Theo báo New York Times, cuộc họp có vẻ giống như một hội nghị bí mật của Liên Hiệp Quốc, ít người biết đến. Tuy nhiên các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, chiến lược quân sự, giải trừ quân bị và luật nhân đạo rất chăm chú theo dõi hội nghị.
CCW được gọi là Công ước về vũ khí vô nhân đạo. Đó là một khuôn khổ các quy tắc cấm hoặc hạn chế các loại vũ khí được coi là gây ra đau khổ không cần thiết, không chính đáng và bừa bãi. Chẳng hạn, như chất nổ gây cháy, tia laze chói mắt và bẫy bom mìn không phân biệt giữa các lực lượng chiến đấu và thường dân. Công ước lại không có điều khoản nào dành cho robot sát thủ.
Robot sát thủ
Với sự xuất hiện của hệ thống vũ khí robot sát thủ, hàng loạt vấn đề kiểm soát, đạo đức được đặt ra, như: Các quốc gia nên làm gì? Điều chỉnh hoặc cấm chúng?
Về mặt kỹ thuật, các robot sát thủ được gọi là Hệ thống vũ khí tự động giết người, bao gồm máy bay không người lái, súng và bom tự động, với bộ não nhân tạo có thể tự quyết định tấn công và giết người.
Hiện nay, hệ thống vũ khí sát thủ tự động này được phát minh và thử nghiệm với tốc độ nhanh chóng mà không có sự giám sát chặt chẽ. Một số nguyên mẫu, thậm chí đã được sử dụng trong các cuộc xung đột thực tế.
Vào tháng 3, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc cho biết một "hệ thống vũ khí tự động giết người" đã được các lực lượng được chính phủ hậu thuẫn ở Libya sử dụng, để chống lại các chiến binh dân quân.
Sự phát triển của những cỗ máy sát thủ này được coi là một sự kiện địa chấn, tương tự như việc phát minh ra thuốc súng và bom hạt nhân.
Sát thủ không có lòng trắc ẩn
Các nhà phê bình cho rằng thật đáng khinh thường về mặt đạo đức khi giao việc đưa ra quyết định giết người cho máy móc, bất kể sự tinh vi của công nghệ.
Làm thế nào một cỗ máy phân biệt người lớn với trẻ em, một chiến binh với súng bazooka với một dân thường với một cây chổi, một chiến binh thù địch với một người lính bị thương hoặc đầu hàng?
"Về cơ bản, các hệ thống vũ khí tự động gây ra mối quan tâm đạo đức cho xã hội, về việc thay thế các quyết định của con người về sự sống và cái chết bằng các quy trình cảm biến, phần mềm và máy móc", Peter Maurer, chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, nói tại Hội nghị Geneve.
Trước hội nghị, Tổ chức Theo dõi nhân quyền của Trường Luật Harvard đã kêu gọi tiến hành các bước hướng tới một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, đòi hỏi sự kiểm soát của con người với loại vũ khí sát thủ này.
"Robot sát thủ sẽ thiếu lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, lòng thương xót và sự phán xét cần thiết để đối xử nhân đạo với con người. Chúng không thể hiểu được giá trị vốn có của cuộc sống con người", các nhóm lập luận trong một bài báo ngắn gọn để ủng hộ các khuyến nghị của họ.
Mỹ - Nga nói gì?
Nga nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào về giới hạn vũ khí robot phải được sự nhất trí của Nga.
Mỹ lập luận rằng các luật quốc tế hiện hành là đủ và việc cấm công nghệ vũ khí tự trị sẽ là quá sớm. Trưởng đại biểu Mỹ tham dự hội nghị, ông Joshua Dorosin, đề xuất một "quy tắc ứng xử" không ràng buộc đối với việc sử dụng robot sát thủ.
Ý tưởng của Mỹ bị những người ủng hộ việc giải trừ vũ khí robot sát thủ bác bỏ. Họ coi như một chiến thuật trì hoãn của Mỹ.
Ông Franz-Stefan Gady, một thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho biết "cuộc chạy đua vũ trang cho các hệ thống vũ khí tự động đang được tiến hành và sẽ không sớm bị hoãn lại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận