16/05/2024 11:59 GMT+7

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 3: Một thời bắc vàng lá Sư Tử, nam Kim Thành

TÂM LÊ
và 1 tác giả khác

Một thời nếu như vàng Kim Thành nổi danh Sài Gòn thì vàng Sư Tử nức tiếng Hà Nội. Trước khi "tiếng gầm" lùi vào dĩ vãng, hiệu vàng Sư Tử đã có tới 20 năm vàng son.

Ông Phạm Ngọc Giao bên hình ảnh bố mẹ cũng là ông bà chủ khai sinh hiệu vàng Sư Tử - Ảnh: TÂM LÊ

Ông Phạm Ngọc Giao bên hình ảnh bố mẹ cũng là ông bà chủ khai sinh hiệu vàng Sư Tử - Ảnh: TÂM LÊ

Chuyện kể bên ngôi nhà vườn

Ngôi nhà gần 100 năm tuổi với cây xanh bao phủ ở phố cổ Hàng Bạc, Hà Nội. Đây là di sản còn lại của gia đình hiệu vàng Sư Tử một thời vàng son cả về danh tiếng và tiền tài.

Lối vào từ số 6 Đinh Liệt, tiếp chúng tôi là ông Phạm Ngọc Giao - con thứ tư trong gia đình tám người con của nhà hiệu vàng. Vài chị em ông Giao vẫn sống trong nhà vườn, ai cũng ngoài 80 tuổi.

Theo ông Giao, trước đây cổng chính ở 115 Hàng Bạc, khi Nhà nước lấy mặt tiền mở xưởng may thêu, gia đình ông lui vào trong sinh sống. Diện tích nhà vườn hiện khoảng 600m2, mang kiến trúc Âu - Việt nhuốm màu thời gian.

Ngoài phố Hàng Bạc, không khí mua bán vàng tấp nập, nhưng chỉ cách một bức tường, khung cảnh nhà vườn hoàn toàn trái ngược. Bình yên, nhẹ nhàng, không còn ai nói chuyện về vàng. Chị em, con cháu ông Giao cũng không còn ai làm nghề vàng.

Dẫn chúng tôi xem những bức ảnh xưa cũ của gia đình, ký ức ông Giao về bố mẹ với nghề làm vàng lại ùa về. Ông bồi hồi kể: "Những bức ảnh này do một người Pháp chụp, sau ông quay lại tìm gia đình chúng tôi một lần nữa và chụp rất nhiều ảnh.

Ông Giao tự hào giới thiệu bức ảnh bố mẹ treo giữa những tấm ảnh gia đình. Bố ông, chủ hiệu vàng Sư Tử Phạm Văn Thanh, mặc âu phục sang trọng, bên cạnh mẹ Phạm Thị Tề áo tứ thân, quấn khăn vành truyền thống đoan trang.

Hoài niệm tuổi thơ, ông Giao hào hứng: "Không khí làm vàng thuở đó vô cùng nhộn nhịp. Trong nhà người lọc vàng tất bật, bên ngoài thì người dân xếp hàng mua vàng, đổi vàng. Họ đổi vàng thô, vàng trang sức lấy vàng lá hiệu Sư Tử để tích trữ.

Học cấp II tôi đã biết gói vàng, giao vàng rồi. Có hôm trong ba lô đi học tôi có tới 10 lá vàng bố mẹ đưa mang đi giao. Hồi đó giao vàng chưa giấy tờ gì, cũng không ai lấy cắp, nên mang vàng trong người không lo lắng".

Vàng lá Kim Thành danh tiếng một thời ở Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Vàng lá Kim Thành danh tiếng một thời ở Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Theo nghề vàng để thoát nghèo

Câu chuyện của ông Giao cuốn hút người nghe về một thời vàng son. Nhờ nghề lọc vàng, đúc vàng lá đã đưa gia đình ông từ bần cùng tới đỉnh cao giàu có.

Ông Giao kể thời đói nghèo, bố mẹ ông đã mua vé tàu để sáng mai đưa cả nhà vào xứ Nghệ sinh sống bằng nghề làm bánh kẹo của người mẹ. Nhưng tối hôm ấy, bà cụ hàng xóm tốt bụng đã sang khuyên nhủ:

"Ở lại với bà con rồi khôi phục nghề lọc vàng và hứa sẽ góp thêm vốn cho làm ăn. Nghe có lý có tình nên bố mẹ tôi đã ở lại", ông Giao kể. Năm 1937, những mẻ vàng lá đầu tiên ra đời, mỗi lá tương đương 2,5 chỉ. Ngắm nghía lá vàng, bố ông Giao và những người bạn có sáng kiến phải tìm cái tên khắc làm thương hiệu để mọi người nhớ tới.

Cuối cùng, tên chúa tể rừng xanh Sư Tử được chọn, ai nấy lập tức tán thành. Nhãn hiệu The Lion đã được bố ông Giao đăng ký bản quyền. Vì thế ở đâu có vàng khắc hiệu The Lion thì chắc chắn là vàng gia đình ông.

Vàng hiệu Sư Tử khi đó vang danh khắp tỉnh thành phía Bắc. Người dân từ Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La mang vàng thô xuống cửa hiệu gia đình ông để đổi lấy vàng lá. Những nhà buôn trong phố đưa hàng khắp nước, rồi vàng hiệu Sư Tử xuất khẩu đi Lào, Thái Lan, Indonesia, Brunei...

Cửa hiệu có hơn 10 người làm thuê, đều quê Hà Nam lên. Được bố mẹ ông Giao giúp đỡ công ăn việc làm, họ ấm no, con cháu học hành thành đạt. "Thời điểm ấy thu nhập từ vàng rất lớn, bố tôi mỗi năm mua một căn nhà ở phố cổ, mua tới sáu căn liền. Về sau bán một số căn để mua căn ở 115 Hàng Bạc này", ông Giao bồi hồi kể.

Ngày ấy, miền Nam nổi danh vàng Kim Thành, hai thương hiệu vàng ở hai đầu đất nước bấy giờ trong giới buôn vàng không ai không biết. Nhưng có sự khác biệt trong cách lọc vàng, vàng Sư Tử của gia đình ông Giao lọc theo bí quyết truyền thống.

Ông Giao dùng cách thủ công với nguyên liệu tự nhiên như muối hạt, giấy dó, gạch non, than củi. Thời gian lọc mẻ vàng diễn ra ba ngày ba đêm trong điều kiện tiết trời trong sáng. Cách này sẽ cho ra mẻ vàng ưng ý, ánh sáng đẹp, đạt chất lượng.

Bí quyết lọc vàng do ông tổ nghề Lưu Xuân Tín - người làng nghề lọc đãi vàng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Cụ Tín đã đưa người dân quê lên Hà Nội làm nghề, trong đó có gia đình ông Giao.

Để ghi nhớ công lao tổ nghề, người dân đã lập đền thờ cụ Tín ở phố Hàng Bạc. Ngôi đền hiện nay vẫn có người trông giữ, bà con quanh phố vẫn lui tới thắp hương.

20 năm huy hoàng rồi chợt tắt

"Ở Hà Nội thời bấy giờ nhiều gia đình cũng trữ vàng trong nhà. Vàng đối với họ thân thuộc, mua cái gì có giá trị một chút cũng đều dùng vàng", ông Giao nhớ vàng trong đời sống người dân. Họ mua nhà hay xây nhà cũng đều dùng vàng. Mở cửa hiệu hay buôn chuyến cũng đều dùng vàng trao đổi.

Mua cái xe đạp, cái tủ để đồ cũng dùng vàng. Ai làm ăn dư dả chút cũng tích góp mua vàng, cái gì có giá trị là dùng vàng làm vật trao đổi chứ không dùng tiền. "Vàng lúc đó đời thường lắm, không phải giàu sang phú quý mới có vàng", ông Giao bày tỏ.

Vàng lá ra đời tiện lợi cho việc buôn bán và tích trữ, cửa hiệu gia đình ông Giao càng hoạt động tấp nập. Tuy nhiên, thời huy hoàng của hiệu vàng The Lion kéo dài tới năm 1957 thì dừng, vì Nhà nước có chính sách quản lý vàng.

"Vàng lúc này không được mua bán tự do nữa, cửa hiệu nhà tôi buộc phải dừng. Có bao nhiêu vàng trong nhà phải nộp vào ngân hàng nhà nước hết. Nhà nước quy đổi ra tiền được bao tôi không nhớ, nhưng muốn mua vàng thì chỉ mua được một chỉ và có lý do như cưới xin hay mua nhà mới được mua", ông Giao nhớ lại.

Bố ông Giao từ ấy đi làm thuê cho Hợp tác xã chế tác vàng bạc Hồng Châu của Nhà nước, lương không đủ nuôi nhiều miệng ăn gia đình. Ông Giao vẫn còn nhớ những ngày khó khăn quá, bố ông nảy sáng kiến.

Tìm lại bãi rác thải lọc vàng mà gia đình đổ dưới gốc cây trong vườn, ông lọc lại toàn bộ rác thải đó và được một lượng bụi vàng đủ để sống được vài năm sau đó. Điều này đủ biết rằng hiệu vàng của gia đình ông đã lọc vàng nhiều cỡ nào.

Vàng Sư Tử khép lại một thời huy hoàng. Sau này nghe có người còn giữ, gia đình ông muốn mua lại lá vàng làm kỷ niệm nhưng họ không bán. Danh tiếng vàng Sư Tử ở miền Bắc xa dần vào quá khứ...

Kim Thành, nhãn vàng danh tiếng Sài Gòn

Ở miền Nam trước năm 1975, mười người đi sắm vàng thì tám, chín người nghĩ ngay thương hiệu vàng lá Kim Thành. Có độ tinh khiết cao, 1 lượng vàng lá Kim Thành nặng 37,5g gồm 3 lá (2 lá nặng 15g mỗi lá và 1 lá nặng 7,5g) được bọc trong bao giấy dầu nhãn hiệu nhà sản xuất Kim Thành.

Khắc nổi trên lá vàng ngoài biểu tượng ở 4 góc và tên Việt không dấu KIM THANH, còn khắc cả tiếng Anh và tiếng Hoa cùng dòng chữ SAIGON-HANOI-HONGKONG-PNOMPENH.

Sự phổ biến của vàng Kim Thành một thời được nhiều người kể rằng ngoài nhà giàu mua xếp lớp trong tủ hay gửi ngân hàng thì nhiều dân lao động cũng có vài lá vàng Kim Thành giấu giếm dưới gầm giường hay chôn sàn nhà.

Bởi thời ấy vàng rất phổ biến, mọi việc đều quy ra vàng, từ mua nhà, sắm chiếc xe hơi đời mới, chiếc vespa thời trang, kể cả chiếc xích lô đạp để mưu sinh.

Bước ngoặt sau năm 1975, thương hiệu vàng danh tiếng của Sài Gòn đã dần trở thành lịch sử một thời, nhưng rất nhiều tiệm vàng sau này vẫn "mượn" danh tiếng Kim Thành.

Nhiều tiệm vẫn treo nguyên xi tên Kim Thành, nhiều tiệm thì gắn thêm tên nối vào như Kim Thành Phát, Kim Thành Huy, Kim Thành Tài, Kim Thành Bảo...

Người trẻ thời nay đa số chỉ biết vàng SJC, nhưng những người ở tuổi 70 trở lên chắc chắn vẫn còn hoài nhớ những lá vàng Kim Thành thuở nào. Một số người trong họ vẫn còn cất giữ được ít vàng này thêm thời gian sau năm 1975 rồi mới dần bán hết để trang trải đời sống giai đoạn khó khăn.

*************

"Hồi khó khăn, ai cho mình mượn vàng thì quý. Nhưng tới khi trả thì ôi thôi, lúc mượn chỉ vàng bán ra được dăm triệu, khi trả phải có tiền gấp đôi mới mua lại đủ".

>> Kỳ tới: Cười, khóc với mượn vàng, trả vàng

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 1: Những thùng đạn đựng vàngNgười Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 1: Những thùng đạn đựng vàng

"Con dâu này tôi cưới cả thảy 5 cây vàng, chiếc Dream Thái nọ tôi mua gần 10 cây. Còn thằng Hai hồi nó lên tàu vượt biển có 2 cây lận lưng phòng thân".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên