23/04/2023 12:09 GMT+7

SEA Games sẽ hướng về Asiad, Olympic

Kể từ SEA Games 33 năm 2025 tại Thái Lan, Đại hội thể thao Đông Nam Á dự kiến chỉ tập trung tổ chức các môn Olympic, Asiad.

Các môn Olympic, Asiad sẽ được ưu tiên tổ chức kể  từ SEA Games 33 - Ảnh: NAM TRẦN

Các môn Olympic, Asiad sẽ được ưu tiên tổ chức kể từ SEA Games 33 - Ảnh: NAM TRẦN

SEA Games - Đại hội thể thao Đông Nam Á - được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1959 tại Thái Lan (khi đó có tên là SEAP Games) với 12 môn thi, 6 quốc gia tham dự và chủ nhà Thái Lan dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.

Theo chu kỳ, SEA Games sẽ được tổ chức hai năm một lần, luân phiên trong các quốc gia khu vực. SEA Games được tổ chức xen kẽ giữa các kỳ Asiad, Olympic và được coi là một trong những bước đệm để các quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị cho Asiad, Olympic.

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã quyết định từ SEA Games 33 năm 2025 đại hội chỉ tập trung tổ chức các môn thể thao nhóm 1, 2 trong chương trình Olympic và Asiad. Chủ nhà SEA Games chỉ được chọn tối đa hai môn ở nhóm 3 với tổng số 8 nội dung thi đấu. Đây là bước tiến lớn của SEA Games và thể thao Đông Nam Á

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn
Thể dục dụng cụ là môn cơ bản Olympic nhưng bị chủ nhà SEA Games 32 Campuchia loại nội dung nữ khỏi đại hội - Ảnh: NAM TRẦN

Thể dục dụng cụ là môn cơ bản Olympic nhưng bị chủ nhà SEA Games 32 Campuchia loại nội dung nữ khỏi đại hội - Ảnh: NAM TRẦN

Xu hướng chủ nhà đứng tốp đầu

Khi được đăng cai SEA Games, nước chủ nhà không chỉ gặp thuận lợi về di chuyển và địa điểm thi đấu. Họ còn có lợi thế khi được đưa vào các môn thế mạnh và loại bỏ những môn mình không có khả năng cạnh tranh huy chương. Do đó, không ít lần những môn Olympic bị gạt ra khỏi danh sách thi đấu tại SEA Games.

Trong giai đoạn từ 1959 đến đầu những năm 1990, các nước chủ nhà không thật sự vượt trội trên bảng tổng sắp huy chương. Thay vào đó, Thái Lan và Indonesia thay phiên nhau giữ vị trí này. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp của Myanmar đứng đầu vào các năm làm chủ nhà là 1961 và 1969.

Bóng bàn là môn mà một số quốc gia Đông Nam Á đã đạt trình độ châu lục và thế giới. Trong ảnh là VĐV Nguyễn Đức Tuân - HCV đơn nam SEA Games 31  - Ảnh: NAM TRẦN

Bóng bàn là môn mà một số quốc gia Đông Nam Á đã đạt trình độ châu lục và thế giới. Trong ảnh là VĐV Nguyễn Đức Tuân - HCV đơn nam SEA Games 31 - Ảnh: NAM TRẦN

Cho đến khoảng giữa những năm 1990, lợi thế chủ nhà mới bắt đầu hình thành ở các kỳ SEA Games. Thái Lan giành vị trí dẫn đầu chung cuộc khi tổ chức SEA Games năm 1995. Hai năm sau, đến lượt Indonesia lấy lại ngôi vị này. Ở các kỳ 2001, 2003 và 2005, lần lượt Malaysia, Việt Nam và Philippines dẫn đầu khi làm chủ nhà SEA Games. Trước đó, ba đoàn này chưa từng có lần nào đứng thứ hạng cao nhất.

"Truyền thống" chủ nhà đứng nhất được duy trì trong nhiều kỳ tiếp theo với các trường hợp Thái Lan (2007), Indonesia (2011), Malaysia (2017), Philippines (2019) và Việt Nam (2022). Thậm chí các nước chủ nhà còn giành được số HCV vượt trội. Chỉ có bốn lần mà chủ nhà là Brunei (1999), Lào (2009), Myanmar (2013) và Singapore (2015) không đứng nhất toàn đoàn.

Ở SEA Games 31 năm 2022, chủ nhà Việt Nam giành tới 205 HCV, phá kỷ lục SEA Games, trong khi Thái Lan đứng thứ hai chỉ có 92 HCV. Trước đó, tại SEA Games 2019, Việt Nam giành 98 HCV nhưng cũng chịu cảnh bị "bỏ xa" bởi chủ nhà Philippines đã giành tới 149 HCV. Chủ nhà Malaysia năm 2017 cũng tận dụng cơ hội để thâu tóm 145 HCV, trong khi đứng sau là Thái Lan chỉ có vỏn vẹn 71 HCV.

Nguyễn Thị Oanh (868) là niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh: NAM TRẦN

Nguyễn Thị Oanh (868) là niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh: NAM TRẦN

Hướng đến Asiad, Olympic

Đua nhau ở SEA Games nhưng thể thao Đông Nam Á lại lép vế khi tham dự Asiad, Olympic. Nếu việc này tiếp tục, thể thao Đông Nam Á khó có cơ hội tiếp cận với thể thao đỉnh cao thế giới.

Nhận thức về vấn đề này, tại Hội nghị bộ trưởng thể thao ASEAN được tổ chức năm 2021 đã ra tuyên bố chung. Theo đó, "hỗ trợ đưa nhiều hơn các môn thể thao của Asiad, Olympic vào các kỳ SEA Games. Phấn đấu thiết lập một nền tảng vững chắc cho các VĐV Đông Nam Á tại các kỳ SEA Games và chuẩn bị cho Asiad, Olympic. Duy trì cam kết đấu trường SEA Games là một sân chơi hội tụ sự tinh hoa xuất sắc của thể thao Đông Nam Á".

Trên cơ sở tuyên bố chung này, thời gian qua Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã có nhiều cuộc họp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết SEA Games 33 sẽ có nhiều đổi khác so với các đại hội trước. Cụ thể, SEA Games sẽ chỉ tập trung thi đấu các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad, như vậy sẽ giúp phản ánh đúng thực trạng phát triển và giúp thể thao Đông Nam Á tiếp cận với thể thao thế giới.

Các cột mốc về môn thi đấu ở SEA Games

SEA Games 1959: 12

1967: 16

1985: 18

1987: 26

1991: 28

1997: 36 (lần đầu vượt hơn 30 môn)

2005: 40 (lần đầu SEA Games có từ 40 môn trở lên)

2011: 44

2019: 56 (kỷ lục các môn thi đấu ở SEA Games)

SEA Games tổ chức những môn gì?

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á quy định số lượng môn thi được tổ chức trong mỗi kỳ SEA Games và ưu tiên tổ chức các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic, Asiad. Theo quy định, SEA Games sẽ tổ chức tối thiểu bắt buộc 22 môn thi.

Có ba nhóm môn được tổ chức tại SEA Games bao gồm:

Nhóm 1: những môn bắt buộc gồm: điền kinh, các môn thể thao dưới nước (bao gồm các môn bắt buộc là bơi, lặn, bóng nước và môn tự chọn là bơi nghệ thuật).

Nhóm 2: các môn của Olympic và Asiad với tối thiểu 14 môn.

Nhóm 3: nhóm các môn khác (tối đa 8 môn) trong đó có thể chọn các môn như võ gậy, vovinam, muay, bóng sàn, silat, khiêu vũ thể thao, kempo, đá cầu...

Chính nhóm môn thứ 3 này đã khiến cho SEA Games được mệnh danh là "ao làng". Thông thường SEA Games tổ chức ở quốc gia nào thì quốc gia đó có xu hướng chọn nhiều môn có thế mạnh để giành thành tích. Để đưa môn đó vào SEA Games, chủ nhà sẽ vận động các quốc gia trong khu vực tham gia để phải có ít nhất bốn quốc gia dự thi. Tên môn thi, việc tranh tài, chấm điểm ở những môn nhóm 3 vì thế cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Thể thao Thái Lan số 1 Đông Nam Á

Theo thống kê của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Thái Lan là quốc gia có thành tích tham dự các kỳ Olympic tốt nhất ở Đông Nam Á. Chỉ tính thành tích từ Olympic 2016 trở về trước, Thái Lan đã đoạt 33 huy chương Olympic (9 HCV, 8 HCB, 16 HCĐ). Huy chương đầu tiên mà Thái Lan giành được là từ Olympic 1976. Tại Olympic 2004, Thái Lan đoạt đến 3 HCV.

Indonesia là quốc gia có nền thể thao mạnh thứ hai Đông Nam Á, dựa trên thành tích tại Olympic.

Những năm gần đây, do không còn quan tâm quá lớn đến SEA Games nên Thái Lan không còn thường xuyên đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games. Thay vào đó, Thái Lan tập trung cho Asiad, Olympic và mục tiêu có mặt ở World Cup bóng đá nam. Nhiều môn thể thao của Thái Lan hiện đã đạt trình độ thế giới như cầu lông, taekwondo, bóng chuyền nữ...

Bóng chuyền nữ Việt Nam cần được đầu tư để hướng đến những mục tiêu xa hơn SEA Games - Ảnh: AVC

Bóng chuyền nữ Việt Nam cần được đầu tư để hướng đến những mục tiêu xa hơn SEA Games - Ảnh: AVC

Chuẩn Asiad và Olympic ở SEA Games 2025: Hướng đến tầm cao mới

Tổng cục trưởng Tổng cục thể thao Thái Lan (SAT) Kongsak Yodmanee cho biết sẽ nâng tầm SEA Games theo chuẩn Asiad và Olympic ở kỳ đại hội năm 2025 do Thái Lan đăng cai bằng việc tập trung vào các môn Olypmic. Hướng đi này đã nhận được không ít sự ủng hộ từ những người làm thể thao ở Việt Nam.

Thành tích SEA Games là mục tiêu gần

Trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM Từ Nhân Luân nói: "Nước đi mới của Thái Lan có thể khiến các quốc gia trong khu vực phải thay đổi định hướng, nhắm đến các giải đấu tầm cao hơn, kể cả Olympic, chứ không loanh quanh trong khu vực như hiện nay.

Từ hướng đi của Thái Lan, từ nay chúng ta cũng phải tập trung đầu tư cho các môn Olympic. Thật ra, lâu nay nhiều môn thể thao ở Thái Lan đã có tầm nhìn ra châu lục và thế giới, chẳng hạn như bóng bàn nữ Thái Lan có Suthasini Sawettabut thường xuyên có mặt trong top 30 tay vợt hàng đầu thế giới.

Đó còn là Orawan Paranang (119 thế giới) và Jinnipa Sawettabut (hạng 120 thế giới). Đôi Suthasini Sawettabut - Orawan Paranang thì đứng hạng 36 đôi nữ thế giới. Nhiều tay vợt Thái Lan đang đánh thuê cho các CLB của Nhật Bản, Thuỵ Điển.

Vì vậy, bóng bàn Việt Nam cần định hướng lại. Theo đó, chúng ta cần đầu tư dài hạn hướng đến mục tiêu cao hơn và chỉ lấy thành tích SEA Games làm mục tiêu gần chứ không phải cuối cùng".

Cơ hội để đầu tư tập trung

Chuyên gia bóng chuyền Nguyễn Bá Nghị cũng tâm đắc với định hướng của Thái Lan với SEA Games 33.

Ông Nghị chia sẻ: "Tôi hoan nghênh Thái Lan đã dũng cảm bỏ qua nhiều môn truyền thống, mang tính địa phương. Thông thường đây chính là "mỏ vàng" giúp các quốc gia Đông Nam Á, dù không thực sự có nền thể thao mạnh, vẫn có thể vươn lên trong bảng tổng sắp huy chương mỗi khi làm chủ nhà SEA Games.

Nhưng điều đó không đánh giá đúng thực lực nền thể thao quốc gia đó. Thay đổi của Thái Lan sẽ mang tính đột phá, hướng đến mục tiêu cao hơn.

Riêng bóng chuyền nữ, Việt Nam vẫn chỉ ở tầm Đông Nam Á trong khi Thái Lan đã vươn lên mạnh mẽ sau quá trình đầu tư bài bản. Tuyển nữ Thái Lan từng vô địch châu Á, vào top 15 thế giới...

Ông Nghị nói: "Việt Nam cần tận dụng bước đi đột phá của Thái Lan để nhìn lại, đầu tư dài hạn cho những mục tiêu cao hơn. Chúng ta có thể tận dụng SEA Games và lấy Thái Lan làm mục tiêu gần để phấn đấu với mục tiêu vươn xa hơn như Asiad, Olympic.

Còn các môn mang tính truyền thống, địa phương của các quốc gia trong khu vực cần hạn chế để tránh đầu tư dàn trải. Những môn này sẽ được tổ chức ở những đại hội khác, phù hợp hơn, chứ không phải tại đại hội thể thao lớn của khu vực như SEA Games".

T.P

Bóng rổ Việt Nam bất bại ở vòng bảng giải tiền SEA Games 32Bóng rổ Việt Nam bất bại ở vòng bảng giải tiền SEA Games 32

Tại Giải bóng rổ Asia Tour 3x3 2023 diễn ra ở Philippines, cả hai đội tuyển bóng rổ 3x3 nam và nữ Việt Nam đều đã vượt qua vòng bảng với thành tích toàn thắng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên