15/11/2022 13:55 GMT+7

Trung Quốc kêu gọi Pháp duy trì sự độc lập trong quan hệ đối ngoại

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Pháp duy trì sự độc lập trong quan hệ đối ngoại và “tôn trọng các lợi ích cốt lõi chung” trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trung Quốc kêu gọi Pháp duy trì sự độc lập trong quan hệ đối ngoại - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt tại Bali, ngày 15-11 - Ảnh: AFP

Ngày 15-11, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Bali, ông Tập nói với ông Macron rằng Trung Quốc hy vọng Pháp có thể tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn, và không phân biệt đối xử đối với các công ty Trung Quốc tại Pháp.

"Hiện nay, thế giới đã bước vào một thời kỳ mới đầy hỗn loạn và thay đổi. Là các lực lượng quan trọng trong thế giới đa cực, Trung Quốc, Pháp và châu Âu nên tuân thủ tinh thần độc lập, cởi mở và hợp tác", ông Tập nói.

Theo Tân Hoa xã, chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi hai nước "thúc đẩy quan hệ song phương đi đúng hướng, mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực cho thế giới".

Tổng thống Macron kêu gọi Paris và Bắc Kinh đoàn kết trong việc phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Giới quan sát cho rằng xung đột Ukraine đang là một nút thắt trong quan hệ giữa Trung Quốc với châu Âu, khi nhiều nước phương Tây tin rằng Bắc Kinh đứng về phía Matxcơva vì từ chối lên án Nga.

"Chúng ta phải đoàn kết để đối phó với các cuộc khủng hoảng quốc tế như cuộc chiến của Nga ở Ukraine", ông Macron nói.

Trong khi đó, ông Tập cho biết quan điểm của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là rõ ràng và nhất quán. Trung Quốc ủng hộ ngừng bắn, ngừng chiến tranh và đàm phán hòa bình.

"Cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện cho việc này và Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng theo cách của mình", ông Tập tuyên bố.

Cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở châu Âu về cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trước những lo ngại về an ninh quốc gia.

Liên minh châu Âu (EU) đã định vị Trung Quốc là "đối tác, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ có hệ thống". Ngày càng có nhiều lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế của EU vào Trung Quốc, khi cường quốc châu Á này tiếp tục mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng châu Âu.

Theo báo South China Morning Post, Bắc Kinh ngược lại cho rằng châu Âu đang chịu áp lực từ Mỹ trong việc phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nhiều lần kêu gọi các nước châu Âu không bị lung lay trước áp lực đó.

Cuộc gặp với ông Macron diễn ra một ngày sau cuộc hội đàm của ông Tập với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tuyên bố sẽ duy trì các đường dây liên lạc để ngăn sự cạnh tranh giữa hai bên trở thành một cuộc xung đột toàn diện.

Lãnh đạo châu Âu muốn Lãnh đạo châu Âu muốn 'tái cân bằng' quan hệ với Trung Quốc

TTO - Ngày 15-11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố châu Âu sẽ hợp tác với Trung Quốc, song nhấn mạnh cần "tái cân bằng" mối quan hệ để tránh trở nên quá phụ thuộc vào nước này trong các lĩnh vực như công nghệ mới.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên