18/10/2023 15:07 GMT+7

Sau thiên tai, không phải ai cũng cần mì tôm

Khi thiên tai đi qua, nhân viên công tác xã hội sẽ tìm hiểu khó khăn, nhu cầu của người dân để vận động, điều phối nguồn lực vì không phải ai cũng cần mì tôm.

Ông Tô Đức, cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ảnh: THÀNH ĐÔNG

Ông Tô Đức, cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ảnh: THÀNH ĐÔNG

Ông Tô Đức, cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bày tỏ như vậy tại hội thảo Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu do cục này và báo Dân Trí tổ chức, ngày 18-10.

Sự cần thiết của nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp

Theo ông Tô Đức, vai trò của nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp rất quan trọng, nhất là trong phòng ngừa hậu quả của biến đổi khí hậu.

"Người dân ở vùng thiên tai đã chịu khó khăn thì người cao tuổi, trẻ em, người nghèo còn chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Tuy vậy, không phải ai cũng cần mì tôm, mỗi người có một nhu cầu khác nhau. Các đoàn từ thiện không chỉ nên đến những điểm thuận lợi.

Nếu có nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, họ sẽ tìm hiểu cụ thể khó khăn, nhu cầu của người dân và làm việc với chính quyền để vận động, điều phối nguồn lực. Hiện nay, chưa có ai làm việc như thế", ông Tô Đức nêu quan điểm.

Nhấn mạnh triển vọng của nghề công tác xã hội, ông Đức nêu sinh viên ra trường có thể chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, hỗ trợ cai nghiện, giảm nghèo. Bên cạnh đó, các bệnh viện, trường học rất thiếu nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ tâm lý…

Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội nêu rõ sắp tới sẽ có nghị định về công tác xã hội. Những người hành nghề công tác xã hội độc lập được cấp chứng chỉ hành nghề như luật sư, bác sĩ.

"Đây là bước chuyển, cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ công tác xã hội chuyên nghiệp", ông Đức nêu.

Biến đổi khí hậu gây trầm cảm, cáu gắt...

Theo TS Nguyễn Trung Hải - Trường đại học Lao động Xã hội, biến đổi khí hậu còn tác động đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân. Dẫn nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TS Hải nêu rõ khí hậu nóng lên khiến con người trầm cảm, cáu gắt, mất ngủ…

Ông lấy ví dụ thời tiết Hà Nội nóng lên, thời tiết ngột ngạt, nếu có va chạm giao thông, mọi người dễ nổi nóng hơn so với những ngày mát mẻ. "Nhiệt độ tăng có thể gia tăng bạo lực", ông Hải bày tỏ.

Do đó, chuyên gia này khuyến nghị cần phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, từ đó nâng cao công tác chẩn đoán, tư vấn, điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần, đơn cử như hỗ trợ giải tỏa lo lắng, căng thẳng.

GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - nêu rõ nhân viên công tác xã hội được đào tạo đưa ra lời khuyên, lập kế hoạch an toàn, xác định nguồn lực hoặc hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi cá nhân, gia đình trong thời tiết khắc nghiệt, thiên tai.

Ví dụ trước mưa bão, người dân sẽ được phổ biến tích trữ quần áo, thực phẩm, tránh khi xảy ra mới ứng phó.

Còn đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) khuyến nghị Việt Nam đầu tư, cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu, từ đó có giải pháp ứng phó song song thúc đẩy chuyển đổi số.

Về lâu dài, Việt Nam cần mở rộng hệ thống bảo hiểm thiên tai và khí hậu cực đoan cho hộ nghèo và cận nghèo, huy động nguồn lực từ khối tư nhân...

Lần đầu cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đối với mưa lũ ở Thừa Thiên Huế, Đà NẵngLần đầu cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đối với mưa lũ ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng

Hai ngày cuối tuần ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng tiếp tục có mưa rất lớn, có nơi trên 800mm. Cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đã nâng cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn lên cấp 4, cấp cao nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên