu chứng khó ngủ

- Bạn thường xuyên mất hơn 30 phút mỗi đêm để chìm vào giấc ngủ.

- Bạn thường xuyên thức dậy nhiều lần mỗi đêm và sau đó khó ngủ lại hoặc thức dậy quá sớm vào buổi sáng.

- Bạn thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, thường xuyên chợp mắt hoặc ngủ không đúng giờ trong ngày.

- Bạn cùng giường của bạn nói rằng khi bạn ngủ bạn ngáy to, khịt mũi, thở hổn hển, phát ra những âm thanh nghẹt thở hoặc ngừng thở trong thời gian ngắn.

- Bạn có cảm giác kiến bò, ngứa ran hoặc kiến bò ở chân hoặc tay và sẽ thuyên giảm khi di chuyển hoặc xoa bóp chúng, đặc biệt là vào buổi tối và khi cố gắng chìm vào giấc ngủ.

- Bạn cùng giường của bạn nhận thấy rằng chân hoặc tay của bạn thường xuyên giật trong khi ngủ.

- Bạn có những trải nghiệm sống động, đẹp như mơ khi chìm vào giấc ngủ hoặc ngủ gật.

- Bạn có những giai đoạn yếu cơ đột ngột khi bạn tức giận hoặc sợ hãi hoặc khi bạn cười.

- Bạn cảm thấy như thể bạn không thể cử động khi mới thức dậy.

(Nguồn: Pacific Cross Việt Nam)

----------------------

"Sau gần hai tháng mất ngủ, tôi bắt đầu bị tình trạng thức trắng đêm. Nhiều ngày tôi không ngủ được, hay tự nói chuyện một mình...". Nhiều bạn đã phải trả giá.

Kỳ tới: Thiếu ngủ đến mức phải đi tìm bác sĩ tâm lý

Những người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 2: Đời là vạn ngày sầu, ngủ sớm làm gì?Những người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 2: Đời là vạn ngày sầu, ngủ sớm làm gì?

Nửa đêm, các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê mở 24h tại TP Thủ Đức (TP.HCM) vẫn còn những bạn trẻ "ngồi đồng". Ở các quán nhậu, nhiều người trẻ cũng đang tưng bừng với ly bia sóng sánh và nói thẳng tưng "đời là vạn ngày sầu, ngủ sớm làm gì?".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên