26/08/2020 14:50 GMT+7

Trách nhiệm trong mỗi dòng tin chia sẻ!

Q.NGUYÊN
Q.NGUYÊN

TTO - Sinh viên Trần Minh Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM), nhất thiết cần bổ sung Luật an ninh mạng vào danh sách các luật giới thiệu đến sinh viên.

Trách nhiệm trong mỗi dòng tin chia sẻ! - Ảnh 1.

Sinh viên TP.HCM giao lưu cùng chiến sĩ lực lượng vũ trang và tìm hiểu kiến thức pháp luật về biên giới, biển đảo Việt Nam - Ảnh: Q.NG.

Chuẩn bị cho nhiệm kỳ hoạt động mới của Hội Sinh viên TP.HCM sắp tới, trong phần dự thảo về việc giáo dục pháp luật cho sinh viên, dù liệt kê một số tên luật cần được giới thiệu, trang bị cho sinh viên như: hiến pháp, giao thông đường bộ, thanh niên, nghĩa vụ quân sự, giáo dục... song Luật an ninh mạng đã nhận được không ít ý kiến đề xuất cần bổ sung.

Không ngẫu nhiên mà các bạn trẻ cùng nhắc tới luật này, nhiều khảo sát cho thấy giới trẻ, trong đó sinh viên chiếm phần nhiều chính là những người "sống với mạng, ăn với mạng, ngủ cùng mạng". 

Có một khảo sát về thời gian sử dụng Internet một ngày của người trẻ, kết quả trả về không quá bất ngờ khi hầu như các bạn chủ yếu dùng để... lướt mạng! Nhưng ngoài câu chuyện sử dụng mạng một cách tỉnh táo và có... "văn hóa mạng", câu chuyện gây nhức nhối chính là chia sẻ thông tin một cách vô tội vạ.

Từ góc nhìn dân nhà luật, sinh viên Trần Minh Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng chắc chắn không thể tách rời người trẻ với không gian mạng nhưng thực tế cho thấy nhiều bạn sinh viên đang rất vô tư chia sẻ các nội dung đọc được trên mạng mà có khi không cần kiểm chứng, không cần đến bước xác thực nguồn tin. 

Vì vậy, theo anh Sơn, nhất thiết cần bổ sung Luật an ninh mạng vào danh sách các luật giới thiệu đến sinh viên.

Một cán bộ trẻ Học viện Cán bộ TP.HCM còn nhấn mạnh rằng không chỉ giới thiệu cho biết mà phải giáo dục giúp các bạn sinh viên nắm sâu các quy định của luật này. 

Thực tế sinh viên đang tham gia sôi nổi vào nhiều diễn đàn trên mạng, lượng thông tin tiếp cận mỗi ngày là không hề nhỏ, và cũng có muôn vàn lý do để các bạn chia sẻ lại các thông tin mình tiếp cận được. 

Vấn đề là lại có tâm lý ít quan tâm hoặc không mấy mặn mà với các thông tin tích cực, phù hợp, trong khi lại hồ hởi chia sẻ những tin tức có tính giật gân, câu like một cách tiêu cực, thậm chí sai lệch mà không phải sinh viên nào cũng đủ kiến thức, thông tin nền để xác thực nguồn tin.

Và chỉ cần một dòng trạng thái không chính xác, dù có khi chỉ là người chia sẻ lại, bạn cũng hoàn toàn có thể bị phạt, chiếu theo các quy định của Luật an ninh mạng đã có hiệu lực hiện nay. 

Bằng chứng rõ nhất chính là không ít trường hợp bị phạt vì chia sẻ thông tin không chính xác về dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, phần lớn là người trẻ.

Còn có đề xuất khác về việc giúp sinh viên nhận diện, cảnh giác trước bán hàng đa cấp, biết các kiến thức pháp luật cơ bản liên quan. 

Có thể nói đấy là một thực trạng đáng buồn, kéo dài dai dẳng, đã có nhiều cảnh báo song hiện tượng này biến tướng muôn hình vạn trạng mà không phải sinh viên nào cũng đủ tỉnh táo, có thông tin để nhận diện, né tránh nên nhiều trường hợp bị cuốn vào, gián đoạn cả việc học hành!

Thực ra có làm bao nhiêu chương trình truyền thông, chia sẻ kỹ năng hay bao nhiêu buổi phổ biến kiến thức pháp luật và nói về bao nhiêu luật đi chăng nữa mà tự thân mỗi sinh viên không chịu tìm hiểu, tự trang bị thông tin cho mình thì cũng không thấm vào đâu. 

Điều nhỏ nhất mỗi bạn hoàn toàn có thể làm là tự đặt câu hỏi trước mỗi thông tin được tiếp nhận. Biết nghi ngờ và tìm câu trả lời cũng là trách nhiệm với mỗi dòng tin mình chia sẻ!

Bộ Công an: Luật An ninh mạng phù hợp quy định quốc tế Bộ Công an: Luật An ninh mạng phù hợp quy định quốc tế

TTO - Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết các quy định của Luật An ninh mạng không trái cam kết hợp tác quốc tế.

Q.NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên