Tình cha con sâu nặng hơn bi kịch 37 năm không gặp - Ảnh 1.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì ông Hồng đã mất được hơn 3 tháng, nhưng ông cũng có hơn 3 tháng cuối cùng của cuộc đời sống cùng gia đình, gồm người vợ và bảy người con, giờ đều đã có gia đình riêng, người ít tuổi nhất cũng đã xấp xỉ 40 mà ông chưa từng được gặp mặt.

37 năm trước, gia đình ông Đức sống ở vùng bìa rừng thuộc Uông Bí, Quảng Ninh, khi ấy ông gần học xong lớp 7 (hệ phổ thông 10 năm cũ), ở độ tuổi 15.

Dưới ông còn sáu người em, trong đó em út vẫn còn trong bụng mẹ. Một ngày của năm 1981, cha ông, ông Nguyễn Duy Hồng, nói là đi mua gạo rồi đi luôn không thấy về. Bảy mẹ con, rồi sau khi sinh em út là tám mẹ con cứ chờ, chờ mãi, nhưng rồi vẫn bặt tin.

"Tám mẹ con nheo nhóc vì một người phụ nữ lao động chính mà có đến bảy đứa trẻ, chúng tôi phải ăn cháo thay cơm, ăn sắn, rau má luộc, đi rừng đào củ thuốc về đổi gạo... Rồi bảy anh em lớn dần, người lao động tự do, người làm công nhân, đời sống khá dần lên nhưng cũng chỉ ở mức tằn tiện.

Tình cha con sâu nặng hơn bi kịch 37 năm không gặp - Ảnh 2.

Chúng tôi vẫn nghĩ có lúc sẽ đi tìm, mặc dù mẹ tôi hay nói dỗi là coi như không có bố mày" - ông Đức kể.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn, trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Việt Đức, cho hay cuối tháng 12-2017, bệnh viện tiếp nhận một nam bệnh nhân hôn mê, trong túi hành lý mang theo có thẻ bảo hiểm y tế mang tên Nguyễn Văn Nhã ở Bắc Ninh, 60 tuổi, cùng số điện thoại.

Tuy nhiên qua xem xét thì thẻ bảo hiểm y tế không phải "chính chủ" của bệnh nhân vào cấp cứu, gọi số điện thoại gửi kèm thấy tắt máy.

Tình cha con sâu nặng hơn bi kịch 37 năm không gặp - Ảnh 3.

Vào viện trong tình trạng nặng, bệnh nhân được chuyển từ khoa điều trị tích cực qua khoa phẫu thuật thần kinh 2 để mổ cấp cứu, trong tình trạng "ba không": không người thân, không bảo hiểm y tế, không tiền viện phí, trong khi viện phí dần lên đến 200 triệu đồng!

Bệnh viện Việt Đức đã tìm mọi cách để tìm thân nhân cho ông Hồng: kêu gọi tìm người thân trên mạng xã hội, nhưng đến mấy tháng không thấy có hồi âm, rồi nhờ công an các cấp.

Cuối cùng nhờ dữ liệu lưu, các cán bộ của Bộ Công an đã xác định đây là ông Nguyễn Duy Hồng ở Quảng Ninh, người đã bỏ nhà đi năm 1981.

Ngày 31-3-2018, ông Nguyễn Duy Đức, người con trai cả, đã nhận được cuộc điện thoại báo tin cha ông còn sống và đang được điều trị ở Bệnh viện Việt Đức.

Ngay tối hôm ấy, ông và một người em đã theo xe về Hà Nội, giây phút trùng phùng sau 37 năm xa cách, cha ông nằm im lìm trên giường bệnh, vẫn trong tình trạng vô cảm, mắt mở nhưng không tiếp xúc, không nói được, không vận động được, ông đã nhận được những tín hiệu chỉ người thân mới hiểu.

Bốn ngày sau đó, sau khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ, ông đã quay lại đón cha về Quảng Ninh, về lại quê nhà.

Tình cha con sâu nặng hơn bi kịch 37 năm không gặp - Ảnh 4.

Đến giờ này, sau khi cha mất đã hơn 3 tháng nhưng ông Đức vẫn cảm thấy xúc động và thấy "may mắn" vì đã được chăm sóc cha trong những ngày cuối đời.

Tình cha con sâu nặng hơn bi kịch 37 năm không gặp - Ảnh 5.

Ông không yêu cầu thử ADN và bàn với các em trong nhà là đưa cha về, trước mắt về điều trị ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, rồi sau đó đón cha về nhà.

Chỉ trong hai tuần đầu tiên ông Hồng ở Bệnh viện Uông Bí, số viện phí mà gia đình ông Đức chi trả đã lên tới 35 triệu đồng. Số tiền này là một khoản lớn đối với một gia đình không mấy khá giả, nhưng các anh em đã nhanh chóng đóng góp rồi đưa cha về nhà.

Những ngày ấy, ông Đức và các anh em trai chịu trách nhiệm trông nom, cô em gái và em dâu chịu trách nhiệm nấu nướng, cho cha ăn, gia đình dành riêng một phòng để cha nằm.

"Ông không nói được, nhưng những lúc ông mở mắt, chúng tôi biết ông hiểu ông đã gặp các con, có những lúc tôi thấy những giọt nước mắt của ông" - ông Đức nói.

Hơn ba tháng sau khi được gia đình tìm thấy, ông Hồng mất. Vì bệnh tình nặng của mình, ông đã không nói được cho các con biết lý do tại sao mình "biệt tích".

Ngày đầu tiên đón ông về Quảng Ninh, ít người nghĩ ông Hồng sẽ sống thêm được ngần ấy thời gian. Nhưng rồi ông đã sống, ở quê nhà của mình, với những người thân xung quanh.

Những chuyện đau khổ ở quá khứ thôi thì quên đi hết thảy.

Tình cha con sâu nặng hơn bi kịch 37 năm không gặp - Ảnh 6.

Đám tang ông Hồng rất đông, dù ông chẳng có bạn bè gì ở quê vì đã ra đi 37 năm. Đó là bạn bè của 14 người con trai gái dâu rể, của người vợ đã vò võ 37 năm với gánh nặng bảy đứa con.

Khi chia tay, ông Đức nói nhớ tìm giùm ông số điện thoại hai cán bộ công an đã báo cho ông cái tin tìm được cha ông. "Họ tốt quá mà hôm bố tôi mất, tôi không báo cho các anh ấy được, tôi vẫn còn day dứt về việc ấy" - ông Đức nói.

Cổ tích sinh ra từ những câu chuyện trong cuộc đời, chẳng phải đâu xa...

Tình cha con sâu nặng hơn bi kịch 37 năm không gặp - Ảnh 7.

LAN ANH
KIỀU NHI
BẢO SUZU
15/11/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên