28/11/2023 08:13 GMT+7

Triển vọng đình chiến kéo dài ở Gaza

Sau các đợt trao đổi con tin kéo dài trong bốn ngày từ 24-11, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza đang đứng trước hy vọng có thể được gia hạn.

Trẻ em Palestine chơi đùa bên bãi biển ở trung tâm Gaza vào ngày 25-11, một ngày sau lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hamas có hiệu lực - Ảnh: Reuters

Trẻ em Palestine chơi đùa bên bãi biển ở trung tâm Gaza vào ngày 25-11, một ngày sau lệnh ngừng bắn giữa Israel - Hamas có hiệu lực - Ảnh: Reuters

Viễn cảnh tích cực này không chỉ đến từ các nỗ lực ngoại giao cường độ cao của "bộ ba hòa giải" Mỹ - Ai Cập - Qatar, mà còn phù hợp với các chiến thuật đàm phán và trao trả con tin của cả hai phía Israel - Hamas.

Bốn đợt trao trả con tin

Ngày 23-11, một ngày trước khi lệnh ngừng bắn bốn ngày chính thức có hiệu lực, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) báo cáo rằng họ "chưa thể tiếp cận" các khu vực được phía Hamas sử dụng để giam giữ con tin và đây là vấn đề chủ chốt khiến hơn 100.000 người biểu tình ở Tel Aviv.

Do đó, đề nghị "ngừng bắn nhân đạo" để trao đổi con tin của Cơ quan liên lạc Hamas do "bộ ba" Mỹ - Ai Cập - Qatar làm trung gian lập tức trở thành phương án nhận được đồng thuận của cả hai phía Israel - Hamas.

Nếu không có yếu tố bất ngờ nào cản trở, xu hướng này sẽ kiến tạo nền tảng quan trọng cho kịch bản đàm phán hòa bình nhằm giảm thang chiến sự từng phần ở Dải Gaza.

Mặc dù đảm bảo tuân thủ kịch bản ban đầu quy định đổi 50 con tin người Israel từ phía Hamas lấy 150 người Palestine bị phía Israel giam giữ, nhưng ngay từ đợt trao trả đầu tiên trong ngày 24-11 đã xuất hiện nhiều vấn đề bất đồng.

Báo Times of Israel sau này đã làm rõ "sự chậm trễ" kéo dài nhiều giờ ban đầu xuất phát từ các cáo buộc của Israel cho rằng phía Hamas cố tình vi phạm cam kết "không tách các bà mẹ khỏi con của mình" khi trao trả con tin. Hồ sơ từ báo Time of Israel ghi nhận cô bé Hila Rotem, 13 tuổi, được thả mà không có mẹ Raya. Ngoài ra, cô bé Yahel Shoham, 3 tuổi, được thả mà không có cha cô.

Vấn đề này mặc dù sau đó đã được xử lý nhưng lại không thể ngăn cản bất đồng tiếp tục nổ ra ở lần trao đổi con tin lần thứ hai vào ngày 25-11. Lần này đến lượt Hamas trì hoãn việc chuyển giao do cáo buộc Israel không tuân thủ điều khoản cho phép 160 - 200 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tiếp cận tất cả các khu vực ở Dải Gaza. Sự việc này đã lập tức được giải quyết khi Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Palestine xác nhận Israel đã cấp phép 200 xe tải vào Dải Gaza với ít nhất 50 chiếc trong đó đã tiến vào thành phố Gaza.

Và trong khi cuộc trao đổi lần thứ ba vào ngày 26-11 diễn ra thuận lợi, đợt chuyển giao thứ tư vào ngày 27-11 lại phát sinh nhiều vấn đề mới khi Israel lại trì hoãn để thẩm định danh sách 11 con tin người Israel cuối cùng cũng như danh sách các tù nhân an ninh mà phe Hamas đề nghị trao đổi.

Chiến thuật thăm dò của Hamas

Nói cách khác, chiến thuật của phía Hamas trong các đợt thả con tin lúc này có thể gói gọn trong ba định hướng. Thứ nhất là định hướng vừa thỏa mãn yêu cầu của IDF về ưu tiên thả các con tin trong nhóm phụ nữ và trẻ em, vừa giữ được áp lực dư luận giữ IDF phải đình chiến.

Định hướng này được triển khai khéo léo khi phía Hamas chỉ trả tự do cho một vài thành viên trong nhóm các gia đình bị bắt giữ từ ngày 7-10. 

Vì vậy, khi các con tin này trở về, họ sẽ tiếp tục vận động đình chiến để duy trì hy vọng có thể tiếp tục trao đổi con tin là người thân còn bị Hamas bắt giữ.

Định hướng thứ hai nhằm vận động thiện cảm từ dư luận các nước đang có con tin bị cuốn vào cuộc chiến lần này. Hamas đã sớm trả tự do cho hai con tin người Mỹ vì "lý do nhân đạo" vào ngày 20-10, từ đó tạo nền tảng củng cố các nỗ lực ngoại giao "cường độ cao" của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Tính đến hết ngày 27-11, Hamas đã thả tự do tổng cộng cho 58 người bao gồm: 39 công dân Israel (chia thành ba đợt) và các công dân Thái Lan (theo thỏa thuận riêng giữa Hamas với Thái Lan qua trung gian của Iran), Mỹ, Philippines và nhóm người Đức, Ireland, Nga gốc Israel.

Định hướng cuối cùng của phe Hamas là mong muốn tiếp tục duy trì hiện trạng đình chiến tạm thời khi họ vẫn đang giữ số lượng lớn con tin còn lại (183 người), trong đó có khoảng tám công dân Mỹ khác. Tuy duy trì chiến thuật riêng trong đợt này nhưng phía Israel cũng đang thể hiện lập trường duy trì đình chiến khi tạo điều kiện cho Hamas chỉ cần thả thêm 10 con tin là có thể kéo dài ngừng bắn thêm một ngày.

Do đó, dưới áp lực từ cả bên trong và bên ngoài Israel cũng như lập trường đồng thuận từ phía Hamas, xu hướng duy trì đình chiến để tiếp tục các hoạt động trao trả con tin đang có rất nhiều triển vọng ở Dải Gaza.

Mặc dù kịch bản ngừng bắn này có thể không đủ bền vững để duy trì dài hạn, nhất là khi phía Israel đang giữ thế chủ động về chiến sự trên toàn Dải Gaza, nhưng cũng đủ để cho thấy điểm sáng hiếm hoi ở "điểm nóng" này khi lần đầu tiên cả hai phía Israel - Hamas cùng đạt đồng thuận về một vấn đề nhân đạo.

Lợi ích của Israel

Đối với phía IDF, lực lượng này đã bắt giữ đến hơn 10.000 người Palestine (tăng gấp đôi số lượng tù nhân kể từ sau chiến sự ngày 7-10). Do đó, việc trao trả 117 tù nhân Palestine để đổi lấy 39 con tin người Israel không phải là một cái giá quá lớn.

Việc duy trì các cuộc trao trả con tin tương tự không chỉ vừa giúp IDF có thêm thông tin về vị trí giam giữ các con tin Israel (hiện đã xác định ở khu vực thành phố Gaza), mà còn góp phần giảm áp lực dư luận từ cả khối đồng minh phương Tây (dẫn đầu là Mỹ) và khối Ả Rập Hồi giáo (dẫn đầu là Ai Cập - Qatar), cũng như làn sóng biểu tình đã lên đến hơn 100.000 người tại chính thủ đô Tel Aviv.

Hình ảnh tương phản đau lòng của Gaza trước và sau ngày nổ ra xung độtHình ảnh tương phản đau lòng của Gaza trước và sau ngày nổ ra xung đột

Cuộc tấn công của Hamas ngày 7-10 đã khiến người Israel phải trải qua ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm lập quốc, nhưng đòn trả đũa của Israel cũng khiến Dải Gaza chìm trong tang thương và đổ nát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên