02/10/2023 09:43 GMT+7

Nước Mỹ bước tiếp trong khủng hoảng

Lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 30-9 (giờ địa phương) đã nỗ lực đạt được một sự đồng thuận hiếm thấy khi thông qua dự luật chi tiêu ngân sách khẩn cấp vào phút cuối trước thời hạn phải đóng cửa Chính phủ Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trao đổi với phóng viên sau khi Hạ viện thông qua dự luật, mở đường ngăn chính phủ đóng cửa vào ngày 30-9 - Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trao đổi với phóng viên sau khi Hạ viện thông qua dự luật, mở đường ngăn chính phủ đóng cửa vào ngày 30-9 - Ảnh: REUTERS

Dự luật ngay sau đó đã được Tổng thống Joe Biden ký thành Đạo luật H.R. 5680, phân bổ nguồn lực tài chính ngắn hạn giúp chính phủ hoạt động thêm 45 ngày (đến 17-11).

Hai phương án thất bại

Mặc dù việc thông qua ở Hạ viện lần này lại cho thấy nhiều kịch bản rủi ro đối với khả năng tại vị của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy khi chấp nhận phương án vận động "lá phiếu đến từ Đảng Dân chủ", nhưng tình hình chính trường nước Mỹ thực tế đã có nhiều dấu hiệu đảo chiều theo hướng khởi sắc hơn.

Trong đó, mặc dù Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện nhưng thực tế chỉ chiếm "đa số hẹp" 221 trong tổng số 435 ghế. Vì vậy, 53 ghế của dân biểu Cộng hòa theo đường lối cứng rắn tạo áp lực rất lớn cho các nỗ lực vận động của ông McCarthy.

Áp lực này càng lớn khi cuộc bỏ phiếu về ngân sách chi tiêu khẩn cấp yêu cầu phải có sự ủng hộ của trên 2/3 thành viên Hạ viện. Nghĩa là ông McCarthy buộc phải lựa chọn cẩn thận các nội dung nghị sự thể theo yêu cầu của phe cứng rắn trong Đảng Cộng hòa và nhóm quan điểm cấp tiến được Đảng Dân chủ chú ý.

Về cơ bản, có ba vấn đề quan trọng đối với việc chi tiêu ngân sách tạm thời gây chia rẽ lớn giữa hai đảng. Đầu tiên là mức trợ cấp an sinh xã hội (phe cứng rắn của Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm mạnh). Kế đến là chi tiêu đảm bảo an ninh biên giới phía nam (Đảng Dân chủ phản đối) và cuối cùng là viện trợ cho Ukraine (phe Cộng hòa phản đối). Ông McCarthy đã khéo léo sử dụng phương pháp loại trừ từ "có tất cả", "giảm tất cả" đến cuối cùng là "lấy một, bỏ một".

Do đó khi phương án "có tất cả" bị loại trừ, ông McCarthy đã nhanh chóng triển khai một phương án "giảm tất cả" khi chỉ gia hạn thêm 30 ngày để cắt giảm nguồn tài trợ từ mức hiện tại và bao gồm cả các chính sách biên giới nghiêm ngặt do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Thậm chí trong nhiều tuần ông McCarthy đã từ chối xem xét bất kỳ dự luật chi tiêu nào cần sự ủng hộ của Đảng Dân chủ nhằm vận động tối đa số phiếu từ nhóm cứng rắn nói riêng và Đảng Cộng hòa nói chung.

Phương án này lập tức thất bại khi không chỉ gặp sự phản đối áp đảo từ tất cả các thành viên Đảng Dân chủ mà còn từ 21 nghị sĩ Đảng Cộng hòa với số phiếu chống lên đến con số 232. 198 phiếu thuận từ các thành viên Đảng Cộng hòa còn lại thực sự không đủ cho cuộc bỏ phiếu vào ngày 29-9.

Một đồng thuận, nhiều rủi ro

Sự thất bại của hai phương án "có tất cả" và "giảm tất cả" nói trên đã cho thấy nỗ lực vận động nhóm cứng rắn thật sự không hiệu quả so với phương án "vận động lá phiếu từ Đảng Dân chủ". 

Cuối cùng, ngay trong ngày cuối cùng trước thời hạn đóng cửa Chính phủ Mỹ, chuyển đổi từ chủ trương "không để trống" vấn đề Ukraine sang chống lại quan điểm "đặt Ukraine lên trước Mỹ", ông McCarthy đã quyết đoán đưa phương án cuối "lấy một, bỏ một" khi duy trì mức trợ cấp và các chương trình an sinh xã hội hiện tại của Đảng Dân chủ nhưng buộc đảng này tạm bỏ qua khoản viện trợ 24 tỉ USD cho Ukraine. 

Khi làm như vậy, ông cũng đã gián tiếp "đóng cửa" dự thảo của Thượng viện mà lẽ ra sẽ chuyển 6 tỉ USD cho Ukraine, bằng một phần tư yêu cầu ban đầu.

Phương án này nhận được sự ủng hộ áp đảo ở cả lưỡng viện và chỉ có duy nhất một nghị sĩ Đảng Dân chủ bỏ phiếu chống ở Hạ viện. Với tỉ lệ 335 phiếu thuận/91 phiếu chống, dự luật chi tiêu khẩn cấp được thông qua đã cô lập hoàn toàn khả năng "để mặc chính phủ đóng cửa" của nhóm cứng rắn trong phe Cộng hòa.

Cuộc vận động lần này có thể là giải pháp chính trị của ông McCarthy trước bối cảnh chia rẽ đảng phái ngày càng quyết liệt, cho thấy khả năng xử lý các bất đồng nội bộ của Đảng Cộng hòa, đặc biệt đối với các thành viên có đường lối cứng rắn.

Các dân biểu cứng rắn đã phẫn nộ với ông McCathy và viễn cảnh đệ trình yêu cầu bỏ phiếu phế truất ông có thể không chỉ là lời đe dọa. Và gần như chắc chắn phía Dân chủ sẽ tận dụng tình huống này để đạt thêm sự nhượng bộ và làm giảm đi ảnh hưởng từ phía Đảng Cộng hòa ở Hạ viện.

Không chỉ vậy, thật khó để khẳng định ông McCarthy sẽ bảo trợ cho các cuộc bỏ phiếu sắp tới ở Hạ viện về vấn đề hỗ trợ cho Ukraine bên ngoài khoản ngân sách chi tiêu khẩn cấp lần này.

Ông McCarthy thực tế chỉ chưa bao giờ nói rằng ông sẽ không hỗ trợ việc viện trợ cho Ukraine. Việc này khả năng sẽ được đưa vào phân bổ ngân sách cả năm mà Quốc hội dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, và nhóm dân biểu Cộng hòa cứng rắn có thể sẽ lại tiếp tục làm "dậy sóng" tranh biện trong Đảng Cộng hòa.

Do đó tuy cuộc vận động của ông McCarthy hiện tại đã có kết quả giúp Chính phủ Mỹ một lần nữa thoát khỏi nguy cơ đóng cửa, nhưng sự đoàn kết "chớp nhoáng" giữa hai đảng trong Hạ viện cũng như khả năng thống nhất lập trường nội bộ Đảng Cộng hòa không hề bền vững.

Những chuyển biến tiếp theo trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm sau vì vậy sẽ chịu tác động rất lớn nếu chính trường nước này vẫn tiếp tục bất ổn.

Ngay sau khi ký Đạo luật H.R. 5680, Tổng thống Biden đã ra thông cáo nhắc nhở về hành vi của "các đảng viên Cộng hòa quá khích". Trong thông cáo, ông Biden khẳng định nhóm "quá khích" nói trên muốn gây áp lực đòi cắt giảm đến 30% mức trợ cấp an sinh xã hội hiện tại và điều này sẽ làm "tổn hại đến hàng triệu người Mỹ".
Lưỡng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chính phủ đóng cửaLưỡng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chính phủ đóng cửa

Ngày 30-9 giờ địa phương, một ngày trước hạn chót 1-10, Hạ viện và Thượng viện Mỹ cùng thông qua một dự luật ngăn chính phủ đóng cửa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên