15/04/2024 19:30 GMT+7

Philippines không cho Mỹ tiếp cận thêm căn cứ

Dưới một hiệp ước phòng thủ chung, Philippines năm 2023 đã tăng số lượng căn cứ mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận từ 5 lên 9, với các địa điểm mới nằm gần các điểm nóng tiềm tàng.

Quân đội Mỹ theo dõi các học viên quân sự Philippines huấn luyện tại một căn cứ hải quân ở tỉnh Zambales, Philippines tháng 4-2023 - Ảnh: REUTERS

Quân đội Mỹ theo dõi các học viên quân sự Philippines huấn luyện tại một căn cứ hải quân ở tỉnh Zambales, Philippines tháng 4-2023 - Ảnh: REUTERS

Ngày 15-4, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết Manila không có kế hoạch cấp cho Mỹ quyền tiếp cận thêm căn cứ quân sự của Philippines.

Theo đó, Philippines vào năm 2023 đã tăng số lượng căn cứ mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận từ 5 lên 9, với các địa điểm mới nằm gần các điểm nóng tiềm tàng. Trung Quốc khi đó cáo buộc Philippines làm "châm ngòi căng thẳng".

"Câu trả lời cho chuyện này là không", ông Marcos trả lời câu hỏi liệu Philippines có cấp quyền cho Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ hơn.

"Philippines không có kế hoạch xây dựng căn cứ mới, hay cấp quyền tiếp cận thêm cho bất kỳ căn cứ nào", ông Marcos phát biểu tại một diễn đàn với nhiều nhà báo nước ngoài.

Vào tháng 2-2023, trong khuôn khổ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự.

3 trong số 4 căn cứ này có mặt hướng về phía bắc - hướng về đảo Đài Loan. Một căn cứ nữa nằm gần quần đảo Trường Sa (Việt Nam), khu vực mà Manila và Bắc Kinh thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ trên biển.

Trước đó vào hôm 11-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã bày tỏ quan ngại về "hành vi nguy hiểm và hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông".

Thời gian qua, các cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines đã khiến căng thẳng tại khu vực Biển Đông leo thang. 

Nổi bật trong số này là hai lần tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, lần lượt vào ngày 5 và 23-3.

Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ với Biển Đông, bất chấp sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Philippines và Mỹ.

Tại diễn đàn ngày 15-4, Tổng thống Philippines cho biết sự hợp tác giữa Mỹ - Nhật - Philippines không "nhắm trực tiếp hay chống lại bất kỳ ai", nhưng đơn thuần là sự tăng cường quan hệ giữa ba quốc gia.

Theo Hãng tin Reuters, tranh chấp ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Philippines cũng khiến Philippines gặp khó khăn trong việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông, dù cả hai quốc gia đã có một thỏa thuận nối lại đàm phán cho việc thăm dò chung.

"Khi chúng tôi nói rằng chúng tôi muốn thăm dò, họ nhấn mạnh rằng các vùng này thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và vì vậy luật pháp Trung Quốc phải được áp dụng", ông Marcos nói.

"Chúng tôi tất nhiên không chấp nhận điều đó. Chúng tôi nói đây là lãnh thổ Philippines, và luật pháp Philippines phải được áp dụng", ông Marcos nói thêm.

Hải cảnh Trung Quốc chặn tàu Philippines ở ranh giới Hải cảnh Trung Quốc chặn tàu Philippines ở ranh giới 'đường chín đoạn'

Báo Financial Times đưa tin tàu hải cảnh Trung Quốc tối 13-4 lần đầu tiên chặn tàu Philippines ở ranh giới 'đường chín đoạn' (còn gọi là đường lưỡi bò) do Bắc Kinh tự vẽ ra ở Biển Đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên