02/11/2023 15:39 GMT+7

Quân đội Myanmar mất quyền kiểm soát thị trấn sát biên giới Trung Quốc

Sau nhiều ngày đụng độ với 3 nhóm vũ trang sắc tộc, quân đội Myanmar đã mất quyền kiểm soát một thị trấn chiến lược giáp với Trung Quốc.

Thủ lĩnh Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) chỉ đạo giao tranh với quân đội Myanmar ở phía bắc bang Shan, ngày 27-10 - Ảnh: AFP

Thủ lĩnh Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) chỉ đạo giao tranh với quân đội Myanmar ở phía bắc bang Shan, ngày 27-10 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin AFP, kể từ ngày 27-10, giao tranh giữa Myanmar và 3 nhóm vũ trang sắc tộc đã nổ ra trên khắp bang Shan. Đây là nơi dự kiến xây tuyến đường sắt trị giá hàng tỉ USD, một phần của dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

"Liên minh 3 anh em" gồm Đội quân dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) thông báo đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Myanmar với Trung Quốc.

Cuối ngày 1-11, ông Zaw Min Tun - phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar - cho biết "chính quyền, các tổ chức hành chính và an ninh không còn hiện diện tại thị trấn Chinshwehaw (thuộc bang Shan)", giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Theo ông Zaw Min Tun, các cuộc đụng độ đã xảy ra tại 10 địa điểm trên khắp bang Shan trong 6 ngày qua. Thương vong không được tiết lộ.

Phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc 3 nhóm vũ trang sắc tộc "cho nổ các nhà máy điện, cầu và các tuyến đường giao thông".

Một người dân ở thị trấn Hsenwi nói với Hãng tin AFP trong ngày 2-11 rằng họ có thể nghe thấy tiếng giao tranh, dù nơi họ đang ở cách Chinshwehaw khoảng 90km.

Người này cho biết đường truyền Internet không ổn định và hàng ngàn người từ Chinshwehaw đã đến Hsenwi để lánh nạn.

Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại khi hàng ngàn người đã phải di dời, trong đó một số người chạy trốn qua biên giới Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng 3 nhóm vũ trang sắc tộc AA, MNDAA và TNLA có thể huy động ít nhất 15.000 chiến binh. Liên minh 3 nhóm này thường xuyên giao tranh với quân đội Myanmar, giành quyền kiểm soát tài nguyên.

Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (trái) gặp Thống tướng Min Aung Hlaing - người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - ở thủ đô Naypyidaw, ngày 31-10 - Ảnh: AFP

Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (trái) gặp Thống tướng Min Aung Hlaing - người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - ở thủ đô Naypyidaw, ngày 31-10 - Ảnh: AFP

Ngày 31-10, Bộ trưởng Công an Trung Quốc - ông Vương Tiểu Hồng đã gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing, ở thủ đô Naypyidaw. Hai bên đã thảo luận về vụ giao tranh ở biên giới.

Theo Hãng tin AFP, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar. Hơn 1/4 tổng giá trị thương mại biên giới trị giá 1,8 tỉ USD của Myanmar với Trung Quốc từ tháng 4 đến tháng 9-2023 đi qua thị trấn Chinshwehaw.

Bắc Kinh duy trì mối quan hệ với một số nhóm vũ trang sắc tộc dọc biên giới với Myanmar. Tại những nơi này, cộng đồng người Hoa sử dụng thẻ sim và tiền tệ Trung Quốc.

Bắc Kinh trước đây đã phủ nhận các cáo buộc rằng họ cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang.

Trung Quốc là đồng minh hàng đầu và là nhà cung cấp vũ khí chính của chính quyền quân sự Myanmar. Trung Quốc đã từ chối xem cuộc binh biến giành chính quyền vào năm 2021 ở Myanmar là đảo chính.

Quân đội Myanmar lên tiếng về cáo buộc tấn công trại di tản khiến 29 người chếtQuân đội Myanmar lên tiếng về cáo buộc tấn công trại di tản khiến 29 người chết

Nhóm nổi dậy Quân đội độc lập Kachin (KIA) kiểm soát bang Kachin ở phía bắc Myanmar đã báo cáo một vụ tấn công quân sự khiến 29 người chết, bao gồm cả trẻ em, trong đêm 9-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên