Ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đang chiếm vị thế đáng kể trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, quay về thị trường trong nước, hành trình chinh phục người dùng của các nhà sản xuất chỉ mới bắt đầu.

Thông tư 04 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dành cho sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chính thức có hiệu lực từ 1-1-2024, Bộ Xây dựng đang kỳ vọng thị trường gỗ công nghiệp Việt Nam sớm được sắp xếp lại theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 1.
Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 2.

Nhà máy KES Đồng Phú, Bình Phước ấn tượng bất kỳ vị khách tham quan nào bởi sự chỉn chu và hiện đại hiếm có. Đây là một trong 10 hệ thống nhà máy sản xuất ván MDF hiện đại nhất thế giới đặt tại Việt Nam, công suất 400.000 m3/năm, cung cấp các loại ván gỗ cho nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 3.

Điều tự hào nhất của nhà máy này chính là chuỗi sản xuất khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm với hệ thống tự động hóa hiện đại và quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam cũng như các nước nhập khẩu về bảo vệ môi trường, diện tích rừng trồng, độ phủ xanh... Đồng thời, còn giúp doanh nghiệp KES tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.

MDF Đồng Phú là 1 trong 6 nhà máy của KES đang hoạt động ngày đêm để đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu nhộn nhịp nhiều năm qua. Theo Mordor Intelligence, thị trường sàn gỗ thế giới được ước tính đạt 53,45 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 67,49 tỉ USD vào năm 2029, với tốc độ CAGR hơn 4,80% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 4.

Năm ngoái, dù bị ảnh hưởng của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn xuất khẩu được gần 13,4 tỉ USD giá trị gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 9,2 tỉ USD, giảm 22,9% so với năm 2022. Thị trường nhu cầu về sử dụng ván công nghiệp, đặc biệt là ván sàn trên thế giới vẫn rất cao gắn với xu hướng tiêu dùng thông minh, bền vững. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng đáng kể.

Ngành sản xuất gỗ và nội thất gỗ công nghiệp phát triển mạnh mẽ, minh chứng hàng loạt sản phẩm như gỗ, ván sàn gỗ "made in Vietnam" đã xuất ngoại, chinh phục thị trường khó tính. Để vào được thị trường các nước, các sản phẩm gỗ Việt Nam phải vượt qua những hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe, tiêu chuẩn môi trường, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, chỉ số phát triển bền vững. Đặc biệt là nồng độ phát thải Formaldehyde.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 5.
Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 6.

Theo ông Trịnh Hữu Kiên, tổng giám đốc KES, sản phẩm gỗ công nghiệp của đơn vị được ưa chuộng tại Mỹ - thị trường khó tính nhất thế giới - bởi tính ổn định về chất lượng. Bên cạnh cốt ván mang định chuẩn cao cấp, tập đoàn còn tạo nên sự khác biệt từ sự tinh xảo của bề mặt sản phẩm. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đạt độ tinh xảo đến mức khách hàng không xem đây là ván sàn công nghiệp mà là hàng "handmade", có giá bán cao hơn chính sản phẩm cùng loại sản xuất tại Mỹ và châu Âu.

Mỗi năm doanh nghiệp này đã xuất khẩu ván sàn công nghiệp qua thị trường Mỹ với sản lượng hơn 3 triệu m2. Ngoài ra, còn xuất khẩu sản phẩm kệ trang trí nội thất với sản lượng hơn 1 triệu cái, cùng hơn 8 triệu sản phẩm quà tặng, kỷ niệm chương bằng gỗ… Đây là những sản phẩm gỗ MDF đạt tiêu chuẩn CARB-P2 của Mỹ, tiêu chuẩn dùng để kiểm soát mức độ phát thải khí dư Formaldehyde phải đạt trong ngưỡng an toàn cho người dùng.

Để có được chất lượng đó, toàn bộ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào sản xuất ván gỗ MDF của hệ thống nhà máy hiện nay đều là gỗ rừng trồng, chủ yếu là củi cao su, củi điều, củi tạp, rễ cây... sau thời gian dài khai thác bị thải loại, đều được tập đoàn thu gom, bao tiêu với nông dân các địa phương.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 7.

Mỗi ngày hệ thống nhà máy Đồng Phú thu gom 2.500 tấn củi nguyên liệu và tất cả đều được kiểm soát chất lượng và thành phẩm được truy xuất từ gốc, riêng ván gỗ thô MDF/HDF, ván dán phủ melamine, laminate, acrylic, ván sàn... xuất khẩu khoảng 3000 container mỗi năm. "Và với hệ sinh thái sản xuất khép kín, tổng diện tích lên tới 1.200.000 m2, tổng công suất ván gỗ công nghiệp lên tới 1.000.000 m3/năm, tổng công suất in - nhúng - dán - phủ đạt 40.000.000 m2/năm, chúng tôi đã chinh phục được thị trường khó tính nhất trên thế giới", ông Kiên chia sẻ.

KES cũng đang xây dựng nhà máy MDF thứ 3 tại Chơn Thành (Bình Phước) với công suất 500.000m3/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025. Sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy tại Chơn Thành, tập đoàn chính thức có hệ sinh thái 7 nhà máy, với tổng diện tích 1.200.000m2, đặt mục tiêu trở thành Top 5 Đông Nam Á ngành ván gỗ công nghiệp vào năm 2026, xét về năng lực sản xuất.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 8.
Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 9.

Đó là vị thế của gỗ công nghiệp Việt Nam trên thế giới. Còn ở trong nước thì sao?

Một khảo sát nhanh trên báo Tuổi Trẻ Online được thực hiện vào tháng 12-2023 cho thấy 68% bạn đọc chọn gỗ công nghiệp để trang trí nội thất gia đình, 32% vẫn chọn gỗ tự nhiên vì cho rằng họ thiếu thông tin về các sản phẩm gỗ công nghiệp, lo lắng chất lượng trên thị trường chưa đồng nhất, e dè vì sợ không an toàn cho người sử dụng.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 10.

Theo kiến trúc sư Lê Văn Hữu, công ty Kiến Cons, TP.HCM, vấn đề của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay là thói quen, truyền thống ưa chuộng gỗ tự nhiên. Ngoài ra, bản thân người tiêu dùng cũng thừa nhận họ thiếu thông tin về các sản phẩm, nên chủ yếu dựa vào tư vấn của nhà thầu, chọn ván gỗ hay nội thất gỗ dựa trên màu sắc, tiếp xúc bề mặt chứ không có nhiều thông tin về quy chuẩn chất lượng.

"Người dân có tâm lý muốn xài hàng rẻ, tiện nên đánh vào điểm yếu này, nhiều nhà cung cấp đưa những hàng không đảm bảo, gây nhiễu cho nhà sản xuất làm ăn chân chính. Đa số bạn đọc chọn giá rẻ rồi mới đến an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, nếu sử dụng vật liệu không đảm bảo, không chỉ ảnh hưởng đến người thi công mà chủ nhà, người sống tại căn nhà", kiến trúc sư Lê Văn Hữu chia sẻ.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 11.

Đối với các loại ván công nghiệp, có một thông số rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và thường xuyên bị bỏ qua. Đó là tiêu chuẩn về nồng độ phát thải formaldehyde. Theo bác sĩ Đỗ Văn Dũng, chất formaldehyde được phát sinh từ chất kết dính nhằm tăng độ bền, độ cứng cho vật liệu nội thất như ván gỗ công nghiệp. Nếu hàm lượng chất này vượt ngưỡng cho phép có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ như kích ứng mắt, mũi, họng và các triệu chứng hô hấp khác.

Hiện nay quy chuẩn này chỉ dành cho các nhà sản xuất, phải cung cấp các sản phẩm đáp ứng ở nhiều quy chuẩn khác nhau, nhưng tiêu chuẩn nào tương ứng với mỗi sản phẩm thì chưa được hướng dẫn. Ví dụ ở châu Âu và Mỹ, cơ quan quản lý yêu cầu các sản phẩm phải đạt chuẩn E1 hoặc CARB-P2 nhưng Việt Nam thì chưa có quy định này.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 12.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, Bộ xây dựng đã đề ra Thông tư 04, có hiệu lực từ 1-1-2024, trong đó, quy định rõ hàm lượng formaldehyde được phép phát tán đối với gỗ công nghiệp. Quy định mới không chỉ bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng mà còn góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho những doanh nghiệp sản xuất và cung ứng vật liệu nội thất chất lượng uy tín.

Theo ông Nguyễn Quang Hiệp, Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng quy định mới áp dụng cho cả doanh nghiệp sản xuất lẫn doanh nghiệp nhập khẩu gỗ. Buộc các doanh nghiệp phải rà soát các tiêu chuẩn khi công bố chất lượng hàng hoá. Hàng phải đạt tiêu chuẩn mới được đem ra tiêu thụ trên thị trường. Thông tư tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàng hóa, vật liệu xây dựng, những quy chuẩn được kỳ vọng có thể vá được lỗ hổng trong thị trường nội thất gỗ, hướng đến mục tiêu quan trọng là bảo vệ sức khoẻ người dùng, tăng cạnh tranh lành mạnh cho thị trường.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 13.

Nhờ áp dụng công nghệ máy móc vào sản xuất, vài năm gần đây ván gỗ công nghiệp trong nước có những bước cải tiến đáng kể, khắc phục được hàng loạt nhược điểm như thân thiện môi trường, không chứa chất độc hại hay độ bền của sản phẩm… Ông Lê Viết Hoàng Thân, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn KES, cho biết để làm ra sản phẩm đáp ứng và xuất khẩu được vào các thị trường khó tính hàng đầu thế giới, đơn vị phải làm chủ quy trình sản xuất khép kín từ nguyên liệu thô đến thành phẩm như: quá trình sản xuất keo, sản xuất ván khép kín.

Ván gỗ công nghiệp thời nay có cải tiến so với các ván gỗ công nghiệp thời trước. Đầu tiên là về mẫu mã đã đa dạng hơn, sang trọng hơn, có các hiệu ứng 3D. Về chất lượng, nhà sản xuất cũng đảm bảo chất lượng cao hơn và an toàn hơn như các chỉ số phát thải Formaldehyde đạt đúng tiêu chuẩn quy định. Và cuối cùng, về thiết kế thì có khả năng chịu được lực tốt hơn và chịu được độ trương nở cao hơn. Nhưng cạnh những nhà sản xuất có đầu tư bài bản, thị trường vẫn khá nhập nhèm, cạnh tranh bất chấp về giá, trong khi người tiêu dùng vẫn rất thiếu thông tin.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 14.
Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 15.

Với thông tư 04 của Bộ Xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu nội thất như gỗ công nghiệp, sơn, thạch cao sẽ được minh bạch và bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn. Tuy vậy, người tiêu dùng cũng sẽ phân vân liệu họ phải trả thêm phí cho việc tuân thủ của doanh nghiệp hay "Ai cũng muốn mua hàng đạt chuẩn, nhưng hàng đạt chuẩn thì giá lại quá cao".

Ông Trần Khánh Trung, phó chủ tịch Hội kiến trúc sư TP.HCM, chủ nhiệm CLB Kiến trúc Xanh TP.HCM cho biết suy nghĩ sản phẩm đạt chuẩn đều có giá thành cao là rất phổ biến. Ván gỗ công nghiệp muốn "xịn" là phải đảm bảo các chỉ số về chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Một ván gỗ an toàn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chất lượng keo, chất lượng gỗ và quy trình công nghệ sản xuất ván hiện đại để đảm bảo sản phẩm ra đạt tiêu chuẩn.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 16.

Cũng theo ông Trung, mặc dù gỗ công nghiệp Việt Nam đã giành được sự công nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, nhưng sự tiếp cận và sự nhận thức của người tiêu dùng nội địa vẫn còn hạn chế. Người tiêu dùng vẫn có tâm lý ưu tiên sử dụng sản phẩm ngoại nhập, không có đủ thông tin, không nhận ra giá trị của sản phẩm trong nước. Một số người tiêu dùng nội địa vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm gỗ công nghiệp Việt Nam. Trong khi ngay trên sân nhà, sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nội địa và cả nhập khẩu là một thách thức lớn đối với sự phát triển của gỗ công nghiệp Việt Nam.

Những nhà sản xuất gỗ công nghiệp trong nước hiểu rằng để vượt qua những thách thức từ thị trường nội địa họ phải tạo ra các chiến lược tiếp thị hiểu quả, tăng nhận thức và niềm tin từ phía người tiêu dùng nội địa về sản phẩm "Made in Vietnam". Bên cạnh đó, hành trình này không thể thiếu nỗ lực không ngừng đầu tư vào nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm để duy trì và nâng cao chất lượng.

Ván gỗ công nghiệp Việt Nam: Quốc tế đón nhận, làm chủ sân nhà - Ảnh 17.


HẢI KIM
HỮU HẠNH - QUANG ĐỊNH
HẢI PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên