11/07/2023 08:16 GMT+7

Tâm điểm Ukraine tại thượng đỉnh NATO

Phản ứng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với xung đột Nga - Ukraine về vấn đề kết nạp Kiev dự kiến chi phối hội nghị thượng đỉnh lần này của liên minh quân sự.

Nguồn: DW - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: DW - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: T.ĐẠT

Ngày 11-7, hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự NATO khai mạc tại thủ đô Vilnius của Lithuania (Litva). Tại hội nghị diễn ra trong hai ngày, các nhà lãnh đạo NATO có nhiều vấn đề cần thảo luận trong bối cảnh những thách thức chưa từng có với liên minh quân sự này.

Năm vấn đề chính

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động chuyến công du châu Âu của mình và ông dự kiến sẽ đến Lithuania dự thượng đỉnh NATO. Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda hy vọng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ đến tham dự hội nghị cùng 31 nhà lãnh đạo NATO.

Theo kênh tin tức Euronews, năm vấn đề chính mà các nhà lãnh đạo NATO sẽ thảo luận bao gồm: (i) việc kết nạp Ukraine vào NATO, (ii) những đảm bảo an ninh dành cho Ukraine, (iii) nỗ lực kết nạp Thụy Điển vào NATO trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ còn phản đối, (iv) vấn đề chi tiêu quân sự và (v) các kế hoạch chiến lược của liên minh.

Về việc kết nạp Ukraine, Kiev cùng với các đồng minh ở Đông Âu đang kêu gọi đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc kết nạp nước này vào NATO. Ukraine giải thích điều quan trọng đối với nước này là tham gia "chiếc ô che chở" của NATO để ngăn chặn Nga phát động các cuộc tấn công trong tương lai.

Về các đảm bảo an ninh, Mỹ, Anh, Đức và Pháp đang cân nhắc đưa ra các cam kết cung cấp vũ khí dài hạn để giúp Ukraine tự vệ. Theo các nguồn tin ngoại giao, những cam kết như vậy sẽ được đưa ra bên ngoài khuôn khổ của NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý tại hội nghị của NATO. Thụy Điển hiện muốn trở thành thành viên thứ 32 của liên minh nhưng vấp phải sự phản đối của Ankara.

Vấn đề nổi bật tiếp theo là chi tiêu quân sự. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, các nước thành viên NATO đã cam kết dành 2% GDP của họ cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024. Theo số liệu mới nhất từ NATO, có 11 trong số 31 quốc gia thành viên liên minh dự kiến sẽ đạt hoặc vượt ngưỡng này trong năm nay. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tin rằng số quốc gia đáp ứng cam kết như vậy sẽ "tăng đáng kể trong năm tới". Tuy nhiên, một số quốc gia ước tính họ sẽ mất nhiều năm để đạt được ngưỡng này.

Cuối cùng là các kế hoạch chiến lược. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến NATO phải xem xét kỹ lưỡng các hệ thống phòng thủ của họ ở phía đông, nhất là sau khi tập đoàn lính đánh thuê Wagner chuyển hướng sang Belarus.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có mặt tại CH Czech ngày 7-7 trong chuyến công du châu Âu để vận động trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có mặt tại CH Czech ngày 7-7 trong chuyến công du châu Âu để vận động trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO - Ảnh: REUTERS

Con đường gập ghềnh với Ukraine

Đây chính là hội nghị mà nhiều tháng qua Ukraine mong chờ để nhận được "lời mời rõ ràng từ các thành viên NATO" về việc gia nhập. Lời hứa hiện tại của NATO là Ukraine sẽ gia nhập vào một ngày nào đó, nhưng không nêu rõ thời gian.

"Nếu NATO hứa hẹn cho Ukraine trở thành thành viên khi chiến tranh kết thúc thì điều này theo một cách nào đó sẽ cho phép Nga chần chừ (kết thúc) trong cuộc chiến" - bà Orysia Lutsevych, chuyên gia về Ukraine tại Viện Chính sách Chatham House, bình luận. Bà cho rằng một cách diễn đạt khác sẽ giúp ích là "Ukraine có thể gia nhập khi tình hình an ninh cho phép".

Theo báo The Guardian, hiện nay Ukraine đang bi quan về việc gia nhập NATO, khi Mỹ và Đức dường như không sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO trong lúc cuộc chiến Nga - Ukraine tiếp diễn. 

Trả lời phỏng vấn Đài CNN ngày 9-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Ukraine "chưa sẵn sàng" trở thành thành viên của NATO. Ông giải thích việc gia nhập NATO "là quá trình cần thời gian để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, từ dân chủ hóa đến một loạt các vấn đề khác", đồng thời cho biết thêm NATO cần "vạch ra một lộ trình hợp lý" cho việc kết nạp thành viên.

Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ tăng cường quan hệ chính trị bằng cách thành lập Hội đồng NATO - Ukraine và thiết lập một chương trình kéo dài nhiều năm để giúp Kiev tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quân sự của phương Tây.

Một số quốc gia cảnh báo các cam kết của NATO đưa ra tại hội nghị sẽ không thể thay thế cho việc Ukraine gia nhập NATO. "Sự đảm bảo an ninh tốt nhất dành cho Ukraine là trở thành thành viên đầy đủ của NATO sau khi chiến tranh kết thúc", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói.

Ukraine báo tin vui

Trong thông báo trên Twitter ngày 10-7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết sau các cuộc đàm phán, các thành viên NATO đã đạt được sự đồng thuận về việc loại bỏ Kế hoạch hành động để có tư cách thành viên (MAP) khỏi lộ trình trở thành thành viên của Ukraine, giúp "rút ngắn con đường gia nhập NATO".

Cùng ngày, Hãng thông tấn Ukrinform (Ukraine) dẫn các nguồn tin trong Chính phủ Đức cho biết "rõ ràng sẽ không có lời mời" Ukraine gia nhập NATO tại hội nghị ở Lithuania, nhưng hội nghị này sẽ giúp thắt chặt đáng kể quan hệ giữa Ukraine và NATO.

Tin tức thế giới 11-7: Tổng thống Ukraine gửi "tối hậu thư" cho NATO; Thụy Điển sẽ vào NATOTin tức thế giới 11-7: Tổng thống Ukraine gửi 'tối hậu thư' cho NATO; Thụy Điển sẽ vào NATO

Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn NATO công nhận Ukraine là thành viên trên thực tế của liên minh; Thụy Điển sắp gia nhập NATO; Kinh tế Nga tăng tốc dù bị trừng phạt... là các tin tức thế giới đáng chú ý ngày 11-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên