10/09/2021 22:25 GMT+7

Sẽ có ứng dụng công nghệ duy nhất phục vụ phòng chống dịch

Theo Báo Chính phủ
Theo Báo Chính phủ

TTO - Thực tế ghi nhận, nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch khác nhau.

Sẽ có ứng dụng công nghệ duy nhất phục vụ phòng chống dịch - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP

Trong thời gian sớm nhất phải có ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc chiều 10-9 với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin… về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Vừa qua, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm…

Các bộ, ngành, doanh nghiệp đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ. Nhiều công cụ khi triển khai trong thực tế chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng. 

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

"Ứng dụng, giải pháp phải thuận tiện để người dân sử dụng và phục vụ thiết thực cho phòng, chống dịch", phó thủ tướng nhấn mạnh và giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan khẩn trương phát triển ứng dụng mới, đồng thời hướng dẫn chi tiết, triển khai đồng loạt. 

Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông tích hợp tất cả dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, công cụ có sẵn trước đây thành cơ sở dữ liệu thống nhất, tiếp tục được cập nhật thường xuyên khi người dân dùng ứng dụng mới.

Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Bộ Công an phát huy thế mạnh là cơ quan quản lý dữ liệu của người dân, với vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch ở địa phương, để tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới trong phòng, chống dịch.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo việc cập nhật hồ sơ sức khỏe của người dân, kết quả xét nghiệm, kết quả tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân COVID-19…, tích hợp các dữ liệu này về Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ cho việc triển khai ứng dụng mới.

TP.HCM dự kiến thí điểm thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19 TP.HCM dự kiến thí điểm thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19

TTO - TP dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, thí điểm thẻ xanh COVID, thẻ vàng COVID, thí điểm ưu tiên mở cửa một số lĩnh vực theo lộ trình tại quận 7, Củ Chi, Cần Giờ.

Theo Báo Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên