03/12/2020 17:26 GMT+7

Ông Obama: 'Tôi ngán COVID-19 và sẽ hăng hái tiêm vắc xin'

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngày 2-12, cựu Tổng thống Barack Obama cho biết ông sẽ hăng hái tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay khi tiêm chủng rộng rãi được tiến hành.

Ông Obama: Tôi ngán COVID-19 và sẽ hăng hái tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Cựu tổng thống Barack Obama - Ảnh: Getty Images

"Tôi sẽ tiêm chứ, tôi có thể sẽ lên truyền hình với hình ảnh về quá trình tiêm vắc xin để khẳng định với mọi người là tôi tin tưởng vào khoa học này" - cựu Tổng thống Obama chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn phát trong ngày 3-12.

"Điều tôi ngán ngại chính là bị nhiễm COVID-19" - ông Obama nói. 

Tâm lý nguy hiểm

Theo CNBC, phát biểu của ông Obama đưa ra trong bối cảnh nhiều cuộc thăm dò cho thấy nhiều người vẫn Mỹ hoài nghi về việc tiêm vắc xin COVID-19 và tâm lý này có khả thể gây nguy hiểm cho các nỗ lực tiêm chủng của Mỹ sắp tới đây.

Theo thống kê mới nhất, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 279.865 người Mỹ. 

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, những sắc dân da màu dường như ít hào hứng với vắc xin hơn. Một khảo sát thực hiện vào tháng 9-2020 của trung tâm nghiên cứu Pew cũng có gần 50% người tham gia cho biết họ chắc chắn hoặc nhiều khả năng không tiêm vắc xin.

Những người hoài nghi còn ngờ vực về tính an toàn của vắc xin và lo ngại các cơ quan quản lý có bị áp lực để phê duyệt vắc xin trước khi nó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Obama nhắc lại nghiên cứu có tên Tuskegee, một nghiên cứu vô đạo đức thực hiện từ năm 1932-1972, vẫn còn gây ám ảnh với cộng đồng người da đen. 

Trong nghiên cứu Tuskegee, (tên một địa phương ở bang Alabama nơi nghiên cứu diễn ra), những người đàn ông da đen mắc bệnh giang mai đã không được điều trị trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi thuốc kháng sinh diệt khuẩn penicillin xuất hiện vào những năm 1940, nhằm nghiên cứu ảnh hưởng lâu dài của bệnh giang mai nếu không được điều trị.

"Tôi hiểu, về lịch sử, mọi thứ có nguồn gốc từ thời người ta làm nghiên cứu Tuskegee nên cộng đồng người Mỹ gốc Phi vẫn hoài nghi đến hôm nay. Nhưng thực tế là, nhờ vắc xin mà chúng ta không còn bệnh bại liệt. Và vắc xin là lý do tại sao chúng ta không có nhiều trẻ em phải chết vì bệnh sởi, bệnh đậu mùa và những căn bệnh đã từng tàn phá dân số và cộng đồng".

Tự nguyện hay ép buộc? 

Người đứng đầu chiến dịch Operation Warp Speed của Mỹ đã công bố lộ trình tham vọng nhằm tiêm vắc xin phòng COVID-19 rộng rãi ở Mỹ. 

Theo đó, đến cuối tháng 2-2021, hơn 100 triệu người sẽ được tiêm vắc xin theo lộ trình: 20 triệu người được tiêm vào tháng 12-2020, 30 triệu người vào tháng 1-2021 và 50 triệu người vào tháng 2-2021. Đến giữa năm 2021 thì đại đa số người Mỹ sẽ được tiếp cận với vắc xin.

Theo Reuters, theo luật, các công ty tư nhân ở Mỹ có quyền buộc nhân viên phải được tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng họ cũng không có nhiều khả năng thực hiện quyền này vì các rủi ro pháp lý và cản trở về văn hóa xã hội.

Các chuyên gia nhận định bất cứ yêu cầu bắt buộc tiêm vắc xin nào cũng sẽ bị đối đầu với các đơn kiện cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo. Các vụ kiện này có thể đưa ra Tòa án Tối cao Mỹ nơi tỉ lệ các thẩm phán bảo thủ chiếm phần hơn. 

Công ty Ford Motor Co cho biết họ dự kiến sẽ để người lao động tự nguyện tiêm vắc xin chứ không ép buộc.

Cạnh tranh vắcxin ngừa COVID-19, người dùng hưởng lợi Cạnh tranh vắcxin ngừa COVID-19, người dùng hưởng lợi

TTO - Cùng với cuộc đua phát triển vắcxin ngừa COVID-19 giữa các nước, đang có một cuộc cạnh tranh về giá bán vắcxin giữa các nhà phát triển, một sự cạnh tranh mà ít nhất nhìn từ góc độ thị trường sẽ mang lại lợi ích cho người dùng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên