17/07/2019 20:07 GMT+7

Săn 'đồ độc' vỉa hè - Kỳ cuối: Thợ săn và ông già lạc xoong

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Dân săn “đồ độc” vỉa hè có đủ chiêu trò, thậm chí vận dụng cả binh pháp để mua bằng được đồ quý giá bèo. Nhưng sự đời ai ngờ có khi trở ngược, cao thủ vẫn sập bẫy ông già lạc xoong.

Săn đồ độc vỉa hè - Kỳ cuối: Thợ săn và ông già lạc xoong - Ảnh 1.

Nếu “hữu duyên” và sành sõi có thể mua được đồ tốt giá bèo trong đống đồ cũ - Ảnh: THÁI LỘC

Giữa chiều, tôi theo Nhân, một "thợ chạy" chuyên săn đồ cũ, rà xe máy ven lề đường Tân Phước, Q.11 (TP.HCM)...

Liếc em này, ẵm ẻm kia

Một thanh niên đẩy xe ba bánh đầy nhóc đồ dừng lại. Mấy "thợ chạy" cùng xúm vào xem đủ thứ lủ khủ, từ quạt máy, tivi, tranh ảnh, lẫn đồ gốm cũ kỹ chất trên xe.

Nhân nhanh tay đỡ toàn bộ số chậu và đôn gốm để một góc riêng, kiểu xí phần lô gốm này. "Nhiêu em trai?" - Nhân hỏi ngay. "Ba triệu rưỡi đúng giá".

"Ok, mua cho em trai mau mắn, mà thêm cho anh cái tượng nhỏ đó nha" - Nhân chỉ tay vào cái tượng gốm lẫn trong đám búp bê và đồ điện cũ. "Ok, anh trai". Mọi con mắt tiếc rẻ đổ dồn theo bức tượng gốm Cây Mai nhiều màu từ tay người bán chuyển sang Nhân...

Khi Nhân cởi chiếc áo gió gói bức tượng, nhiều tiếng xì xào "ngon, hên quá". Tiếc cũng phải, bởi hiện giá thị trường 8 cái chậu lớn nhỏ và 2 cái đôn gốm Biên Hòa mấy chục năm kia với giá 3,5 triệu đồng đã rẻ.

Riêng cái tượng cô gái gốm Cây Mai vẽ nhiều màu cao chừng 3 tấc nguyên vẹn, tuổi chắc trăm năm, giá có thể vài chục triệu bạc.

Thật ra, Nhân chơi chiêu. Đồ xin thêm lại là đối tượng chính để mua hàng là mánh lới của "thợ săn". Nếu kẻ bán không khuyến mãi thêm món này, món kia thì "không đời nào xỉa tiền ra".

Phần nhiều mánh này rơi vào trường hợp mua đồ xưa vàng thau lẫn lộn, lợi dụng sự thiếu hiểu biết giá trị của người bán...

Tuy nhiên, với mánh lới trên, lắm "thợ săn" cao thủ cũng bị "gậy ông đập lưng ông". C.H., một tay buôn cứng cựa đồ sứ cổ Trung Quốc, ở Q.1, vẫn còn đau và... mắc cỡ.

Mấy tháng trước, ông ta đang lê la cà phê trên đường Nguyễn Thái Bình thì một "thợ chạy" dừng xe, chào lô đồ sứ "vừa mua nóng hổi từ nhà giàu Gò Công". Ngoài chồng dĩa và mấy tách trà đời Thanh, có một cái dĩa ghi chữ "nhật" (đồ sứ do triều Nguyễn đặt làm từ Trung Quốc cho vua dùng).

Ông C.H. ra chiêu săm soi mấy tách, dĩa trà mà giả vờ không thèm quan tâm chiếc dĩa chữ "nhật" rất giá trị kia. Người bán hô giá 80 triệu đồng trọn lô, rồi "bớt chút đỉnh" còn 70 triệu.

"Ok" - ông nhanh chân mang về nhà, khấp khởi trên tay chiếc dĩa chữ "nhật" mà ông tin rằng có giá phải cả trăm triệu bạc.

Nhưng hỡi ôi, về xem xét kỹ, lòng ông như đeo cục đá vì chiếc dĩa giả cổ. Còn mấy dĩa, tách trà thật cùng lắm cũng chỉ 30-35 triệu đồng.

"Lỗ nặng! Càng nghĩ tui càng tức. Mình chủ quan để cỡ thằng "thợ chạy" mà cũng lừa nổi, nói ra thì thiên hạ nó cười thúi mặt" - ông chia sẻ với tôi mà nói "bỏ cái tên đi để tui còn hành tẩu giang hồ".

Hàng sống, hàng chết

Người khoái đồ xưa, đồ hiếm nhưng không rành cánh chợ trời vỉa hè nên cẩn thận. Khi mua máy hát xưa hay điện thoại di dộng hiếm cách đây 20 năm, họ hay được chào "hàng sống", tức còn dùng được với giá cao hơn nhiều so với "hàng chết" đã hư hỏng.

Đừng sướng mê ly ẵm vội "em cục gạch Motorola" 25 năm trước hay chiếc Ericsson 388, 688 có "vòi tê giác" ăngten mà hi vọng còn xài được. Thường bảo đảm chỉ trong một ngày hoặc ít ngày đã "tịt ngòi".

Dân lạc xoong vỉa hè nào cũng cố đẩy giá cao vì "đồ còn xài ngon". Nhưng người mua phải luôn nghĩ đồ điện máy đã "lăn" ra vỉa hè thường là "hàng chết", hiếm hoi mới có đồ còn ngon, nên chỉ trả giá mua "xác" về mà nhìn mà sờ cho sướng mắt trong bộ sưu tập.

Q.M.

Đừng "già néo đứt dây"

Những ngày "đi săn" ở chợ Dân Sinh, đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), Võ Thị Sáu, Hoàng Sa (Q.3), quanh chợ Nhật Tảo (Q.11), Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) hay chợ phiên đồ xưa Cao Minh (Q.Bình Thạnh)... tôi chứng kiến không ít chiêu thức săn hàng.

Có trường hợp gặp phải đồ quý giá rất bèo, người mua đã trả tiền và cầm đồ trong tay cũng bị kẻ bán đổi ý giật lui, trả tiền lại.

Để phòng kẻ bán tiếc rẻ phút cuối, "thợ săn" chơi chiêu trả thừa tiền. Nhiều người ở chợ Nhật Tảo còn nhớ chuyện một tay "thợ chạy" gặp cái máy đĩa kim xưa cực hiếm, chịu giá 10 triệu với người bán. Anh ta giả vờ gấp việc, đếm thừa 2 tờ 500.000 đồng.

Lòng tham lóe lên, kẻ bán nhanh tay giao hàng, mà không kịp nghĩ chiếc máy hát gần 100 năm trước này có giá cao hơn nhiều...

Buổi chiều, tôi gặp Hùng, một dân buôn lạc xoong lâu năm đang bày đủ thứ đồ ra vỉa hè đường Vĩnh Viễn (Q.11). Ngoài mấy đồ đồng "nhái" đồ thời Hán xưa..., Hùng khoe bộ đồ lính trận xịn gồm bình biđông, đèn pin, cuốc xếp, lon guigoz và mấy huy hiệu lính Mỹ.

Thanh, một tay chơi xe cổ, trả giá nhóm đồ móc theo xe, gồm đèn pin nhựa (hình chữ L), bình biđông nhôm màu xanh trong túi vải và chiếc còi xe có bầu cao su bóp còi.

"Tám trăm, chín trăm, thôi 1 chai nha...". Giá tiếp tục lên. Hùng vẫn lắc đầu trước cái giá 1,8 triệu được đưa ra... "Cái còi hơi kia nhiêu?" - Long, một tay chơi khác, "hớt ngang". "Ba xị". Long lôi ngay 3 tờ 100.000 đồng, nhận nụ cười và bàn tay ngửa lấy tiền của kẻ bán.

"Thôi dẹp nghen, không mua nữa. Tui chủ yếu máu cái còi đó, chớ mớ kia đầy" - Thanh tiếc vì vuột mất còi rồi rồ ga phóng đi. Kẻ bán buồn ra mặt, lẽ ra đã bán được cả trọn bộ gần 2 triệu bạc. Còn người mua được cái còi giá rẻ thì khoái chí vì tìm được "đồ chơi" hiếm cho chiếc xe cổ của mình.

Chiêu trò cầm đồ mình thích trên tay với cái giá người bán đưa ra đã rẻ, nhưng cứ xoáy vào khuyết điểm nào đó của đồ (thường tự mình nghĩ ra) mà chê đắt để tìm cách hạ giá là mánh phổ biến của "thợ săn". Tất nhiên, mánh này dễ ăn ngay quả đắng nếu đụng đối thủ cao tay trả nhanh tiền để phỗng tay trên.

"Săn đồ quý vỉa hè phải siêng đi, có duyên thì chúng mới tìm đến nhẹ nhàng. Nhưng cũng phải biết người biết ta thận trọng song phải nhanh. Đã thích thì quyết dứt điểm, trù trừ rách việc" - một "thợ săn" chuyên nghiệp "dạy bảo" tôi sau khi chìa tiền mua cái bình gốm cổ mà không thèm trả giá tại vỉa hè đường Lý Thường Kiệt.

Kèo này, anh ta chắc thắng...

Thận trọng đồ giả, đồ ăn cắp

Ở chợ Nhật Tảo, mấy lần tôi được cậu thanh niên chừng 30 tuổi thoắt ẩn thoắt hiện, cầm đồng hồ mới coóng nhanh nhảu chào mời: "Hai xị rưỡi anh giai, bao Thụy Sĩ xịn, tại kẹt mới đẩy rẻ". Tôi lắc đầu ra vẻ từng trải. Cậu ta lẻn đi.

"May cho ông, mấy người dính chưởng thằng đó rồi" - một "thợ săn" bỏ nhỏ tai tôi. Anh ta cho biết có những tay chuyên lừa kiểu này. Hoặc bán đồ giả, đồ nhái, hoặc cũng bán đồ xịn nhưng khi trao tiền xong, người bán lẻn nhanh và xuất hiện ngay mấy thanh niên khác ập đến nói mới bị lấy cắp.

Đã mất tiền oan mà còn bị dọa đánh!

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên