08/11/2020 08:02 GMT+7

Sắc thái lãnh đạo Biden

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Cuối cùng sau cuộc đua kịch tính và sít sao với Tổng thống đương nhiệm Trump, ông Joe Biden đã hoàn thành giấc mơ hơn 30 năm để trở thành chủ nhân Nhà Trắng của mình.

Sắc thái lãnh đạo Biden - Ảnh 1.

Ông Biden và phó tướng Harris tại cuộc họp báo thông báo kết quả bầu cử ngày 7-11 ở Delaware - Ảnh: REUTERS

Với kết quả đã an bài, công chúng Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới sẽ bắt đầu phải tìm hiểu và làm quen với một vị tổng thống mới, một sắc thái lãnh đạo mới.

Khác với người tiền nhiệm Donald Trump từ một kẻ ngoại đạo bước vào chính trường, với gần 50 năm hoạt động chính trị, trong đó 8 năm trên cương vị phó tổng thống dưới thời ông Obama, tư duy chính trị cũng như sắc thái lãnh đạo của ông Biden đã được định hình và có lẽ không còn xa lạ với nhiều người.

Không khó để nhận thấy ông Biden sẽ là sự tương phản và đối nghịch hoàn toàn với sắc thái Trump trước đó. Nhưng cũng không vì thế mà sắc thái Biden sẽ là bản sao 2.0 của tổng thống Obama.

Thời thế năm 2020 đã khác, không còn là năm 2008 khi ông Biden đặt chân vào Nhà Trắng và nhất là với việc không còn đứng trong cái bóng phó tổng thống, chắc hẳn ông Biden sẽ tìm cách để lại những dấu ấn của riêng mình.

Một mặt ông Biden sẽ quay trở lại dáng dấp của một "chính trị gia truyền thống", một "tổng thống kinh điển" của nước Mỹ. Sẽ không có những phát ngôn và hành động bột phát, ngẫu hứng, gây tranh cãi và thậm chí đôi khi cực đoan của người tiền nhiệm.

Ở ông Biden sẽ có sự chừng mực nhất định của người lãnh đạo giữ cương vị đứng đầu đất nước.

Nền chính trị Mỹ vì thế sẽ ổn định, ít thay đổi và ít chia rẽ hơn nhưng cũng sẽ không còn sự thú vị và tính đột biến của thời kỳ Trump. Các chính sách và quyết định dưới thời Biden sẽ được tính toán một cách cẩn trọng, tính đồng thuận sẽ được đề cao.

Các quyết sách này vì thế sẽ ôn hòa và có sự nhất quán hơn, nhưng lại cũng mất đi tính bất ngờ, quyết liệt của thời kỳ trước đó.

Hai là lối chơi của ông Biden sẽ mang nhiều "tính tập thể", khác màu sắc cá nhân của người tiền nhiệm. Ông Biden sẽ có những chủ ý của riêng mình nhưng cũng sẽ dựa nhiều vào đội ngũ cố vấn trong việc đưa ra quyết sách.

Quan hệ giữa Nhà Trắng với các nhánh quyền lực đối trọng như quốc hội, tòa án hay báo chí, dù không thể tránh khỏi, nhưng sẽ được kỳ vọng bớt gay gắt hơn.

Hơn 30 năm là thượng nghị sĩ, trong đó 8 năm đóng vai trò cầu nối giữa Nhà Trắng và Quốc hội trên cương vị phó tổng thống, ông Biden hiểu rõ cách vận hành của Quốc hội Mỹ cũng đã tạo dựng được mối quan hệ với nhiều nghị sĩ kỳ cựu của Đảng Dân chủ cũng như Cộng hòa, khác với Tổng thống Trump vốn xa lạ với những màn đàm phán, thỏa hiệp và nhân nhượng trong Quốc hội.

Ba là hoàn cảnh sẽ buộc ông Biden phải đóng vai trò một tổng thống "đoàn kết và hòa giải". Với việc nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị, xã hội, sắc tộc... các cử tri đã lựa chọn thông điệp đưa nước Mỹ trở lại "bình thường" cũng như những cam kết về sự hàn gắn và hòa hợp mà ông Biden đã hứa mang lại.

Sau một cuộc đua sít sao và gay gắt để lại không ít bất bình và đối đầu với các cử tri và chính trị gia Cộng hòa, ông Biden cũng sẽ không thể không chìa cành ô liu hòa giải nếu muốn đất nước đi vào ổn định.

Xét cho cùng di sản nhiệm kỳ này của ông Biden sẽ được phán xét không chỉ bởi việc ông có đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng mà còn bởi việc ông có thể hàn gắn những đổ vỡ hiện có trong xã hội Mỹ.

Cuối cùng về đối ngoại, ông Biden sẽ phần nào quay trở lại thời kỳ trước Trump, "chọn đối thoại thay vì đối đầu". Quan hệ với các đồng minh sẽ được cải thiện, hòa giải hơn với các đối thủ, quay trở lại với ngoại giao đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế…

Nhiều nước sẽ đón nhận thay đổi này một cách tích cực; nhưng cũng sẽ có những nước vốn đã quen với chính sách "nước Mỹ trên hết" sẽ phải bắt đầu lại với thời kỳ "hậu Trump" này.

Tuy nhiên thời thế của nước Mỹ năm 2020 cũng đã khác, tương quan so sánh giữa Mỹ với các nước cũng khác trước và với sự chuyển hướng trong tư duy đối ngoại từ thời ông Trump, nhiều thành tố đối ngoại hiện có sẽ được tiếp tục, dù ở mức độ này hay mức độ khác.

Trong quan hệ với các nước, nước Mỹ thời Biden sẽ khác với "nước Mỹ trên hết" của ông Trump nhưng cũng sẽ không còn là nước Mỹ của những năm trước đó.

Sắc thái lãnh đạo của Biden là sự bổ sung cho những gì không hoàn hảo của sắc thái Trump. Nhưng ngược lại, ông cũng sẽ cần kế thừa sự quyết đoán, quyết liệt của thời kỳ trước để hiện thực hóa những gì mà cử tri kỳ vọng.

Người dân Mỹ tràn ra đường ăn mừng chiến thắng của ông Biden Người dân Mỹ tràn ra đường ăn mừng chiến thắng của ông Biden

TTO - Người dân tại nhiều thành phố lớn của Mỹ đã tràn ra đường phố, đập nồi, khui sâm panh và reo hò để ăn mừng chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên