23/12/2017 15:18 GMT+7

Thường xuyên bị mất ngủ

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Người ta dùng từ mất ngủ để chỉ sự giảm sút về thời gian và độ sâu hoặc hiệu quả phục hồi của giấc ngủ.

Thường xuyên bị mất ngủ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: medicalnewstoday.com

Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ, có thể chỉ là những lo âu hay căng thẳng nào đó trong đời sống hàng ngày chưa được giải quyết ổn thỏa; những hành vi cá nhân như hút thuốc lá, uống cà phê nhiều, thay đổi múi giờ khi đi xa, làm việc ca đêm, ăn quá nhiều quá no trong đêm; hoặc những bệnh lý thực thể đều có thể gây mất ngủ.

Người ta dùng từ mất ngủ để chỉ sự giảm sút về thời gian và độ sâu hoặc hiệu quả phục hồi của giấc ngủ. Cũng có thể nói mất ngủ khi khó ngủ hoặc trong giấc ngủ có quá nhiều chu kỳ thức và để lại một cảm giác lúc nào cũng thiếu ngủ.

Đối với người trưởng thành một ngày ngủ tối thiểu là 8 tiếng, nếu ngủ không đủ giấc hay mất ngủ kéo dài có thể gây ra các bệnh giảm trí nhớ, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, trầm cảm…

Trẻ nhỏ mất ngủ nhiều sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, rối loạn về hành vi, khả năng nhận thức, khó tập trung trong lớp học…

Có thể phân ra 2 nhóm nguyên nhân gây mất ngủ như sau:

Mất ngủ do sinh hoạt

- Do hút thuốc lá, uống nhiều cà phê, do ăn nhiều nặng bụng trong đêm, ăn nhiều chất kích thích...

- Do rối loạn lịch thức ngủ trong ngày, như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không thường xuyên, do thay đổi múi giờ chênh lệch như khi đi du lịch đến các vùng có mức chênh lệch múi giờ từ 6-24 giờ.

- Do căng thẳng lo âu nhiều trong học tập, làm việc, trong cuộc sống hàng ngày.

- Do phân bổ giờ giấc ngủ không hợp lý, ngủ ngày quá nhiều.

Ngoài ra, theo sự phát triển tâm sinh lý ở mỗi người, chu kỳ thức ngủ sẽ thay đổi dần theo tuổi tác. Ở người cao tuổi, thời gian ngủ sẽ ít dần, có khuynh hướng ngủ muộn hơn và thức dậy sớm hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của giấc ngủ, sau khi ngủ dậy phải cảm thấy tinh thần sảng khoái, phấn chấn, thích làm việc.

Mất ngủ do nguyên nhân thực thể

- Do dùng thuốc để điều trị bệnh: Như các thuốc điều trị đau đầu có chứa cafein, thuốc chống viêm như corticoide, thuốc lợi tiểu v.v...

- Do bệnh lý: Các bệnh lý gây mất ngủ như đau đầu do viêm xoang, do tăng huyết áp, đau do viêm loét dạ dày tá tràng, đau do zona, đau do kích thích thần kinh, đau trong bệnh khớp xương v.v... Việc điều trị phải chú ý vào nguyên nhân gây bệnh.

- Do loạn tâm thần chức năng hoặc thực thể, hoặc do trầm cảm.

Điều trị chứng mất ngủ

Điều trị chứng mất ngủ chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với điều trị nguyên nhân nếu xác định được nguyên nhân gây mất ngủ. Vấn đề chẩn đoán xác định cũng như chỉ định điều trị nên theo ý kiến của thầy thuốc.

Về nguyên tắc điều trị

Loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ

Nếu cố gắng tìm hiểu, người bệnh sẽ biết một phần nguyên nhân gây mất ngủ, thí dụ uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều chất cay nóng, ăn quá no vào buổi tối, đi du lịch đến nơi có sự thay đổi múi giờ quá lớn, do căng thẳng trong công việc... Sau khi tìm biết được nguyên nhân, người bệnh có thể sẽ tự điều chỉnh để ngủ được mà không cần nhờ đến thuốc. Nên tạo tâm trạng thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ, giường ngủ cần đặt nơi thoáng mát, chăn màn sạch sẽ v.v...

Dùng thuốc ngủ, kết hợp với dùng thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh

Theo y học cổ truyền (YHCT), việc điều trị cũng theo các nguyên tắc như trên, ngoài thuốc, YHCT còn có các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, dưỡng sinh để giúp cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn.

Không dùng thuốc:

Dưỡng sinh: Tập các động tác như thư giãn, thở 4 thì, động tác tam giác, xoa đầu mặt cổ, bấm huyệt (Xoa, day, bấm huyệt Nội quan, Túc tam lý, Tam âm giao).

Dùng thuốc:

Để chỉ định điều trị, cần phải có chẩn đoán thật chính xác của các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, có một số cây cỏ là rau ăn vừa có thể dùng làm thuốc và không độc. Chẳng hạn như hạt sen, long nhãn, mật ong, đậu xanh, đậu đen, táo tàu... có tác dụng an thần, trị mất ngủ. Một số thức ăn như chuối, các loại hạt quả, đậu phộng (lạc)... giúp điều hòa giấc ngủ. Các loại cây cỏ như lạc tiên (chùm bao, nhãn lồng) có thể dùng riêng, luộc hoặc hấp và dùng ăn như rau giúp ngủ ngon, hoặc phối hợp với lá dâu tằm, lá vông, tim sen nấu nước uống trị mất ngủ; trúc diệp (lá tre); toan táo nhân (hột trái táo ta, táo chua) nấu nước uống thay nước trà, giúp giấc ngủ mau đến, có thể xem là một loại thuốc ngủ.

Những vị thuốc đơn giản giúp ngủ ngon:

- Lá vông (vông nem): Chọn lấy lá  vông bánh tẻ, tước bỏ cuống và gân lá, rửa sạch sắc uống, ngày 2-4 g, trị các chứng khó ngủ, mất ngủ. Thận trọng với trường hợp dạ dày bị loét.

- Ngải tượng (củ cây bình vôi): Ngải tượng có tác dụng an thần, gây ngủ, hạ huyết áp, hạ nhiệt khi sốt… Tác dụng này là do  thành phần  ancaloid: L-Tetrahydropalmatin  đưa lại, được dùng trong các trường hợp mất ngủ thường xuyên, ho hen, sốt, lỵ, đau bụng, có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, hay bột, với liều 6 – 10g/ngày.

- Lạc tiên: Dùng bộ phận trên mặt đất, cắt thành từng đoạn 5 – 7cm, rửa sạch, phơi khô. Sao vàng, sắc uống, ngày 8 – 12g để trị các trường hợp mất ngủ, hoặc tim hồi hộp, tâm phiền muộn, người bứt dứt, khó chịu.

- Liên tâm (tâm hạt sen): Ngày dùng 4-8g, tâm sen sao vàng sắc nước uống, hãm như trà, chữa bệnh mất ngủ, những người hư nhiệt, huyết áp thấp không nên dung kéo dài.

Các vị thuốc trên có thể dùng độc vị hay kết hợp với các vị thuốc khác thành bài để có hiệu quả cao hơn.

Day bấm các huyệt

Ngoài ra chúng ta có thể xoa bóp day bấm các huyệt sau ngày một đến hai lần phòng trị mất ngủ. Cách này hiệu quả cao mà không gây hại:

- Huyệt nội quan: Ở chính giữa lằn chỉ cổ tay phía trong đo lên hai thốn; có tác dụng định tâm thần. Chữa mất ngủ, tim hồi hộp, đau nhói vùng tim, hạ huyết áp, nấc đau dạ dày, nôn mửa.

- Huyệt thần môn: Ở chỗ lõm sát xương đậu trên nếp gấp cổ tay phía sau gan ngón tay út gần động mạch trụ. Chữa mất ngủ, hay quên, hoảng sợ, suy nhược thần kinh, đau nhói vùng tim.

- Huyệt tam âm giao: Ở lồi cao mắt cá trong đo lên 3 thốn (hoặc khép 4 ngón tay lại), sau bờ xương chày 2 phân. Chữa đau đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh, đau bụng.

- Huyệt bách hội: Ở đỉnh đầu, chỗ lõm nơi gặp nhau của đường nối hai mỏm tai và đường bổ dọc đầu. Chữa đau đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh,.

- Ấn đường: Điểm giữa khoảng hai đầu lông mày, thẳng sống mũi lên, có tác dụng định thần trí, thanh nhiệt, an thần, chữa mất ngủ.

Với những cách điều trị đơn giản này, các bạn có thể tự điều trị tại nhà đơn giản nhưng rất hiệu quả. Kiên trì điều trị giúp các bạn có được những giấc ngủ ngon.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên