19/11/2023 09:05 GMT+7

Đề xuất thu thập thông tin mống mắt vào căn cước công dân: Có nên bắt buộc?

Chính phủ đề xuất thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin cá nhân. Việc này có nên bắt buộc không và có khả thi trong điều kiện hiện tại?

Người dân làm căn cước công dân ở Công an quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân làm căn cước công dân ở Công an quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Dự kiến, trong đợt 2 kỳ họp thứ 6 vào ngày 27-11, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Căn cước, dự kiến gồm cả nội dung này. Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến xung quanh đề xuất này.

Đại biểu LƯU BÁ MẠC (Lạng Sơn):

Cân nhắc theo hướng người dân tự nguyện cung cấp

Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt. Chỉ nên quy định theo hướng người dân tự nguyện cung cấp (như đối với thông tin sinh trắc học ADN và giọng nói). 

Hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý có thể trưng cầu việc giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mắt, chia sẻ thông tin dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Báo cáo của Bộ Công an về đánh giá tác động chính sách gửi tại kỳ họp thứ 5 có đề cập việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Báo cáo này cũng đề cập quy định tương đồng với một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc...

Ở nhiều nơi, trang thiết bị chuyên dụng để thực hiện việc thu thập thông tin sinh trắc học về mắt cũng chưa đảm bảo, việc thu thập chưa khả thi trong thực tiễn hiện nay. Chưa thực sự cấp thiết phải thu thập một cách bắt buộc để cấp căn cước công dân.

Đại biểu NGUYỄN MINH ĐỨC (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh):

Tốt cho cả quản lý và phục vụ người dân

Sinh trắc học bao gồm ảnh khuôn mặt, ADN, giọng nói và mống mắt. Với nhân dạng về khuôn mặt trong thực tế hiện nay, nhiều người chỉnh sửa khuôn mặt. Do đó, khi nhận diện rất khó khăn trong vấn đề quản lý cũng như thực hiện các giao dịch của chính người dân. 

Bên cạnh đó, rất nhiều cổng kiểm soát hiện nay người ta kiểm soát bằng trí tuệ nhân tạo (AI), nếu khuôn mặt đã chỉnh sửa rồi rất có thể khó khăn trong nhận diện.

Mống mắt bao gồm toàn bộ tròng đen, tròng trắng và thủy tinh thể của con người là cố định, không ai có thể sửa mắt. Chính vì thế nó là một dạng nhận dạng rất cố định. Vì vậy, quy định trong việc bắt buộc này mang tính rất tốt cho cả quản lý và phục vụ cho người dân.

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương):

Đưa vào dữ liệu căn cước công dân là cần thiết

Khi tiếp thu các ý kiến về dự án Luật Căn cước, ban soạn thảo đã phải cân nhắc rất kỹ việc vì sao phải đưa trường dữ liệu mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước. Thực tế thời đại công nghệ, việc quản lý con người, phòng ngừa tội phạm cũng phức tạp hơn thời kỳ trước.

Nhiều người đi thẩm mỹ, chỉnh sửa lại khuôn mặt, có thể dẫn tới thay hình đổi dạng một con người. Do đó, khi nhận diện để quản lý cũng như thực hiện các giao dịch của người dân gặp nhiều khó khăn. Nói cách khác, nếu như chỉ căn cứ vào đặc điểm nhận dạng bên ngoài là ảnh chân dung, vân tay thì nhiều khi không thể nhận diện được.

Với mống mắt, không ai có thể sửa được. Nên việc đưa thêm trường dữ liệu này vào cũng chỉ để giúp quản lý tốt hơn. Đương nhiên với bất cứ một quy định hay đề xuất quy định nào mới cũng sẽ có ý kiến khác nhau của dư luận xã hội, người dân. Song tôi thấy việc đưa vào là cần thiết giúp quản lý tốt hơn và cũng giúp cho chính người dân.

Còn luật là quy định chung, sau này Chính phủ sẽ có các quy định, hướng dẫn cụ thể để thực thi tốt nhất, phù hợp với từng trường hợp.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết "Đề xuất bắt buộc thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước". Bài viết nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc liên quan đến vấn đề này.

Bạn đọc Trần Khương cho rằng khi có quy định về sửa đổi chỉ cần thực hiện một lần mà có thể sử dụng dữ liệu trong thời gian hàng chục năm. Việc điều chỉnh "lắt nhắt" vừa làm phiền người dân và cũng tốn kém ngân sách.

Bạn đọc Ba Sài Gòn cũng có ý kiến: ở nhiều nước, chỉ những trường hợp điều tra phá án phức tạp, khi không còn cách nào nhận diện được đối tượng qua các cách sinh trắc khác họ mới dùng tới mống mắt.

Bạn đọc Nguyễn Phước cho rằng cần phải nghiên cứu cho thật kỹ, làm thí điểm. Thí điểm từ việc đào tạo kỹ thuật, trang bị máy móc, thiết bị, liên thông mạng, bảo mật cho hoàn chỉnh rồi hãy làm đại trà.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho hay khoa học đã chứng minh cùng với vân tay, mống mắt có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.

Hiện nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website. Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.

Vì vậy bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Việc này hỗ trợ trong trường hợp không thu nhận được vân tay do khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng.

Xác thực danh tính chính xác cao và chi phí lớn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia y tế về mắt tại TP.HCM cho biết mống mắt là vòng màu xung quanh các mô đồng tử, quy định từng màu mắt của mỗi người. Chúng được hình thành đang trong giai đoạn thai kỳ, các đường vân trong mống mắt của mỗi người sẽ khác nhau và gần như không thay đổi theo thời gian. Thậm chí các đường vân mống mắt còn chi tiết hơn so với vân tay.

Mống mắt chỉ thay đổi khi bị tác động vật lý bên ngoài như các chấn thương: va, đập, đâm thủng, bị viêm màng bồ đào, những bệnh lý bẩm sinh (tỉ lệ này không đáng kể). Người có bệnh lý về mắt đa phần từ 30 tuổi trở lên, những người này cần xếp vào dạng riêng và không thể lấy mống mắt được.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã dùng mống mắt để xác thực danh tính mỗi công dân bởi chúng có độ chính xác cao, gần như không bị thay đổi theo thời gian. Trong khi dấu vân tay dễ bị thay đổi khi tác động bên ngoài như: cầm nắm, sinh hoạt, dễ chấn thương gây mất, mờ vân tay, chưa kể đến việc làm giả dấu vân tay.

"Các kỹ thuật lấy mống mắt hiện nay không hề khó, thế nhưng chi phí cho các máy quét mống mắt sẽ tốn kém hơn nhiều so với dấu vân tay vì chúng yêu cầu phải có độ phân giải cao.

Nên đưa mống mắt vào căn cước công dân vì nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng, tuy nhiên cần phải tính kỹ với những người không thể dùng mống mắt có thể áp dụng phương pháp sinh trắc khác", vị chuyên gia này cho hay.

Một chuyên gia trong lĩnh vực di truyền tại TP.HCM cho biết thêm hiện nay trong lĩnh vực y tế, xét nghiệm ADN dùng để xác định về các vấn đề di truyền như huyết thống, các bệnh lý, kiểu gene, nhiễm sắc thể của mỗi cá nhân. Thế nhưng, để xét nghiệm được ADN rất tốn kém chi phí so với việc lăn vân tay.

Để xét nghiệm được ADN phải lấy các mẫu như niêm mạc, nước bọt, móng tay, tóc... sau đó đem phân tích, lưu mẫu lại và phải đảm bảo được lưu đúng. Những khu vực vùng sâu, vùng xa việc xét nghiệm ADN sẽ rất phức tạp và sẽ khó khả thi hơn.

Do phức tạp và tốn kém chi phí nên không thể xét nghiệm toàn bộ mà chỉ nên xét nghiệm ADN khi thực sự cần thiết để tiết kiệm chi phí và tùy từng đối tượng cụ thể. Không nên bắt buộc người dân phải xét nghiệm ADN mà chỉ thu thập theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đề xuất bắt buộc thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cướcĐề xuất bắt buộc thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước

Chính phủ đề xuất thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên