28/09/2020 12:13 GMT+7

Tuyên y án vụ ông cụ 20 năm ôm đơn kiện khu bảo tồn

A LỘC
A LỘC

TTO - Ngày 28-9, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên y án sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm giữa vợ chồng ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Tuyên y án vụ ông cụ 20 năm ôm đơn kiện khu bảo tồn - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Sỹ (bên trái) tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: A LỘC

Theo đó, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Sỹ và bà Trần Thị Điểm về việc tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán vườn hồ tràm. Buộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn) hoàn trả ông Sỹ và bà Điểm hơn 1,23 tỉ đồng tiền đầu tư xây dựng, cải tạo diện tích hồ thuê khoán. Ngoài ra, khu bảo tồn phải trả lại cho ông Sỹ và bà Điểm hơn 16 triệu đồng chi phí tố tụng.

Khởi kiện đòi bồi thường gần 100 tỉ đồng

Theo nội dung vụ án, năm 1992, ông Sỹ ký với Trung tâm du lịch thuộc Lâm trường Mã Đà nhận khoán đầu tư nuôi trồng thủy sản với diện tích 27ha mặt nước lòng hồ Trị An với giá 5 triệu đồng/ năm.

Năm 1995, ông Sỹ trực tiếp ký hợp đồng thuê khoán hồ vườn ươm với Lâm trường Mã Đà (nay là khu bảo tồn) để nuôi cá và làm du lịch. Hợp đồng có thời hạn 20 năm, định kỳ 5 năm một lần hai bên gặp nhau bàn bạc, xem xét việc thực hiện hợp đồng trong quá trình ký kết có sự thay đổi hoặc điều chỉnh cùng nhau thống nhất thực hiện, hoặc chấm dứt hợp đồng do nhu cầu cần thiết phục vụ cho lợi ích chung.

Từ năm 1995-1997, ông Sỹ đầu tư xây dựng ngăn bờ đập, nạo vét lòng hồ, dọn nhà, xây dựng lán trại trên lòng hồ, đầu tư ống nhựa dẫn nước, thả 3 triệu con cá chép bột, rô phi, trắm, mè... nuôi theo phương pháp tự nhiên.

Năm 1998, Lâm trường Mã Đà yêu cầu ông Sỹ không được tiếp tục thả cá, không được đánh tỉa, thả dặm.

Đến tháng 6-2000, lâm trường đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Sỹ rồi tổ chức đấu thầu để thuê diện tích 27ha trên với giá 75 triệu đồng/ tháng.

Tại phiên tòa, ông Sỹ cho rằng lâm trường đơn phương thanh lý hợp đồng, không cho ông khai thác cá, không hoàn trả chi phí đã đầu tư trong thời gian 2 năm, sau đó giao cho đơn vị trúng thầu sử dụng gây thiệt hại lớn đến kinh tế gia đình ông.

Do đó, ông Sỹ yêu cầu tòa án buộc Khu bảo tồn bồi thường số tiền hơn 80 tỉ đồng (trong đơn khởi kiện ông Sỹ yêu cầu bị đơn bồi thường gần 100 tỉ đồng bao gồm tiền đầu tư xây dựng hạ tầng, thả cá và tiền lãi suất).

Buộc khu bảo tồn hoàn trả hơn 1,2 tỉ đồng

Ngày 25-9, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa phúc thẩm dân sự lần 3, xét xử vụ tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm giữa ông giữa ông Sỹ, bà Điểm với Khu bảo tồn.

Tại phiên tòa, ông Sỹ đề nghị tòa triệu tập giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng Lâm trường Mã Đà đã giải thể, nay pháp nhân kế thừa là Khu bảo tồn. Đây là pháp nhân có con dấu, trụ sở riêng trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai nên không cần đưa Sở NN&PTNT Đồng Nai ra tố tụng.

Về nội dung tranh chấp, HĐXX nhận định tháng 5-1995, ông Sỹ ký hợp đồng thuê khoán hồ vườn ươm với ông Bạch Đình Khai, chức danh phó giám đốc Lâm trường Mã Đà. Hợp đồng này mặc dù được giao kết không đúng chủ thể do ông Khai không phải người đại diện theo pháp luật, tuy nhiên các bên đã tự nguyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, giám đốc lâm trường biết rõ việc tồn tại giao dịch mà không phản đối nên hợp động có hiệu lực thi hành.

Xét kháng cáo của bị đơn là Khu bảo tồn, hồ sơ thể hiện thời điểm chấm dứt hợp đồng chỉ có biên bản làm việc ngày 11-5-2000, ngoài ra không còn thỏa thuận nào khác. Nội dung biên bản thể hiện các bên chưa thanh lý hợp đồng, bên thuê khoán chưa nhận lại giá trị tài sản đã đầu tư. Việc cải tạo, đầu tư của ông Sỹ làm tăng giá trị của hồ Trị An chưa được bên cho thuê thanh toán lại nên yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ.

Cũng theo HĐXX, các bên thừa nhận thời điểm chấm dứt hợp đồng vào năm 2000 nên chi phí ông Sỹ bỏ ra bao gồm: chi phí đắp đập chia hồ, chi phí cắt dọn chà và san ủi mặt bằng, chi phí làm 3 lán trại, chi phí mua ống nhựa... Tại chứng thư của Công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới xác định tổng chi phí ông Sỹ đầu tư trên 1,2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phía bị đơn cho rằng đã có biên bản làm việc tháng 2-1998 và thông báo, tạo điều kiện để bên thuê thu dọn tài sản đến ngày 17-9-2000. Song ông Sỹ không thực hiện nên không đồng ý thanh toán số tiền trên cho ông Sỹ.

Xét giá trị đầu tư vợ chồng ông Sỹ bỏ ra đã được cấu thành vào giá trị tài sản thuê khoán là hồ vườn ươm, không thể thu hồi lại bằng hiện vật. Cấp sơ thẩm buộc Khu bảo tồn phải hoàn trả hơn 1,2 tỉ đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, không chấp nhận kháng nghị của bị đơn.

Về kháng cáo việc chấm dứt hợp đồng của nguyên đơn, theo HĐXX trong biên bản làm việc ngày 11-5-2000 cho thấy các bên đã bàn bạc việc ký hợp đồng mới nhưng không thống nhất giá thuê, bản thân ông Sỹ xác định nếu lâm trường tăng giá thuê ông không hợp đồng nữa.

Thực tế, từ năm 1998 đến năm 2000, ông Sỹ không có bất kỳ động thái phản đối việc thanh lý hợp đồng tại biên bản làm việc vào tháng 2-1998. Do đó, HĐXX nhận định việc chấm dứt hợp đồng là phù hợp thỏa thuận đã giao kết. Việc ông Sỹ cho rằng Khu bảo tồn đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có căn cứ.

Riêng kháng cáo của ông Sỹ yêu cầu bồi thường cá thành phẩm, HĐXX cho rằng từ 1998-2000, phía lâm trường chỉ yêu cầu ông Sỹ không thả thêm cá, không đánh tỉa, không tu sửa hồ mà không ngăn cấm ông Sỹ khai thác. Tại phiên tòa ông Sỹ cũng thừa nhận điều này. Như vậy, ông Sỹ tự ý từ bỏ quyền lợi khai thác, thu hoạch cá tại hồ thuê đã thả nuôi.

Ngoài ra, tại phiên tòa ông Sỹ khiếu nại việc lâm trường yêu cầu đảm bảo nguồn nước tới và phòng chống cháy, không cho tát cạn nước hồ nên không thể thu hoạch cá. Tuy nhiên, HĐXX nhận định hồ thuê khoán có chức năng là rừng phòng hộ, bên thuê có trách nhiệm bảo vệ mặt nước và rừng phòng hộ nên yêu cầu của lâm trường là hợp lý. Mặt khác, HĐXX cho rằng có nhiều phương pháp khác khai thác cá, không nhất thiết tát cạn hồ. Do đó, việc ông Sỹ yêu cầu Khu bảo tồn thanh toán giá trị số cá thành phẩm là không có cơ sở.

Sau khi nghe tuyên án, ông Sỹ không chấp nhận và cho biết sẽ tiếp tục kháng nghị lên Tòa án Nhân dân Tối cao.

Diễn biến vụ việc

Tháng 8-2003, TAND huyện Vĩnh Cửu mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên buộc lâm trường bồi thường hơn 900 triệu đồng (bao gồm lãi suất) cho ông Sỹ.

Tháng 6-2004, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm lần 1, tuyên hủy án sơ thẩm do thu thập đủ chứng cứ và xác định sai tư cách tham gia tố tụng (Lâm trường Mã Đà lúc này đã được đổi tên thành Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu).

Tháng 9-2006, TAND huyện Vĩnh Cửu xét xử sơ thẩm lần 2, buộc Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu bồi thường cho ông Sỹ hơn 600 triệu đồng.

Năm 2007, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuy nhiên, đến tháng 12-2010, TAND Tối cao giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm do xác định sai quan hệ pháp luật, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ và đường lối quyết định chưa đúng.

Tháng 10-2019, TAND huyện Vĩnh Cửu đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 3. Lúc này, ông Sỹ yêu cầu bồi thường hơn 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, HĐXX chỉ tuyên Khu bảo tồn trả ông Sỹ hơn 1,2 tỉ đồng.

Không đồng ý với quyết định của HĐXX, ông Sỹ tiếp tục kháng cáo. Mặt khác, phía bị đơn là Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cũng kháng nghị vì cho rằng ảnh hưởng quyền lợi.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên