27/02/2024 06:54 GMT+7

Tin tức thế giới 27-2: Thụy Điển rộng đường vào NATO; Pháp không loại trừ đưa quân đến Ukraine

Các nước hoan nghênh Thụy Điển sắp vào NATO; Tổng thống Pháp không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine; ông Biden và ông Trump đến biên giới cùng ngày, cạnh tranh vấn đề nhập cư; ông Navalny sắp tự do trước khi đột tử... là tin tức đáng chú ý.

Các binh lính tham gia cuộc tập trận của NATO ở Drawsko Pomorskie, Ba Lan, ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Các binh lính tham gia cuộc tập trận của NATO ở Drawsko Pomorskie, Ba Lan, ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Các nước hoan nghênh Thụy Điển vào NATO

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết ngày 26-2 là một "ngày lịch sử" sau khi Quốc hội Hungary phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xóa bỏ trở ngại cuối cùng để Stockholm gia nhập liên minh quân sự này.

"Quốc hội của tất cả các quốc gia thành viên NATO hiện đã bỏ phiếu ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO. Thụy Điển sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương", ông Kristersson viết trên mạng xã hội X.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá động thái của Budapest là "thắng lợi cho tất cả", nhấn mạnh sự gia nhập của Thụy Điển sẽ giúp củng cố an ninh châu Âu và toàn cầu. Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố sẵn sàng chào đón thành viên thứ 32 của liên minh quân sự này.

"Chúng tôi muốn chào đón Thụy Điển cùng với Phần Lan gia nhập liên minh NATO sớm", người phát ngôn Karine Jean-Pierre của Nhà Trắng nói, đồng thời cho biết Mỹ hy vọng Chính phủ Hungary nhanh chóng hoàn tất thủ tục cho phép Thụy Điển gia nhập NATO.

Trước đó cùng ngày, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu phê chuẩn yêu cầu của Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn. Dự kiến, dự luật này sẽ được tổng thống Hungary ký ban hành thành luật trong vài ngày tới.

Sau khi từ bỏ chính sách trung lập để đăng ký tham gia NATO vì nổ ra xung đột Nga - Ukraine, các lãnh đạo Thụy Điển đã có những tuyên bố cứng rắn hơn. Tháng trước, tướng Per Micael Buden, tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, nói rằng người dân Thụy Điển "phải chuẩn bị tinh thần cho chiến tranh".

Hungary gật đầu sau khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) đến Budapest và gặp người đồng cấp Viktor Orban ngày 23-2 - Ảnh: AFP

Hungary gật đầu sau khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) đến Budapest và gặp người đồng cấp Viktor Orban ngày 23-2 - Ảnh: AFP

* Hungary bầu tổng thống mới

Ngày 26-2, Quốc hội Hungary đã bầu ông Tamas Sulyok làm tổng thống thay thế người tiền nhiệm Katalin Novak từ chức hồi đầu tháng này do vụ bê bối ân xá cho một người đàn ông bị kết tội lạm dụng trẻ em.

Theo Hãng tin AFP, ông Sulyok, người giữ chức chủ tịch Tòa án hiến pháp từ năm 2016, sẽ nhậm chức tổng thống thứ 7 của Hungary từ ngày 5-3. Dù bị giới phân tích đánh giá là ít kinh nghiệm, việc ông Sulyok được nhanh chóng bổ nhiệm sẽ giúp Thủ tướng Viktor Orban giữ được thế chủ động chính trị sau cuộc khủng hoảng vừa qua.

Trước đó, vụ bê bối của bà Novak, một đồng minh của ông Orban, được đánh giá là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ông Orban đối mặt kể từ khi nắm quyền trở lại vào năm 2010.

* Người dân EU sắp được chuyển tiền tức thời nội khối

Ngày 26-2, Liên minh châu Âu (EU) thông qua luật yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp dịch vụ thanh toán tức thời trên toàn khối, dự kiến có hiệu lực từ tháng 4-2024. Theo đó, người dân ở EU sẽ có thể chuyển tiền trong vòng 10 giây vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kể cả ngoài giờ làm việc, trong cùng một quốc gia hay tới bất kỳ quốc gia EU nào khác.

Các ngân hàng trong khu vực sử dụng chung đồng euro sẽ phải thực hiện trong vòng 18 tháng kể từ khi luật có hiệu lực, theo Hãng tin AFP. Trong khi đó, thời hạn cho các ngân hàng ngoài khu vực là đến năm 2027. Hiện nay, các giao dịch miễn phí ở EU thường mất khoảng 1-2 ngày, trong khi các khoản thanh toán tức thời sẽ mất phí cao hơn và không áp dụng cho chuyển khoản xuyên biên giới.

Ông Macron mập mờ việc đưa quân đến Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị các nước châu Âu ở Paris ngày 26-2 bàn về vấn đề ủng hộ Ukraine - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị các nước châu Âu ở Paris ngày 26-2 bàn về vấn đề ủng hộ Ukraine - Ảnh: REUTERS

Ngày 26-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố một liên minh mới sẽ được thành lập để cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa hơn và đạn dược, bao gồm bom tầm trung và tầm xa. "Chúng tôi tin rằng sự thất bại của Nga là không thể thiếu đối với an ninh và ổn định ở châu Âu", ông nói.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng giữ sự mập mờ khi nói rằng thậm chí không nên loại trừ việc gửi lực lượng mặt đất của phương Tây đến chống lại lực lượng Nga. "Hiện tại không có sự đồng thuận nào về việc gửi quân trên bộ... nhưng không có gì bị loại trừ. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Nga không thể thắng trong cuộc chiến này", Hãng tin AFP dẫn lời ông Macron nói sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 26-2 vẫn khẳng định Berlin sẽ không theo Anh và Pháp gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine. Mặc dù vậy, Đức vẫn là nhà tài trợ vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ.

* Ông Navalny sắp được trao đổi tù nhân trước khi chết

Những người ủng hộ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny ngày 26-2 tiết lộ thỏa thuận trả tự do cho ông thông qua việc trao đổi tù nhân gần như đã đạt được trước khi ông "đột tử" trong tù. Tổng thống Nga Vladimir Putin "đã được đề nghị trao đổi sĩ quan FSB và sát thủ Vadim Krasikov, người đang thụ án vì tội giết người ở Đức, lấy 2 công dân Mỹ và Alexei Navalny", Hãng tin AFP dẫn lời bà Maria Pevchikh, một đồng minh của ông Navalny, nói.

Bà Pevchikh cho biết quá trình đàm phán giữa Matxcơva, Washington và Berlin đã kéo dài 2 năm qua và ông Navalny "lẽ ra sắp được trả tự do trong những ngày tới".

Cuối năm ngoái, Mỹ đã đề xuất trao đổi với Nga để trả tự do cho 2 công dân Mỹ là cựu lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Paul Whelan và phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal.

* Ông Trump và ông Biden đến biên giới cùng một ngày

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump sẽ cùng đến biên giới Mỹ - Mexico vào ngày 29-2 trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri về vấn đề nhập cư. Đây là một trong những vấn đề nóng nhất trong cuộc bầu cử năm 2024 trong bối cảnh số người nhập cư vào Mỹ đạt kỷ lục.

Tại đây, ông Biden dự kiến sẽ tiếp tục chỉ trích Đảng Cộng hòa đã cản trở các nỗ lực của ông nhằm tăng cường lực lượng tuần tra biên giới, giải quyết vấn đề người tị nạn... Nhà Trắng khẳng định không có chuyện ông Biden vội đến biên giới sau khi biết kế hoạch của ông Trump, một người có lập trường cứng rắn chống nhập cư.

Chị em nương tựa

Bé gái Palestine cho em trai ăn tại khu lều trại ở thành phố Rafah, nằm ở phía nam Dải Gaza và giáp biên với Ai Cập, hôm 25-2. Cơ quan y tế Gaza ngày 26-2 cho biết có ít nhất 29.782 người ở Gaza đã thiệt mạng kể từ 7-10. Ảnh: Reuters

Bé gái Palestine cho em trai ăn tại khu lều trại ở thành phố Rafah, nằm ở phía nam Dải Gaza và giáp biên với Ai Cập, hôm 25-2. Cơ quan y tế Gaza ngày 26-2 cho biết có ít nhất 29.782 người ở Gaza đã thiệt mạng kể từ ngày 7-10 - Ảnh: Reuters

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên