01/02/2022 09:04 GMT+7

Những phát hiện khoa học gây bất ngờ

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Làm sao đọc được những bức thư niêm phong mà không cần mở? Con người có thể hợp nhất với AI trong tương lai?... Những phát hiện khoa học dưới đây đã khiến nhiều người bất ngờ.

Những phát hiện khoa học gây bất ngờ - Ảnh 1.

Di chỉ khảo cổ tiệm bán đồ ăn nhanh ở Pompeii, Ý - Ảnh: LUIGI SPINA/AFP VIA GETTY

Năm 2021 ghi nhận nhiều thành tựu khoa học quốc tế nổi bật, trong đó có những phát hiện gây "sốc", gợi mở các kiến thức mới mẻ, bất ngờ và thú vị.

* Tiệm ăn nhanh 2.000 năm tuổi

Năm qua, người ta đã phát hiện di chỉ khảo cổ của một tiệm ăn nhanh có niên đại 2.000 năm tại TP Pompeii (Ý) được bảo tồn khá tốt dưới lớp tro bụi núi lửa trong vài thế kỷ.

Sau 2.000 năm "đóng cửa", tiệm đồ ăn nhanh này đã được "mở" lại với du khách ngày 12-8 năm ngoái.

Tờ Business Insider cho biết khu vực quầy hàng và phần xung quanh được tìm thấy tại khu di chỉ khảo cổ Regio V thuộc thành Rome. Đây là nơi từng phục vụ những món ăn từ thịt heo, cá, ốc sên và thịt bò, căn cứ vào những gì tìm thấy ở đó.

Sau khi núi lửa Vesuvius phun trào năm 79 sau Công nguyên, Pompeii bị vùi chôn hoàn toàn trong tro bụi núi lửa. Khoảng từ 2.000 - 15.000 người qua đời trong thảm họa này và toàn bộ cuộc sống của họ, trong đó có tiệm ăn nhanh này, đã được giữ nguyên trạng trong tro núi lửa.

Kể từ khi khu di chỉ được khám phá vào thế kỷ 16, các nhà khảo cổ đã khai quật được khoảng 2/3 các điểm khảo cổ.

* Không cần mở vẫn đọc được thư niêm phong

Những phát hiện khoa học gây bất ngờ - Ảnh 2.

Kỹ thuật niêm phong thư dùng nhiều cách gấp phức tạp để đảm bảo thư không bị bóc trộm vì nếu bóc ra sẽ bị rách - Ảnh: UNLOCKING HISTORY RESEARCH GROUP

Vài trăm năm trước, để giữ bí mật các thư từ, tài liệu mật, người ta thường có những cách gấp, gài, cuộn giấy rất phức tạp một bức thư. Cách "khóa thư" kiểu đó khiến những người tò mò không dám mở vì có thể làm rách lá thư.

Nhưng năm qua, với sự trợ giúp của công nghệ thế kỷ 21, các nhà khoa học đã dùng tia X và kỹ thuật hình ảnh 3D để đọc được nội dung các "mật thư" đó mà không cần mở chúng ra.

Thành tựu này đã được mô tả trong bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nature Communications với việc "mở" 4 bức thư trong chiếc rương Brienne Collection đựng 2.600 thư từ gửi từ châu Âu tới Hague (Hà Lan) giai đoạn 1689 - 1706.

Cụ thể, họ dùng máy chiếu tia X có thể tạo ra hình ảnh 3 chiều giống như hình ảnh khi chụp chiếu y khoa. Sau đó, họ dùng các máy tính để phân tích các nếp gấp và tạo ra hình ảnh số hóa để đọc được bức thư đó ở dạng được mở ra.

"Những bức thư trong rương rất sâu sắc, chúng kể các câu chuyện quan trọng về gia đình, sự mất mát, tình yêu và tôn giáo", ông Daniel Starza Smith, sử gia tại trường King’s College London, đồng tác giả nghiên cứu công nghệ "đọc thư không cần mở" nói với trang Wired.

* Khỉ chơi game bằng "cái đầu" của nó

Những phát hiện khoa học gây bất ngờ - Ảnh 3.

Khỉ Pager chơi game bằng chính suy nghĩ của nó - Ảnh: NEURALINK

Trong tháng 4-2021 Công ty Neuralink của tỉ phú Elon Musk đã chia sẻ đoạn video gây sốc khi chiếu cảnh một con khỉ đang chơi video game. Điều khiến đặc biệt là con khỉ đó đang chơi game bằng "tư duy" của chính nó.

Neuralink đang hợp tác phát triển các thiết bị cho phép mọi người điều khiển bằng bộ não của họ. Ý tưởng này giống như phim khoa học viễn tưởng, nhưng thực tế Neuralink đã chứng minh được một số tiến bộ công nghệ trong việc thực hiện điều tương tự với các loài vật khác, như heo chẳng hạn.

Video khỉ Pager chơi game - Nguồn: CNET

Con khỉ trong video tên là Pager. Nó có 2 thiết bị đặc biệt có tên "Link" do Neuralink phát triển được một bác sĩ phẫu thuật gắn vào trong não. Những thiết bị này được kết nối với 2.048 sợi vi mạch giúp các phần trong não Pager có thể điều khiển cử động của cánh tay và bàn tay.

* Thiên thạch "già" hơn các hành tinh trong hệ mặt trời

Những phát hiện khoa học gây bất ngờ - Ảnh 5.

Thiên thạch dạng hình cầu carbon, chỉ có 51 mẫu thiên thạch cùng loại này trong số 65.000 thiên thạch được tìm thấy trên thế giới cho tới nay - Ảnh: NATURAL HISTORY MUSEUM

Ngày 28-2-2021, một tảng thiên thạch hiếm đã rơi xuống ngay lối lái xe vào nhà của một gia đình ở Winchcombe, Anh. Hàng ngàn người đã nhìn thấy khoảnh khắc kéo dài khoảng 6 giây khi tảng đá trời này xé khí quyển lao xuống đất, như một quả cầu lửa giữa không trung.

Đây là thiên thạch đầu tiên tiếp đất nguyên vẹn tại Vương quốc Anh trong 31 năm, và cũng là một kiểu thiên thạch hiếm đã được giới khoa học xác định có tuổi đời khoảng 4,5 tỉ năm trước. Hiện nó đang được giữ lại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Anh) để các nhà khoa học dùng nó nghiên cứu về hệ mặt trời thuở sơ khai.

Video người dân ghi lại được trong ngày 28-2-2021 khi thiên thạch hiếm rơi xuống nước Anh - Nguồn: Guardian

Theo phân loại, đây là thiên thạch dạng hình cầu carbon, một loại hiếm có niên đại lớn hơn các hành tinh khác trong hệ mặt trời. trong số khoảng 65.000 thiên thạch tìm thấy trên toàn thế giới, chỉ 51 cái thuộc kiểu loại này. Và đây là thiên thạch đầu tiên loại này rơi xuống Vương quốc Anh.

"Chúng tôi nghiên cứu chúng để biết hệ mặt trời của chúng ta đã hình thành như thế nào và nguồn gốc của những hành tinh có thể sinh sống được như Trái đất", chuyên gia thiên thạch Ashley King của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên nói với báo New Scientist.

Vi nhựa đã tấn công Bắc Cực

Phát hiện khoa học thú vị  - Ảnh 2.

Rác thải nhựa đã có mặt ở những nơi xa nhất của quả đất và còn tiếp tục tăng theo thời gian - Ảnh: Oceanconservancy

Trong năm qua, báo cáo khoa học của tổ chức bảo tồn đại dương Ocean Wise (tại Canada) thông báo phát hiện gây sốc khi nhận thấy các hạt vi nhựa bằng cách nào đó đã tới được những nơi xa xôi nhất của quả đất: Bắc Cực.

Trang Theweathernetwork cho biết mỗi năm hàng tỉ tỉ những hạt vi nhựa nhỏ cỡ vài milimet này đang xâm nhập Bắc Băng Dương - đại dương nhỏ nhất trong năm đại dương của Trái đất, bao quanh cực Bắc, nơi băng tuyết bao phủ hoàn toàn vào mùa đông và một phần quanh năm.

Trong số 71 mẫu nước do nhóm nghiên cứu của Ocean Wise thu thập tại nhiều vùng khác nhau Bắc Băng Dương, có 70 mẫu chứa vi nhựa.

Các nhà khoa học phát hiện trên 220 loài mới tại khu vực sông Mekong Các nhà khoa học phát hiện trên 220 loài mới tại khu vực sông Mekong

Con khỉ với lông màu trắng bao quanh đôi mắt là một trong 224 loài mới được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ghi nhận tại vùng sông Mekong.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên