13/01/2024 08:52 GMT+7

Thí sinh cẩn thận với những đề án tuyển sinh phát tán trên mạng xã hội

Mạng xã hội đang đưa lại nhiều đề án tuyển sinh cũ, không chính xác so với quy định năm nay, thí sinh cần thận trọng. Đại diện Bộ GD-ĐT lưu ý tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Nghệ An sáng 13-1.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, lưu ý thí sinh tại chương trình tư vấn sáng 13-1 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, lưu ý thí sinh tại chương trình tư vấn sáng 13-1 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Mạng xã hội đang đưa lại nhiều đề án tuyển sinh cũ

Cụ thể, theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), mạng xã hội đang đưa lại nhiều đề án cũ, không chính xác so với quy định năm nay. Thí sinh cần nắm rõ các điều kiện, quy định sơ tuyển đầu vào (nếu có) để tránh việc không đủ điều kiện, dẫn tới "đỗ thành trượt" như nhiều trường hợp phải xử lý các năm trước.

"Thí sinh cần đọc kỹ đề án để tránh sai sót và đảm bảo đó là đề án chính thức mới nhất của các trường", ông nhắc nhở.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc lại một điểm mới từng áp dụng từ năm 2023 là khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển thí sinh không phải đăng ký theo tổ hợp/phương thức, mà chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo (trước đó mỗi nguyện vọng của thí sinh đăng ký phải theo một tổ hợp/phương thức).

Tuy nhiên, thí sinh cần cung cấp đầy đủ các minh chứng mình có để đảm bảo tận dụng hết các cơ hội xét tuyển, tương ứng với các phương thức mà các cơ sở đào tạo áp dụng. Hệ thống xét tuyển sẽ xử lý dữ liệu để xác nhận cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng đủ điều kiện.

Một bạn học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một bạn học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thí sinh đã được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển của các trường mình đăng ký vẫn phải đăng ký lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT theo thời hạn, quy định. Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng. Nhưng hệ thống sẽ chỉ xác nhận nguyện vọng duy nhất được đặt ưu tiên cao nhất.

Vì thế khi xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, thí sinh cần lưu ý sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng để đảm bảo mình có thể đỗ với nguyện vọng mình mong muốn hơn trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Ông Hùng cũng lưu ý thí sinh trong diện được cộng điểm ưu tiên cần cung cấp đủ minh chứng. Mỗi thí sinh sẽ được cung cấp một tài khoản để đăng ký dự thi và sử dụng trong quá trình xét tuyển, nhập học.

Nhiều băn khoăn với thi đánh giá năng lực, tư duy

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ với thí sinh về kỳ thi đánh giá năng lực - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ với thí sinh về kỳ thi đánh giá năng lực - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nhiều thí sinh Nghệ An quan tâm đến các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy vì còn quá mới. Có thí sinh lo mình không có điều kiện ôn thi thì khó có thể đạt điểm tốt. Cơ hội trúng tuyển cũng thấp nếu các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức sử dụng phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐHQG TP.HCM khẳng định kỳ thi đánh giá năng lực dành cho mọi học sinh, không phải chỉ là cơ hội của học sinh ở thành phố. Ông cũng khuyên thí sinh đừng vội "định vị năng lực" của mình là yếu, kém khi chưa thực sự tham gia kỳ thi này. Vì với "thước đo" mới, kỳ thi có thể định vị gần sát với năng lực thật sự của thí sinh.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội cũng cho biết: Nhiều thí sinh tự tin vào kết quả học tập nhưng khi tham gia thi mới biết chưa đạt được đến mức mình nghĩ. Tuy nhiên, thí sinh đừng quá lo lắng mà hãy bình tĩnh có kế hoạch ôn tập bám sát kiến thức, kỹ năng của chương trình phổ thông ở các môn học có liên quan tới các lĩnh vực trong nội dung đề thi thì có thể đạt kết quả tốt. Kỳ thi đánh giá năng lực hay tư duy giúp thí sinh định vị cho mình ở vị trí nào về năng lực.

Thí sinh có thể sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương khẳng định thí sinh có thể sử dụng tất cả các phương thức tuyển sinh để xét tuyển vào một trường/ngành đào tạo nếu phương thức đó nằm trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo. 

Cô cho biết Trường ĐH Ngoại thương giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm trước nhưng có một điểm thí sinh cần lưu ý là các phương thức sử dụng học bạ hoặc học bạ kết hợp với chứng chỉ quốc tế thì phải đảm bảo ngưỡng điểm thi tốt nghiệp THPT theo quy định của trường.

Với Trường ĐH Ngoại thương, cô lưu ý thí sinh xét tuyển bằng phương thức có sử dụng học bạ thì cần có điểm thi THPT của 1 trong các tổ hợp xét tuyển của trường từ 24 điểm trở lên.

Muốn làm hiệu trưởng ĐH Vinh thì học trường nào?

Các bạn học sinh bật cười trước câu trả lời dí dỏm của Ban cố vấn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các bạn học sinh bật cười trước câu trả lời dí dỏm của Ban cố vấn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

"Hầu hết các hiệu trưởng trường ĐH Vinh đều là cựu sinh viên trường ĐH Vinh", TS Hoàng Vinh Phú, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Vinh chia sẻ trước một câu hỏi làm cho tiếng cười của các bạn học sinh át cả tiếng mưa tầm tã: Muốn làm hiệu trưởng ĐH Vinh thì học trường nào?

Các thầy trong ban tư vấn cho rằng nếu các sinh viên đều nghiêm túc, tận dụng hết các cơ hội ở môi trường học đại học để học tập, nghiên cứu, rèn luyện thì đều có cơ hội trở thành các thủ lĩnh trong một lĩnh vực nào đó.

"Các em học giỏi, có năng lực và kỹ năng tốt thì không chỉ có thể làm hiệu trưởng trường ĐH Vinh mà có đủ khả năng làm hiệu trưởng nhiều trường ĐH khác", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói. 

Đây chỉ là một câu hỏi mang đến không khí nhẹ nhàng cho buổi tư vấn, nhưng thông điệp các thầy, cô gửi đến thí sinh vẫn là phải học thực chất và đừng vội bằng lòng với bản thân trong hành trình học tập vì sự học là suốt đời nếu các bạn trẻ muốn chinh phục các đỉnh cao trí tuệ cũng như trở thành những nhà lãnh đạo, người đứng đầu trong các lĩnh vực công việc, cuộc sống.

Bạn Nguyễn Thành Trung - học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh đặt câu hỏi liên quan đến việc cách tính điểm cộng khi đạt thành tích học sinh giỏi giữa học sinh trường chuyên và trường thường. Câu hỏi của Trung nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh, phụ huynh - Ảnh: DOÃN HÒA

Bạn Nguyễn Thành Trung - học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh đặt câu hỏi liên quan đến việc cách tính điểm cộng khi đạt thành tích học sinh giỏi giữa học sinh trường chuyên và trường thường. Câu hỏi của Trung nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh, phụ huynh - Ảnh: DOÃN HÒA

"Học ngoại ngữ không biết làm nghề gì?"

Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội chia sẻ: Tất cả các chương trình ngôn ngữ đều có định hướng nghề nghiệp trong đó như truyền thông, du lịch, thương mại… Ở nhiều vị trí nghề nghiệp, người có ngoại ngữ tốt kết hợp với kiến thức chuyên ngành sẽ có thế mạnh trong bối cảnh hội nhập.

Cô Phương cho biết các ngành ngoại ngữ hiện nay độ "hot" tương ứng với sự phát triển của thị trường lao động. Cụ thể, Tiếng Anh hiện tại đã bị soán ngôi bởi Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật do thị trường lao động với các nước này phát triển.

Tuy nhiên cô Phương cũng cho biết khi học các ngành ngôn ngữ, sinh viên thường được học 2 ngoại ngữ. Việc chọn một ngoại ngữ đang hot và Tiếng Anh là ngoại ngữ có tính thông dụng là phổ biến.

Nhiều người làm trái ngành ảnh hưởng đến cơ hội việc làm ở một số lĩnh vực, làm thế nào để giảm bớt?

Học sinh nghe thẩy cô tư vấn sáng 13-1 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Học sinh nghe thẩy cô tư vấn sáng 13-1 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Với câu hỏi này của thí sinh, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội cho rằng tình trạng "làm trái ngành" nhiều khi do thí sinh đã chọn sai từ đầu. Các em đã không được hướng nghiệp sớm, không có thông tin đầy đủ trước khi lựa chọn hoặc chịu những tác động khách quan khác dẫn tới chọn sai.

"Chính vì điều đó mà chúng tôi ngồi ở đây để cố gắng hỗ trợ các bạn có hình dung và thông tin gần nhất với những nghề nghiệp tương lai mà các bạn dự định chọn. Việc chọn đúng ngay từ đầu, phù hợp với sở thích, sở trường, ước mơ sẽ giúp các bạn dễ dàng vượt qua trở ngại trong việc học tập ở trường đại học và có chỉ số thành công cao hơn sau này", thầy Thảo cho biết.

Thầy Thảo cũng cho rằng mỗi ngành, nhóm ngành sẽ có nhu cầu việc làm khác nhau ở mỗi thời điểm. Có ngành hiện tại có nhu cầu việc làm lớn nhưng 5-7 năm nữa sẽ bão hòa. Nên để lựa chọn ngành có cơ hội việc làm tốt, cần có thông tin dự báo nhu cầu nhân lực ở thời điểm sau khi sinh viên ra trường. Nhưng thầy Thảo cũng cho rằng nếu có năng lực, kỹ năng tốt thì không sợ thất nghiệp.

Các giảng viên tại ĐH Bách Khoa đang tư vấn cho các bạn học sinh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các giảng viên tại ĐH Bách Khoa đang tư vấn cho các bạn học sinh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Mặc dù trời mưa nhưng rất đông học sinh tại tỉnh Nghệ An đã đến tham dự chương trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Mặc dù trời mưa nhưng rất đông học sinh tại tỉnh Nghệ An đã đến tham dự chương trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Học sinh được tư vấn tại gian tư vấn của Trường đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: LÊ MINH

Học sinh được tư vấn tại gian tư vấn của Trường đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: LÊ MINH

Học sinh lớp 11 đến để chuẩn bị, lớp 12 đến để chốt ngành

Tại gian tư vấn riêng, cô Phan Thị Dương, khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng, cho biết đa số các học sinh đến nhờ tư vấn thông tin liên quan đến phương thức xét tuyển, trường có những ngành nào.

"Nhiều học sinh đã có định hướng cho nghề nghiệp tương lai, vào tư vấn là hỏi ngay về ngành học mong muốn. Có học sinh nhờ tư vấn ngành nghề theo tính cách. Các bạn lớp 11 đến nhờ tư vấn khá nhiều để chuẩn bị các điều kiện xét tuyển và định hướng, còn học sinh lớp 12 đến "chốt" phương thức xét tuyển, ngành học", cô Dương nói.

Em Lê Hải Duy, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cho hay em có định hướng thi vào ngành y khoa Trường đại học Y Hà Nội bằng khối B00. Duy đã vào 4 gian tư vấn của 4 trường khác nhau để nghe thêm thông tin từ các thầy cô.

"Tại gian tư vấn của Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Khoa học tự nhiên, em nhờ tư vấn các ngành liên quan đến kỹ thuật, công nghệ sinh học, tại Trường đại học CMC em tìm hiểu về ngành thiết kế đồ họa.

Còn tại Học viện Ngân hàng, sau khi được tư vấn ngành theo tính cách, em cảm thấy mình phù hợp với ngành Maketing. Sau những tư vấn của các thầy cô em sẽ xem xét kỹ lưỡng để có lựa chọn phù hợp nhất", Duy cho biết.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đầu tiên năm 2024 tại miền Bắc

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đầu tiên năm 2024 tại miền Bắc diễn ra sáng 13-1 tại Trường đại học Vinh (số 2 đường Bạch Liêu, TP Vinh, Nghệ An). Không chỉ học sinh lớp 12 mà nhiều học sinh xứ Nghệ ở lớp 10, 11 cũng có mặt để có định hướng sớm hơn trong việc lựa chọn ngành học ở cấp đại học, cao đẳng, chọn nghề nghiệp tương lai.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tỉnh Đoàn Nghệ An, Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức, với tài trợ của Tập đoàn Vingroup.

Đây là năm thứ 9 chương trình này tổ chức tại Nghệ An và ghi nhận những tác động tích cực đến học sinh cuối cấp THPT trong việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai ở giai đoạn quan trọng chuẩn bị đăng ký dự thi và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Chương trình thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều cơ sở đào tạo với gần 70 gian tư vấn riêng. Bên cạnh đó, phiên tư vấn của ban tổ chức diễn ra trong buổi sáng hứa hẹn mang đến cho học sinh và các bậc phụ huynh nhiều thông tin chính xác, cần thiết.

Ngay ở thời điểm này, nhiều cơ sở đào tạo đã xây dựng phương án tuyển sinh năm 2024 và những học sinh đến với chương trình tư vấn sẽ là những người được tiếp cận sớm nhất với những thông tin này. Tuy nhiên, điều cần thiết hơn mà nhiều học sinh, cùng các bậc phụ huynh có thể tham khảo, thu nhận ở chương trình là những chia sẻ về ngành nghề khác nhau.

Theo một số trường đại học lớn khu vực Hà Nội, Nghệ An là một trong những địa phương ở miền Bắc có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 12 vào học đại học cao, nhiều em có điểm đầu vào ở tốp đầu. Chính vì thế, các trường cũng hào hứng hơn khi tham gia chương trình để có thể tiếp xúc trực tiếp, tư vấn cụ thể cho học sinh ở nơi này.

Còn theo đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An thì trong nhiều năm phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình này, các nhà trường xem đây là sự kiện để chờ đợi vào mỗi dịp đầu năm vì thiết thực với học sinh cuối cấp THPT.

2 ngày cuối tuần bùng nổ với 5 chương trình tư vấn tuyển sinh2 ngày cuối tuần bùng nổ với 5 chương trình tư vấn tuyển sinh

Năm chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sẽ đồng loạt diễn ra trong hai ngày cuối tuần này, hứa hẹn đón tiếp hàng chục ngàn học sinh và phụ huynh đến tham dự.

Thí sinh cẩn thận với những đề án tuyển sinh phát tán trên mạng xã hội- Ảnh 12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên