Nếu ví tâm trí và thể chất là hai đứa trẻ, thì thể chất là đứa trẻ mà khi nó bị ốm, gia đình sẽ mua loại thuốc tốt nhất, tìm bác sĩ giỏi nhất, cho nó ăn những món ăn bổ dưỡng nhất.

Nhưng ngược lại, khi tinh thần bị "ốm" sẽ phải tự giải quyết vấn đề của mình, thậm chí phải tìm cách che đậy vì sợ bị người khác nói rằng "đồ yếu đuối", "đứa tâm thần", hoặc "bị điên…".

Dưới đây là chia sẻ của một chuyên viên tham vấn tâm lý học đường đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Tham vấn tâm lý: Nghề chăm sóc vết thương tâm hồn - Ảnh 1.

Trong quá trình thực hành tham vấn tâm lý tại nhiều cơ sở và với các thân chủ khác nhau, tôi thường "bị" gọi là "bác sĩ tâm lý", trong khi tôi không giới thiệu về mình như vậy. Tôi tin là rất nhiều đồng nghiệp khác cũng thường xuyên phải giải thích cho người khác về cách gọi và chức danh làm việc của mình.

Không biết từ bao giờ, thuật ngữ "bác sĩ tâm lý" thường được sử dụng để chỉ chung những người hành nghề tham vấn, trị liệu tâm lý, song trên thực tế tên gọi này hoàn toàn không tồn tại trong từ điển chuyên môn.

Tham vấn tâm lý: Nghề chăm sóc vết thương tâm hồn - Ảnh 2.

Hiểu một cách đơn giản, những người hành nghề tham vấn, trị liệu tâm lý không được cấp bằng y khoa, nên không được gọi là bác sĩ. Mối quan hệ giữa họ và thân chủ cũng không phải là mối quan hệ giữa "bác sĩ" và "bệnh nhân".

Trên thực tế, họ thường được gọi là chuyên viên hoặc chuyên gia tham vấn, trị liệu tùy vào bằng cấp, kinh nghiệm và lĩnh vực mà họ hoạt động. Do đó, bác sĩ tâm thần mới có quyền được kê đơn thuốc, còn nhà tâm lý học sẽ không thể làm điều tương tự, kể cả khi họ có nhiều am hiểu về vấn đề này, việc kê thuốc là điều không được phép.

Tham vấn tâm lý: Nghề chăm sóc vết thương tâm hồn - Ảnh 3.

Tài liệu đào tạo về tham vấn tâm lý đã chỉ rõ tham vấn (counseling) và tư vấn (consultation) là khác nhau. Trong tham vấn tâm lý, thân chủ mới là người có quyền quyết định cho nan đề họ gặp phải. Nhà tham vấn hướng dẫn thân chủ quan sát bản thân, giúp thân chủ nhận ra những gì đang diễn ra trong thế giới nội tâm của mình, xem xét các giải pháp khả thi và giúp thân chủ nhận thức được lựa chọn tối ưu cho họ, nhưng không đưa ra bất cứ lời khuyên nào.

Trong khi đó, nhà tư vấn giúp thân chủ ra quyết định bằng cách đưa ra những lời khuyên cho thân chủ. Trình độ chuyên môn của nhà tư vấn là yếu tố quyết định quá trình tư vấn.

Tham vấn tâm lý: Nghề chăm sóc vết thương tâm hồn - Ảnh 4.

Từ một trường hợp cụ thể (xem box: Lộ trình của một ca can thiệp), có thể thấy chăm sóc sức khỏe tâm thần là nhiệm vụ của chính mình chứ không phải của bất cứ ai khác. Chỉ khi chúng ta muốn, những sự hỗ trợ mới có thể phát huy tác dụng của nó.

Tham vấn tâm lý: Nghề chăm sóc vết thương tâm hồn - Ảnh 5.

Xây dựng lối sống lành mạnh, chọn lọc những gì chúng ta ăn vào cơ thể và học cách kết nối với nội tâm của mình là bước đầu tiên ta có thể làm trong hành trình chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Khi cảm thấy mình luôn gặp rắc rối trong các mối quan hệ với người khác, gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe mà bác sĩ không thể giải thích hoặc cảm xúc luôn là thứ gây cho chúng ta mệt mỏi, ta cần hiểu rằng nội tâm của mình đang "gửi tín hiệu SOS" và mong nhận được sự trợ giúp.

Tham vấn tâm lý: Nghề chăm sóc vết thương tâm hồn - Ảnh 6.

Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta đẩy hết mọi trách nhiệm cho người đang gặp trở ngại tâm lý. Chúng ta không bắt một người bị gãy chân tự bắt xe đi đến bệnh viện để bó bột thì cũng hãy nhẹ nhàng và hỗ trợ người đang gặp khó khăn với sức khỏe tâm thần của họ.

Có thể chúng ta không nhận ra, nhưng đã rất nhiều lần những người thân "cầu cứu" chúng ta bằng những sự tức giận, buồn bã, khóc lóc, im lặng… của họ. Tuy nhiên chúng ta đã nghĩ rằng đó là những sự phiền phức mà họ mang lại.

Bạn không cần phải là một nhà tâm lý mới có thể giúp được người thân của mình. Nhiều khi bạn chỉ cần ngồi yên lắng nghe và không phán xét họ, đó đã là một món quà lớn mà bạn tặng cho họ rồi.

Trong bộ phim The Boy, the Mole, the Fox and the Horse (Cậu bé, Chuột chũi, Cáo và Ngựa) có một câu thoại mà tôi rất thích. Cậu bé hỏi chú Ngựa: "Điều dũng cảm nhất mà cậu từng làm là gì?". Ngựa trả lời: "Giúp tôi với!". Tìm đến sự giúp đỡ không phải là bỏ cuộc mà là không chịu từ bỏ.

Hy vọng mỗi chúng ta có thể kiên trì và không bỏ cuộc với cuộc đời của chính mình, tìm đến sự giúp đỡ đáng tin cậy nếu đấy là điều mà ta đang cần. Chúng ta vốn không được lựa chọn những sự việc đã xảy đến với mình, nhưng chúng ta được chọn cách đối diện với nó. Một trong những quyền tự do lớn nhất mà chúng ta có là cách chúng ta phản ứng trước các sự việc xảy đến trong đời. ■

NGUYỄN THỊ THU HOÀI
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên