08/05/2019 10:20 GMT+7

Trào lưu đẹp trên mạng: mong đừng sớm nở tối tàn

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Ba câu chuyện được cộng đồng quan tâm, hưởng ứng bằng nhiều hành động có ý nghĩa đẹp khắp nơi… Và đọng lại gì sau một vài tuần, khi trào lưu rộ lên rồi đi qua mau?

Trào lưu đẹp trên mạng: mong đừng sớm nở tối tàn - Ảnh 1.

Đoàn viên - thanh niên xã Phước Kiển, H. Nhà Bè (TP.HCM) thu gom rác thải nhựa để bán ve chai lấy tiền làm công tác xã hội - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là chuyện giảm rác thải nhựa; đã uống rượu bia thì không lái xe; bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet. Tôi tự hỏi: phải chăng chúng ta đang còn chạy theo những hô hào, phong trào mà thiếu những động thái căn cơ, thực tế?

Chỉ là trào lưu?

Giảm rác thải là chuyện thời sự nhất gần đây. Nhiều trào lưu sống xanh, sáng kiến giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường… Đó là những hành động đẹp nhưng rộ lên ít lâu rồi lắng xuống, vẫn thiếu những giải pháp căn cơ có tính định hướng lâu dài. 

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia kiểu phong trào hoặc còn đang loay hoay chưa thể phát triển ý tưởng của đơn vị mình.

Lấy chuyện các siêu thị gói rau bằng lá chuối làm ví dụ. Những bó rau gói bằng lá chuối ở siêu thị giờ ít đi. Vẫn thiếu những hướng dẫn, khuyến khích khách hàng không dùng túi nilông. Thế nên mới có hình ảnh rất phản cảm: nhiều người đi siêu thị mua rau được gói bằng lá chuối nhưng sau đó đi… lấy thêm túi nilông để đựng, nhiều nhân viên siêu thị chủ động lấy thêm túi nilông cho khách. 

Ý nghĩa bảo vệ môi trường từ việc gói rau bằng lá chuối trở về con số 0. Các siêu thị sẽ vượt qua những rào cản để có thể duy trì việc này dài lâu không?

Một ví dụ khác là trào lưu "dọn rác khoe Facebook". Ý nghĩa tích cực nhưng vẫn "chỉ là một trào lưu" thôi, có người dọn rác nhưng vẫn còn rất nhiều người xả rác ngay sau đó. Nơi tôi ở, tháng trước có một nhóm sinh viên dọn rác. Nhưng có người tiếp tục đến xả rác ra ngay đó. 

Có bạn sinh viên trong nhóm đãtâm sự: "Chúng em cố tình dọn rác trước mắt họ, mong chờ thay đổi ý thức vì lòng tự trọng, nhưng…". 

Thực tế đó khiến tôi băn khoăn: hành động tốt của vài nhóm nhỏ chưa đủ; thiếu những giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.

Với câu chuyện "đã uống rượu bia thì không lái xe" cũng vậy. Nhiều năm qua ai cũng biết khẩu hiệu đó, nhưng thực tế nhiều người uống rượu bia vẫn lái xe, và càng về sau tai nạn càng nghiêm trọng hơn.

 Vì sao như thế? Xưa là khẩu hiệu truyền miệng, bây giờ là những thông tin và ảnh đại diện trên Facebook, nơi mà người ta lướt chứ không "đọng lại" để thực hiện và cùng thay đổi.

Những trào lưu dù rất đẹp, rất ý nghĩa nhưng cũng sẽ "sớm nở tối tàn" nếu chỉ làm theo cách hô hào, kêu gọi, vận động, phong trào hoặc nói suông mà thiếu những quyết sách. Cần thêm những chế tài, cơ chế thưởng, phạt ngay lập tức.

Vai trò của các bộ ngành ở đâu?

Chúng ta đang ở trong thực tế nhiều điều rất tệ và bất lực trước thực tại này. Đó là thực tế rác nhựa tràn lan, người người vẫn lái xe khi say khướt và những câu chuyện thực hư lẫn lộn, ứng xử xấu trong cộng đồng mạng. 

Nhiều người chỉ mong mình không là nạn nhân của những việc này. Còn bao giờ thấy rõ những đổi thay thì bó tay!

Và câu hỏi đặt ra cho các bộ ngành. Ví dụ Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải làm gì trước khẩu hiệu "Đã uống rượu bia thì không lái xe"? 

Bộ Tài nguyên và môi trường làm gì trước khẩu hiệu giảm rác thải nhựa? 

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch hành động ra sao trước những trào lưu ứng xử trên mạng xã hội? 

Bộ Thông tin và truyền thông ở đâu khi hình ảnh cá nhân của người dân đang bị sử dụng một cách vô tội vạ trên hàng loạt trang thông tin điện tử?

Và trước những trào lưu hữu ích vừa qua, chưa thấy các bộ ngành có "nhân cơ hội tốt" để nhân rộng một cách có hệ thống thay vì tất cả chỉ dừng lại ở những hoạt động nhỏ lẻ, mang tính tự phát của những nhóm, cá nhân. 

Và vẫn còn đó những câu hỏi: Hô hào nhưng ai làm? Ai đi kiểm tra? Ai đánh giá phong trào đã đạt được và chưa đạt được những gì? Ai xử phạt? Ai khen thưởng?

Khi đó, những trào lưu trên không dừng lại hay qua mau như những khẩu hiệu thuận tai và dễ quên. Chúng ta không thể thuyết phục một người "đã uống rượu bia thì không lái xe" qua avatar trên Facebook. Bởi ở đó chỉ có lướt và lướt, chỉ là bề nổi, còn phần chìm nằm ở những chế tài, những quy định pháp luật.

Chúng ta không thể khuyên mọi người từ bỏ đồ nhựa khi chính mỗi người và kể cả các doanh nghiệp vẫn làm kiểu phong trào; khi vẫn chưa thấy những chính sách để khuyến khích cũng như xử phạt về đồ nhựa. 

Chúng ta cũng không thể bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet khi mà rất nhiều trang mạng đã được cấp phép nhưng khâu quản lý vẫn lỏng tay.

Những người tiên phong lẻ loi

Cái chúng ta cần là hình thành nên một thói quen tốt để đẩy lùi những thói quen xấu. Mà để hình thành nên một thói quen tốt thì điều đầu tiên là cần những chế tài cụ thể, rõ ràng thay vì những lời kêu gọi, chỉ đạo. Chuyện này cần quyết liệt như chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Có những người tiên phong khơi lên phong trào giảm rác nhựa và họ âm thầm, kiên trì với hoạt động của nhóm mình. Có những doanh nghiệp sản xuất các loại ống hút thân thiện môi trường...

Nhưng họ vẫn quá lẻ loi giữa xã hội với thói quen cũ và xấu. Chính sách nào khuyến khích nhiều người, nhiều doanh nghiệp cùng làm để thành những làn sóng mạnh mẽ để cùng thay đổi?

Giảm dùng đồ nhựa đi, chúng ta nợ môi trường quá nhiều rồi Giảm dùng đồ nhựa đi, chúng ta nợ môi trường quá nhiều rồi

TTO - Thông tin Saigon Co.op ngưng bán ống hút, rồi bạn trẻ nói không với đồ nhựa… giống như giọt nước mát đổ vào môi trường giữa thời buổi đồ nhựa xuất hiện mọi lúc mọi nơi.

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên