06/01/2018 13:04 GMT+7

Trung Quốc và chiến lược hạt nhân nổi

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các lò hạt nhân nổi trên biển, trong đó có một số lò dự kiến hoạt động sớm nhất vào năm sau có thể khiến tranh chấp Biển Đông thêm căng thẳng.

Trung Quốc và chiến lược hạt nhân nổi - Ảnh 1.

Tàu tuần tra Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: Reuters

Những lò hạt nhân này nằm trong chiến lược phát triển nguồn năng lượng cung cấp đến các giếng dầu ngoài khơi và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Việc chúng xuất hiện tại các điểm nóng ở Biển Đông chắc chắn sẽ khuấy động sự phản ứng của cộng đồng quốc tế.

20 lò phản ứng hạt nhân nổi

Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) vừa triển khai dự án trị giá 1 tỉ nhân dân tệ, khoảng 154 triệu USD, hợp tác với nhiều công ty nhà nước khác như Tập đoàn Điện khí Thượng Hải, Công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc. 

Dự án đang xây dựng một cơ sở có khả năng tạo ra khoảng 100.000 kW, chỉ mới bằng 1/10 công suất của một nhà máy hạt nhân thông thường.

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời quan chức CNNC cho biết mục tiêu là hoàn thiện một nhà máy hạt nhân nổi trong năm nay và đưa vào hoạt động từ năm 2019 dù một số nguồn tin cho rằng kế hoạch có thể kéo dài hơn vì thách thức kỹ thuật. Giới quan sát cho rằng nhà máy này có thể được triển khai ở Biển Đông.

Một "ông lớn" khác trong ngành, Tập đoàn Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CGNP), cũng dự kiến bắt đầu xây dựng nhà máy hạt nhân xa bờ đầu tiên trong năm nay và đưa vào hoạt động năm 2023. 

Trong khi đó, Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSI) cũng tập trung vào các cơ sở nhỏ hơn có công suất từ 25.000-100.000 kW có thể đưa vào hoạt động ngay từ năm 2020.

Đây chỉ là một phần trong kế hoạch lớn của Trung Quốc. Trong kế hoạch trung hạn công bố hồi năm ngoái, Trung Quốc muốn có khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân nổi trong một thập kỷ tới và dự kiến sẽ thử nghiệm tại Bột Hải phía bắc và một số vùng biển yên tĩnh trước khi đưa xuống Biển Đông, theo trang Nikkei.

Thứ ba thế giới

Trung Quốc hiện có khoảng 40 nhà máy hạt nhân với tổng công suất 35,8 triệu kW, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Pháp, nhưng năng lượng hạt nhân chỉ chiếm khoảng 2% tổng năng lượng của quốc gia này. Bắc Kinh dự kiến nâng công suất năng lượng hạt nhân lên 58 triệu kW vào năm 2020 và 150 triệu kW trước năm 2030.

Đa mục đích

Các nhà máy nổi sẽ giải quyết cơn khát năng lượng của các giếng dầu xa bờ và dự án xây dựng phi pháp trên các đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. 

Các nhà máy này có thể nhỏ hơn những cơ sở truyền thống nhưng có lợi thế lớn về sự di động. 

Các công ty Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ từ các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Pháp, Nga, Anh để xây dựng những lò phản ứng hạt nhân nổi này. 

Trung Quốc thậm chí tham vọng sử dụng năng lượng hạt nhân cho hoạt động du hành vũ trụ vào năm 2040. 

CSI hiện đặt các lò phản ứng hạt nhân trong các tàu ngầm của công ty này và đang thiết kế những lò phản ứng có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt.

Điều đáng lo ngại lại là chiến lược phát triển nhà máy hạt nhân nổi của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang phô diễn sức mạnh ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cũng như thường xuyên tuần tra hải quân. 

Chuyên gia quân sự Collin Koh thuộc ĐH Nanyang Singapore cho biết các nhà máy này có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và sự hiện diện của chúng có ý nghĩa về mặt thực tế lẫn biểu tượng.

Đưa cơ sở năng lượng đến các vùng nước tranh chấp sẽ giúp Trung Quốc tham vọng giải quyết vấn đề về nguồn nước dài hạn, khắc phục vấn đề của các cơ sở khử muối nước biển và giúp nước này tăng cường sức mạnh hàng hải. 

Nó cũng giúp quân đội Trung Quốc kỳ vọng tiến gần hơn việc phát triển hàng không mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân.

"Việc đảm bảo phát triển công nghệ hạt nhân hàng hải là một cách thể hiện sức mạnh hàng hải - South China Morning Post dẫn lời ông Koh nhận định - Nó giúp Trung Quốc củng cố sức mạnh, khẳng định tuyên bố của mình bởi các đơn vị đồn trú và cư dân sống trên các tiền đồn xa bờ có thể ở lại lâu hơn".

Mục đích dân sự?

Các quan chức Trung Quốc khẳng định nhà máy hạt nhân chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu dân sự và sự phát triển chung của công nghệ hạt nhân.

Sách trắng năm 2016 của Trung Quốc cho rằng các lò phản ứng này sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác các tài nguyên hàng hải trong khi truyền thông nước này cho biết chúng sẽ "đẩy nhanh sự phát triển thương mại" ở Biển Đông cũng như hỗ trợ bảo vệ môi trường, giám sát thời tiết, đi lại...

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên