Thế tay ba Mỹ - Israel - Iran

HỮU NGHỊ 26/11/2023 11:26 GMT+7

TTCT - Cuộc khủng hoảng Gaza hiện tại phản ánh mối thâm thù giữa Iran với Mỹ và Israel. Lần này, mỗi bên trong một tư thế khác trước.

Ảnh: The Atlantic

Ảnh: The Atlantic

Israel đang quyết liệt đối đầu với những cánh tay của Tehran, Washington vẫn đang chừng mực, còn Iran thì có vẻ "kính nhi viễn chi".

Trưa thứ hai 13-11, Hãng tin Al Jazeera của Qatar loan tin, theo các quan chức Gaza, các cuộc không kích của Israel ở Gaza đã giết chết hơn chục người và phá hủy khoa tim của bệnh viện chính. 

Tờ Haaretz của Israel thì chạy tít kép: "Hai binh sĩ Israel thiệt mạng trong chiến đấu ở Gaza; Mỹ không kích các mục tiêu liên quan đến Iran ở Syria". Trong khi tờ Tehran Times của Iran giựt tít: "Hội nghị thượng đỉnh Riyadh nhấn mạnh sự trở lại của Iran".

Hai mũi giáp công

Sáng thứ hai 13-11, tờ Haaretz của Israel phát đi cảnh báo: "Trong khi cuộc chiến ở miền nam đã lan đến trung tâm Gaza, chiến sự đã leo thang hơn nữa dọc biên giới phía bắc". Cụ thể, 15 vụ phóng tên lửa từ Lebanon đã được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác định. 

Lực lượng phòng không của IDF đã chặn được 4 vụ phóng, số còn lại rơi vào khu vực trống trải, và 7 binh sĩ IDF bị thương do đạn cối, theo Haaretz.

Nỗi lo của IDF và Israel nói chung hiện giờ là giao tranh lan xuống từ khu vực biên giới với Lebanon, trở thành một cuộc đối đầu khác, với một đối thủ nguy hiểm hơn Hamas ở Gaza nhiều: Hezbollah. Israel sẽ không chỉ rơi vào thế "lưỡng đầu thọ địch", mà còn đứng trước nguy cơ "đụng chạm" tới các "ông chủ" đứng sau.

Cũng tờ Haaretz mới tuần trước: "Hezbollah bắt đầu các cuộc tấn công cường kích, ban đầu nhằm vào lực lượng IDF gần biên giới, sau đó xa hơn về phía nam, bao gồm cả việc bắn tên lửa vào Acre và vùng ngoại ô Krayot Haifa". 

Chi tiết sau cùng này, ngoại ô thị trấn cảng Haifa, là diễn biến mới đáng báo động: cảng này là một thành phố đông đúc dân cư (gần 300.000 người), không phải gần biên giới, mà nằm sâu trong lãnh thổ Israel.

Haaretz nhấn mạnh: "Chính thức mà nói, phe Hamas đã phóng các tên lửa này, song rõ ràng là phe Hezbollah đã giựt dây" và bình luận: "Tổ chức theo phái Hồi giáo Shia này đang chơi trò chơi nguy hiểm có thể dẫn đến việc (Israel) phải mở mặt trận thứ hai". 

Bình luận này phản ánh điều mà IDF và chính quyền Israel đang không muốn thấy tái diễn khi chiến cuộc ở Gaza đã bước sang tuần lễ thứ 6: một mặt trận mở rộng nữa ở phía bắc. 

Cần nhắc, nếu mặt trận này mở ra thì đối thủ sẽ là Hezbollah, mà trong cuộc đọ sức lớn gần nhất vào năm 2006 kéo dài 34 ngày trên lãnh thổ Lebanon và cao nguyên Golan, Israel coi như đã thất bại. 

Được coi là trận chiến "ủy nhiệm từ xa" của Iran, xung đột khi đó đã khiến khoảng 1.300 người Lebanon và 165 người Israel thiệt mạng; khoảng 1 triệu người Lebanon và 300.000 người Israel phải di tản.

Mối thâm thù mới mẻ

Những gì đã xảy ra từ tuần trước gây nỗi lo một "bản sao y có chứng thực" của trận chiến năm 2006 sẽ tái diễn. 

Đã xảy ra những pha tấn công bằng tên lửa nhằm vào các vị trí quân sự của Israel gần bờ biển và làng biên giới Zar'it cũng như thị trấn Shlomi, sáu vị trí quân sự của Israel trúng đạn và các camera giám sát bị phá hủy; chưa kể những vụ xâm nhập biên giới, tấn công một đội tuần tra của Israel trên hai chiếc Humvee. 

Vũ khí được sử dụng là chất nổ và tên lửa chống tăng, giết chết ba binh sĩ, làm hai người bị thương, và hai binh sĩ Israel khác bị bắt làm tù binh.

Không chỉ giống nhau trong các chi tiết, điểm mấu chốt là người ra lệnh cuộc tấn công năm 2006 cũng như năm 2023 này là một: thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, mà cả thế giới đều biết là "cánh tay nối dài" của Iran và rất hận thù Israel. 

Al Jazeera 31-10 nhắc lại: "Hezbollah, nghĩa là Đảng của Thượng đế, thành lập vào những năm 1980 trong cuộc nội chiến ở Lebanon, để đoàn kết các phe phái khác nhau của người Hồi giáo Shia thiểu số và cung cấp các dịch vụ xã hội khi nhà nước Lebanon tan rã. Được khích lệ bởi thành công ban đầu và sự hậu thuẫn của Iran, Hezbollah đã phát triển một lực lượng vũ trang nhanh chóng trở thành lực lượng chiến đấu đáng gờm".

Còn hiện tại, amwaj.media cho biết: "Chỉ huy lực lượng Quds (nhánh tình báo và chiến tranh đặc biệt của lực lượng Vệ binh cách mạng IRGC lừng lẫy) của Iran là Esmail Qa'ani đang có mặt tại Lebanon khi các cuộc đụng độ giữa Hezbollah và Israel tiếp tục diễn ra". 

"Nhiều nguồn thông tin cho biết Esmail Qa'ani đã đến Beirut một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel hôm 7-10. Ông được cho là đã rời Lebanon hôm 16-10 và trở lại hôm 20-10. Các nguồn thông tin cho biết trọng tâm sứ mệnh của ông là giúp điều phối một cuộc đối đầu có thể xảy ra ở quy mô lớn hơn với Israel".

Quds (viết tắt của "Lực lượng Jerusalem") là một trong năm nhánh của IRGC chuyên về chiến tranh đặc biệt và tình báo quân sự ngoài lãnh thổ. Quds hỗ trợ các tổ chức phi nhà nước ở nhiều quốc gia, bao gồm Hezbollah, Hamas, thánh chiến Hồi giáo Palestine, lực lượng Houthi ở Yemen và dân quân Shia ở Iraq, Syria và Afghanistan. 

Quds báo cáo trực tiếp cho thủ lĩnh tối cao Iran, giáo chủ Khamenei, chứ không phải tổng thống hay nội các nước này. Tướng Qassem Soleimani bị UAV của Mỹ sát hại trong vụ việc chấn động hôm 3-1-2020 khi trên đường công cán Iraq chính là chỉ huy lực lượng này. (Vụ đó diễn ra khi ông Soleimani đang trên đường ra sân bay Baghdad để về nước, và người ra lệnh tấn công là đích thân tổng thống Mỹ lúc đó Donald Trump). 

Thay ông là người phụ tá Qa'ani, người đang chỉ đạo cuộc chiến từ Lebanon. Cũng amwaj cho biết: "Các cuộc họp gần đây của Qa'ani là để điều hành chung. Qa'ani đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Palestine và lãnh đạo phong trào Hezbollah ở Lebanon, truyền tải thông điệp từ lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Còn người "bấm nút" là Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của Hezbollah".

Ảnh: The Atlantic

Ảnh: The Atlantic

Đến đây, cần dừng lại để đặt câu hỏi: phải chăng Iran và Israel đã thù ghét nhau từ "nghìn đời" nên cứ nghĩ đến chuyện tấn công nhau và trả đũa nhau? 

Thiệt ra, hai bên mới chỉ đối kháng nhau từ 44 năm qua thôi, chính xác là sau năm 1979, khi ở Iran nổ ra cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ vương triều Pahlavi cai trị từ năm 1925. Suốt hơn nửa thế kỷ cho tới cuộc cách mạng 1979 đó, mối quan hệ giữa Iran và Israel không có gì thù địch. 

Trái lại, Iran là quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi thứ hai công nhận Israel sau khi Nhà nước Israel thành lập năm 1948. Quan hệ giữa vương triều Pahlavi với Israel tốt đến mức Iran không chỉ bán dầu cho Israel mà còn xây dựng đường ống để dẫn dầu từ Iran qua Israel rồi sang châu Âu. 

Thậm chí cơ quan an ninh và tình báo Savak của Iran từng được huấn luyện bởi tình báo Mossad của Israel!

Thù oán với Mỹ

Nhưng giáo chủ Khomeini không phải là quốc vương Reza Pahlavi. Ngay từ những năm 1960, ông Khomeini đã lên án cả vương triều Iran lẫn Mỹ sau thỏa thuận quy định rằng quân nhân Hoa Kỳ triển khai ở Iran khi phạm pháp sẽ bị xét xử trước tòa án quân sự của Mỹ, chứ không phải tòa án Iran. 

Khomeini từng bị bắt vì hoạt động chống đối vào tháng 11-1964 và bị giam nửa năm. Sau khi được trả tự do, ông tìm đường lưu vong và sau 14 năm lưu lạc xứ người, trở lại Iran vào ngày 1-2-1979 trong huy hoàng cùng cuộc cách mạng Hồi giáo, được 5 triệu người dân Iran chào đón.

Cuộc trưng cầu ý dân cuối tháng 3-1979, với câu hỏi "Có đồng ý bãi bỏ chế độ quân chủ để ủng hộ một chính phủ Hồi giáo không?" đã cho kết quả 98% phiếu ủng hộ. Giáo chủ Khomeini trở thành thủ lĩnh tối cao. 

Trong khí thế sôi sục đó, ngày 4-11-1979, một nhóm sinh viên đại học Iran tự xưng là sinh viên Hồi giáo theo đường lối của giáo chủ, đã chiếm tòa đại sứ Mỹ ở Tehran, bắt giữ 52 nhân viên làm con tin trong 444 ngày của vụ khủng hoảng con tin Iran nổi tiếng lịch sử. Từ đó trở đi, quan hệ Mỹ - Iran rơi vào đối đầu không thể cứu vãn.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Tất nhiên, tư cách siêu cường khiến Mỹ không thể tạo cảm giác Iran chiếm ưu thế hoàn toàn trong khu vực Trung Đông trọng yếu. 

Chính vì vậy nên mới có những vụ không kích ở Syria tuần trước, mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc họp báo tại Hàn Quốc hôm 13-11 đã xác nhận: "Đêm qua, lực lượng Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tấn công chính xác ở miền đông Syria nhằm vào hai cơ sở được Lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran và các nhóm liên kết". 

"Những cuộc tấn công này nhằm phá vỡ và làm suy giảm khả năng tự do hành động của các nhóm này, vốn chịu trách nhiệm trực tiếp cho các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria". 

Ông Austin còn răn đe: "Những cuộc tấn công này phải dừng lại, và nếu chúng không dừng lại, chúng ta sẽ không ngần ngại làm những gì cần thiết, một lần nữa, để bảo vệ quân đội của chúng ta".

Sau đó, Bộ trưởng Austin chuyển qua chuyện Hezbollah: "Về mức độ đe dọa từ Hezbollah ở phía bắc, những gì chúng ta đã thấy suốt cuộc xung đột này là những đòn ăn miếng trả miếng giữa Hezbollah và lực lượng Israel ở phía bắc. Vì vậy, đây tất nhiên là mối đe dọa, và là mối đe dọa mà Lực lượng Phòng vệ Israel không thể xem nhẹ".

Trong tiềm thức, Israel, Mỹ và Iran đều có những ký ức xung đột xuất phát từ những hiềm khích đã nửa thế kỷ, dù mỗi bên có những thể hiện khác nhau. Việc giải quyết chúng vì thế không thể trong ngày một ngày hai.■

"(Hezbollah) đang chơi trò chơi nguy hiểm có thể dẫn đến việc (Israel) phải mở mặt trận thứ hai"

Báo Israel Haaretz

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận