26/08/2020 12:46 GMT+7

Thế giới như tôi thấy - Kỳ 1: Thiên nhiên đâu nhiều rác như thế!

KHOA THƯ
KHOA THƯ

TTO - Việt Nam thải ra môi trường hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, theo một thống kê của UNDP. Chỉ 27% trong số đó được tái chế.

Thế giới như tôi thấy - Kỳ 1: Thiên nhiên đâu nhiều rác như thế! - Ảnh 1.

Để giữ gìn đảo ngọc, Phú Quốc cần sớm có hệ thống thu gom, phân loại và xử lý rác - Ảnh: WWF

Nếu không có hành động nào được triển khai để khắc phục tình hình, đến năm 2050, sẽ có nhiều nhựa trong đại dương hơn là cá. Và hậu quả không chỉ dừng ở đó.

Đảo ngọc vùi trong rác

Con đường với dọc dài hai bên vương đầy rác từ sân bay về nội đô đã khiến chị Nguyễn Mỹ Quỳnh bị sốc trong lần đầu tiên đến Phú Quốc năm 2019.

Vốn đã được một đồng nghiệp cảnh báo từ trước rằng vấn đề rác thải ở Phú Quốc là khá nghiêm trọng, kèm theo lời nhắn: "ra xem có thể làm cách gì thay đổi được không", nhưng khi tận mắt chứng kiến thực trạng tại hòn đảo du lịch nổi tiếng này vẫn khiến chị Quỳnh cảm thấy hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu, khi nào và làm thế nào để "chiến đấu" với vấn nạn đang ở mức trầm kha.

"Ở TP.HCM hay Hà Nội tình hình rác thải diễn ra phức tạp hơn nhưng dù sao đó cũng là các đô thị lớn, nơi được tăng cường năng lực quản lý, đầu tư phương tiện, nhân lực, cơ sở hạ tầng để thu gom, xử lý, nên không đến nỗi nào. 

Huế, nơi tôi từng sống, thì sạch sẽ, tươm tất hơn nhờ mật độ dân cư ít, cây xanh nhiều. Phú Quốc thì khác", quản lý dự án rác thải nhựa của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) chia sẻ về ấn tượng đầu tiên khi tiếp quản công việc ở đảo ngọc.

Cùng lúc, các cán bộ của dự án bắt tay vào triển khai cả "ba mũi giáp công": xúc tiến làm việc với chính quyền địa phương để kêu gọi đầu tư thu gom và xử lý rác thải; phối hợp với các doanh nghiệp để giảm số lượng đồ nhựa dùng một lần và tập huấn cho các giáo viên về ảnh hưởng của chất thải nhựa đến đa dạng sinh học.

Cứ mỗi thứ bảy đầu tiên của tháng, người dân trên đảo được huy động tham gia dọn dẹp vệ sinh ở các bãi biển. Qua hơn một năm, gần 350 tấn rác đã được thu gom trên toàn huyện đảo thông qua hoạt động thường kỳ này.

Tháng 11-2019 đánh dấu lần đầu tiên Phú Quốc ký cam kết tham gia mạng lưới Đô thị giảm nhựa do WWF khởi xướng, bước đầu tiên để cứu lấy hòn đảo ngọc đang ngập ngụa trong rác.

Không chỉ là vấn đề ý thức của người dân, rác thải nhựa đại dương từ những thành phố trong đất liền, từ Thái Lan, Campuchia hay thậm chí là từ Trung Quốc theo từng con sóng đánh tấp vào các đảo, góp phần "bức tử" môi trường của Phú Quốc. 

Những cộng đồng ở các ấp xa, nơi hệ thống thu gom chất thải tập trung còn chưa vươn tới, phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng không chỉ do rác của chính họ thải ra mà còn của rác đại dương theo mùa gió trôi dạt vào.

"Nếu cứ ở mãi trong một môi trường như thế thì dần dần con người sẽ trở nên vô cảm. Tôi đã từng chứng kiến xung quanh toàn rác là rác, mà những đứa trẻ vẫn chơi đùa hồn nhiên", chị Quỳnh chia sẻ.

Giãn cách xã hội làm tăng nhu cầu đặt thức ăn, thực phẩm mang đi, từ đó lượng rác thải nhựa dùng chủ yếu trong việc đóng gói và vận chuyển cũng tăng lên đáng kể. 

Nhiều hàng quán cũng đã bắt đầu đặt cốc nhựa dùng một lần để phục vụ nước uống. Những thói quen được vận động để thay đổi trong một năm qua coi như quay lại vạch xuất phát.

Giáo dục là chìa khóa

Để gầy dựng một lối sống bền vững, thân thiện với môi trường cần có thời gian và quá trình học đi đôi với hành - chị Dương Thùy Ly, người có hơn 6 năm làm giáo dục môi trường với các trường học trên khắp Việt Nam, đúc kết.

Chỉ đến khi chuẩn bị nội dung cho một chương trình ngoại khóa về môi trường, bạn Lương Ngọc Chung, vừa tốt nghiệp Trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước, mới thực sự ngỡ ngàng về thực tế ô nhiễm môi trường trên thế giới.

"Ở thế hệ chúng mình, vấn đề môi trường được nhắc đến thường xuyên trên tivi, mạng xã hội và báo chí nhưng liệu mọi người có quan tâm hay không là một chuyện khác", Chung nói.

Cùng một số người bạn cùng chí hướng, Chung đã tổ chức một số buổi workshop để truyền cảm hứng sống xanh cho các học sinh lớp 8 và 9 ở địa phương vì theo em, vấn đề này cần được tiếp cận càng sớm càng tốt.

Trải nghiệm với các bạn nhỏ cho chị Ly cảm nhận rằng việc học về môi trường ở Việt Nam hiện nay vẫn thiên về lý thuyết thay vì đưa ra những thực hành tốt để trẻ em làm theo và dần dần thay đổi ý thức, hành vi, để có thể ứng xử văn minh với môi trường.

"Ngay cả những trường học mong muốn được lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường vào chương trình ngoại khóa cũng không có được một khung chương trình để giáo viên có thể bám vào đó mà xây dựng hoạt động", chị Ly chia sẻ.

Động lực cho sự thay đổi, theo chị Ly, tạo ra được niềm vui nho nhỏ khi các em bỏ rác đúng chỗ, sự thích thú khi khám phá thiên nhiên và dành tình yêu đối với môi trường, tất cả điều này đều cần sự kiên nhẫn và đồng hành của cả gia đình, nhà trường và xã hội, hơn là hàng giờ các em phải ngồi nghe lý thuyết lặp đi lặp lại.

Đưa trẻ hòa mình vào thiên nhiên

Chị Ly cho rằng cần nhiều hướng đi mới trong tiếp cận giáo dục môi trường hơn là tập trung vào nỗi sợ hãi và sự hủy diệt.

Ở Phú Quốc, cuốn truyện tranh Bí ẩn của Đảo Lớn được trao đến tận tay hơn 22.000 học sinh giữa năm 2020.

Đó là câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu của ba bạn nhỏ và một chú chó trên hành trình chống lại binh đoàn rác mà trong đó, những kiến thức về rác thải nhựa được lồng ghép rất sinh động.

"Nếu các bạn nhỏ được tạo điều kiện về với thiên nhiên nhiều hơn để biết rằng môi trường xung quanh không chỉ có căn nhà của mình mà còn không gian xanh thì sẽ có cảm nhận bằng năm giác quan sự liên kết của bản thân mình với cây cỏ, hoa lá và nuôi dưỡng tình yêu đối với môi trường. Lúc đó, mọi thứ sẽ khác theo chiều hướng tốt dần lên", chị Ly kỳ vọng.

Biến rác biển thành... học bổng Biến rác biển thành... học bổng

TTO - Ngoài những tấn cá mực sau các chuyến đi biển dài ngày, con tàu cá hơn 1.000CV của anh Trần Văn Cường còn đem về đất liền hàng chục ký rác thải là vỏ chai nhựa, vỏ lon được vớt trên biển.

KHOA THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên