28/06/2022 15:12 GMT+7

Từ vụ cò 'làm nhanh' căn cước: Trình tự cấp, đổi, cấp lại căn cước diễn ra như thế nào?

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Từ việc đại úy Lê Ngọc Minh, thuộc Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp (TP.HCM), bị xem xét kỷ luật vì nhận “làm nhanh” căn cước, dư luận đặt vấn đề: "Vậy quy trình cấp, đổi, cấp lại căn cước là bao lâu?".

Từ vụ cò làm nhanh căn cước: Trình tự cấp, đổi, cấp lại căn cước diễn ra như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều người dân, trong đó có người cao tuổi, đến Công an quận 1 (TP.HCM) xếp hàng lấy căn cước công dân vào tháng 11-2021 - Ảnh: THÁI AN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định, người dân có thể lựa chọn làm căn cước công dân (căn cước) thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại công an cấp huyện, công an cấp tỉnh nơi thường trú, tạm trú.

Về quy trình cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước được quy định cụ thể tại thông tư số 60 của Bộ Công an. Theo thông tư 60, trình tự từ lúc người dân nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan công an cho đến lúc được cấp thẻ diễn ra như sau:

Quy trình 6 bước

Bước 1: Người dân mang hồ sơ cần thiết đến công an cấp huyện hoặc các điểm cấp căn cước do công an huyện, công an tỉnh bố trí để nộp hồ sơ.

Bước 2: Cán bộ thu nhận hồ sơ. Bước này, cán bộ công an tìm kiếm dữ liệu công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước; thu nhập vân tay, chụp ảnh, in phiếu thông tin; thu lệ phí, cấp giấy hẹn trả kết quả.

Bước 3: Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Cán bộ công an cấp huyện được phân công phân loại hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước phân loại hồ sơ đủ điều kiện và không đủ điều kiện, lập danh sách báo cáo đội trưởng Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Đội trưởng Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiểm tra các hồ sơ đủ điều kiện và không đủ điều kiện, báo cáo trưởng công an cấp huyện.

Trưởng công an cấp huyện kiểm tra kết quả xử lý hồ sơ và duyệt danh sách hồ sơ đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước. Với các hồ sơ không đủ điều kiện, thông báo bằng văn bản cho công dân.

Sau khi trưởng công an cấp huyện duyệt danh sách hồ sơ đủ điều kiện, đội trưởng Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chuyển dữ liệu điện tử cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước lên Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bước 4: Cán bộ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu, phân loại dữ liệu. 

Trường hợp đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước thì báo cáo giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đề xuất cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an phê duyệt danh sách cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước. 

Trường hợp không đủ điều kiện thì cục trưởng C06 phê duyệt danh sách hồ sơ, thông báo về đơn vị thu nhận hồ sơ.

Bước 5: Sau khi cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phê duyệt, giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tổ chức in hoàn chỉnh thẻ căn cước.

Bước 6: Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trả thẻ về cho công an địa phương để phát đến tay người dân trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu cục.

"Có đường dây làm căn cước hay không?"

Như vậy, theo luật sư Thảo, việc cấp, đổi, cấp lại căn cước thông qua 2 nơi: công an cấp huyện nơi tiếp nhận (duyệt danh sách làm căn cước, truyền dữ liệu điện tử về Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư) và C06 duyệt in, trung tâm in thẻ và trả thẻ căn cước về.

Về thời hạn xử lý hồ sơ cấp căn cước, trong 2 ngày làm việc công an huyện phải chuyển dữ liệu về cho trung tâm, trong 3 ngày C06 phải hoàn tất việc duyệt in thẻ căn cước và trong 2 ngày làm việc tiếp theo từ khi in hoàn chỉnh thẻ căn cước phải được chuyển trả về công an địa phương.

Ngoài ra, theo luật sư Thảo, Luật căn cước công dân quy định thời hạn cấp mới, cấp đổi căn cước là không quá 7 ngày làm việc đối với thành phố, thị xã; không quá 20 ngày làm việc đối với các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo; còn các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc. 

Trường hợp cấp lại thì không quá 15 ngày làm việc đối với thành phố, thị xã.

Như vậy, với trường hợp được cho "làm nhanh" căn cước trong vòng 4 ngày tại quận Gò Vấp là "bất thường" trong bối cảnh nhiều người dân phải chờ đợi nhiều tháng, thậm chí làm nhiều lần. 

"Các cơ quan cần vào cuộc điều tra xác định việc có đường dây làm căn cước trục lợi hay không" - luật sư Thảo đặt vấn đề.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, đại úy Lê Ngọc Minh (36 tuổi), cán bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp đang bị tạm đình chỉ để xem xét kỷ luật vì nhận "làm nhanh" căn cước công dân của người dân ở Gò Vấp.

Theo đó, đại úy Minh nhận "làm nhanh" căn cước công dân cho người dân ở quận Gò Vấp muốn lấy nhanh căn cước nhưng phải "mất phí". Trong khi thời gian qua, báo Tuổi Trẻ Online liên tục nhận được phản ảnh của người dân ở Gò Vấp về tình trạng chậm trả căn cước công dân và kéo dài nhiều tháng, thậm chí hơn một năm.

Đại úy công an nhận Đại úy công an nhận 'làm nhanh' căn cước công dân ở Gò Vấp bị đình chỉ thêm 1 tháng

TTO - Ngày 28-6, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) đã gia hạn tạm đình chỉ công tác với đại úy Lê Ngọc Minh - cán bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - thêm một tháng để xem xét kỷ luật.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên